Lữ Đoàn A TQLC tiếp tục cuộc hành quân của QLVNCH sang Cambodia

Lữ Đoàn A TQLC tiếp tục cuộc hành quân của QLVNCH sang Cambodia

Neak Loeung bên bờ sông Mekong. (Hình: en.wikipedia.org)

Vann Phan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Lữ Đoàn A Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Hoàng Tích Thông, tiến sang Cambodia là để kế tục nhiệm vụ của Lữ Đoàn B TQLC đang cùng với Hải Quân VNCH hành quân ngoại biên sang xứ Chùa Tháp từ những ngày đầu Tháng Năm, 1970.

Neak Loeung bên bờ sông Mekong. (Hình: en.wikipedia.org)

Bối cảnh cuộc hành quân của Lữ Đoàn A TQLC tại Cambodia

Cuộc Hành Quân Sóng Thần 5/70, trong khuôn khổ cuộc hành quân hỗn hộp thủy-bộ mệnh danh “Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70” của Hải Quân và TQLC VNCH sang Cambodia, khai diễn ngày 9 Tháng Năm và kết thúc vào ngày 30 Tháng Sáu, 1970. Theo kế hoạch hành quân, Lữ Đoàn B và rồi Lữ Đoàn A TQLC VNCH thay phiên nhau tham gia chiến dịch Sóng Thần 5/70. Trong thời gian Lữ Đoàn B tham gia hành quân sang Cambodia thì Lữ Đoàn A đang hành quân tại tỉnh Chương Thiện thuộc Vùng IV Chiến Thuật.

Trong giai đoạn 1 của cuộc Hành Quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70 trên đất Cambodia, các lực lượng Hải Quân và TQLC VNCH đã thành công giải tỏa được áp lực của bộ đội chính quy Cộng Sản Bắc Việt và du kích Cộng Sản Cambodia trên sông Mekong, đoạn từ ranh giới Việt-Miên đến thủ đô Phnom Penh (Nam Vang) của Cambodia, rồi dùng tàu Hải Quân vận chuyển khoảng 40,000 Việt kiều từ Cambodia về Việt Nam bình yên.

Đồng bào Việt Nam sinh sống trên đất Cambodia, vào thời điểm đó, đang bị dân Cambodia kỳ thị, ngược đãi và sát hại trong những vụ “cáp duồn,” khi công khai, khi lén lút, mặc dù đây không phải là chủ trương của chính quyền Cộng Hòa Khmer thân Mỹ và VNCH (sau khi Thủ Tướng Lon Nol mở cuộc đảo chánh lật đổ Quốc Vương Norodom Sihahouk thân Cộng vào ngày 18 Tháng Ba, 1970).

Diễn tiến cuộc hành quân của Lữ Đoàn A TQLC trên đất Cambodia

Theo bài viết nhan đề “Chiến Đoàn A TQLC hành quân Campuchia năm 1970” trong quyển hồi ký “Cuộc Đời Tôi” của cựu Đại Tá TQLC VNCH Hoàng Tích Thông trên trang mạng vietquoc.org, ngày 3 Tháng Sáu, 1970, Lữ Đoàn A TQLC từ Châu Đốc được các tàu Hải Quân VNCH chuyên chở ngược sông Mekong tới điểm đổ bộ là bến phà Neak Loeung ở Cambodia để tham gia cuộc hành quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70 đang diễn tiến, thay thế cho Lữ Đoàn B TQLC trở về Việt Nam nhận nhiệm vụ mới.

Hoạt động đầu tiên của Lữ Đoàn A TQLC là giải tỏa tỉnh lỵ Prey Veng nằm ở phía Đông-Bắc Neak Loeung đang bị các lực lượng Cộng Sản Bắc Việt chiếm đóng trong khi quân trú phòng của chính phủ Cambodia thì vẫn còn cố thủ tại một căn cứ nằm ở phía Nam tỉnh lỵ. Hai tiểu đoàn TQLC được trực thăng vận xuống địa điểm hành quân trong khi một tiểu đoàn vẫn ở lại Neak Loeung làm thành phần trừ bị. Trong buổi chiều cùng ngày, TQLC chạm địch tại rìa phía Bắc tỉnh lỵ. Cuộc giao tranh kéo dài cho tới sáng hôm sau thì, được pháo binh TQLC và trực thăng võ trang của Không Lực VNCH yểm trợ, Thủy Quân Lục Chiến đã làm chủ trận địa và đánh bật Cộng Quân ra khỏi Prey Veng, với hàng chục quân địch bỏ xác tại chỗ. Thiệt hại về phía quân bạn được coi là nhẹ.

Chỉ hai ngày sau khi bàn giao công tác phòng thủ Prey Veng lại cho đơn vị Cambodia tại địa phương, TQLC tiếp tục cuộc hành quân lên phía Bắc, nhưng chỉ gặp địch kháng cự lẻ tẻ trước khi rút chạy, bỏ lại nhiều kho lúa gạo trong vùng. Cuộc hành quân giải tỏa Prey Veng chấm dứt, TQLC dùng thời gian còn lại trợ giúp quân chính phủ Cambodia củng cố các đồn bót và công sự phòng thủ dọc theo trục lộ Prey Veng-Neak Loeung trước khi di chuyển trở về căn cứ chính ở Neak Loeung.

Từ Neak Loeung, các tiểu đoàn TQLC mở những cuộc hành quân diều hâu cấp đại đội vào những khu vực có Cộng Quân hoạt động, đồng thời liên lạc và trao đổi kinh nghiệm chiến đấu với một lữ đoàn quân Cambodia mới được thành lập dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Pre Meas. Khoảng một tuần lễ sau, sứ mạng kế tiếp của Lữ Đoàn A TQLC là mở cuộc hành quân lùng và diệt tại khu vực Tây-Bắc thủ đô Phnom Penh, khu vực dọc theo tỉnh lộ đi Kompong Cham, nơi có nhiều hoạt động quấy rối của Cộng Quân. Hai tiểu đoàn TQLC lại được tàu Hải Quân chuyển vận qua vùng hữu ngạn sông Bassac, một khu rừng cây rậm rạp, xen kẽ những bản, làng và chùa chiền. Tại đây, lực lượng TQLC đã đụng độ lẻ tẻ với địch quân trước khi họ tháo chạy vào rừng và để lại một số tử thi.

Tình hình trở nên yên tĩnh trong những ngày kế tiếp vì Cộng Quân không thấy xuất hiện để kháng cự. TQLC được lệnh quay trở về căn cứ chính để chuẩn bị an ninh cho cuộc thăm viếng bất ngờ của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến Neak Loeung, nơi vị tổng thống VNCH thăm hỏi tình hình chiến sự đồng thời mở cuộc hội kiến với các nhà lãnh đạo nước chủ nhà, là Quốc Trưởng Cheng Heng và Thủ Tướng Lon Nol. Nhân dịp này, Tổng Thống Thiệu cũng đến thăm viếng các đơn vị TQLC đóng rải rác dọc theo Quốc Lộ 1, đoạn từ Neak Loeung đến gần khu vực tỉnh Xoài Riêng, đang là địa bàn hoạt động của các đơn vị Quân Đoàn 3 VNCH trên đất Chùa Tháp.

Nhiệm vụ sau cùng của Lữ Đoàn A TQLC trước khi cuộc Hành Quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70 chấm dứt (vào cuối Tháng Sáu) là tham gia cuộc hành quân của các đơn vị Biệt Khu 44 do Đại Tá Nguyễn Hữu Hạnh chỉ huy, giải tỏa thành công Tỉnh Lộ 5 từ thủ đô Phnom Penh băng qua Đèo Pik Nil cho tới Sihanoukville, nơi Cộng Quân đang ẩn núp để phá hoại đường sá và ngăn chặn giao thông từ hải cảng trọng yếu này của Cambodia lên tới thủ đô Phnom Penh.

Bản đồ Cambodia trong các cuộc hành quân ngoại biên của Quân Lực VNCH. (Hình: vietquoc.org)

Thành quả tốt đẹp của cuộc Hành Quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70 tại Cambodia

Các cuộc hành quân liên binh chủng Toàn Thắng (đặc biệt là Toàn Thắng 42 và 43) của Quân Đoàn 3 và Cửu Long 1 và Sóng Thấn 5/70 của Quân Đoàn 4 Quân Lực VNCH sang Cambodia trong năm 1970 đã thành công mỹ mãn, với kết quả tốt dẹp cả về mặt quân sự lẫn chính trị trong giai đoạn quyết định của kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh mà cả VNCH và Hoa Kỳ cùng theo đuổi, giữa lúc cuộc hòa đàm nhằm chấm dứt cuộc Chiến Tranh Việt Nam giữa Hoa Kỳ, VNCH, Cộng Sản Bắc Việt, và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đang diễn tiến tại Paris bên Pháp.

Về mặt quân sự, các đại đơn vị của Quân Đoàn 3, trong đó có lực lượng tổng trừ bị Nhảy Dù, đã đụng độ mạnh với quân Cộng Sản Bắc Việt và quân du kích Cộng Sản Cambodia ở vùng biên giới Việt Nam-Cambodia, nhờ đó mà tiêu diệt được một số các đơn vị Cộng Quân cùng nhiều kho vũ khí, đạn dược, lương thực, và đồ tiếp liệu tại các sào huyệt mà địch quân vẫn dùng làm bàn đạp để tấn công vào lãnh thổ VNCH. Trong khi đó, các đại đơn vị của Quân Đoàn 4, trong đó có Hải Quân và lực lượng tổng trừ bị TQLC, vì đụng độ ít hơn với Cộng Quân, đã dễ dàng thu hồi nhiều tỉnh, thành và đồn bót từng bị mất vào tay bộ đội Cộng Sản Bắc Việt và du kích Cộng Sản Cambodia, để rồi trao trả lại cho các lực lượng quân đội Cộng Hòa Khmer trấn giữ.

Về mặt chính trị, thành quả đáng kể là việc các lực lượng Hải Quân và TQLC VNCH  hành quân (Lữ Đoàn B TQLC) đã đưa được 40,000 Việt kiều, đang bị dân Cambodia kỳ thị và “cáp duồn,” trở về nước cùng với việc khai thông các con đường bộ và đường sông (trên sông Mekong) từ biên giới Việt Nam tới thủ đô Phnom Penh. Điều đáng nói là, nhờ cuộc hành quân Cửu Long 1 và Sóng Thần 5/70, an ninh được tái lập cho một vùng rộng lớn từ Phnom Penh qua Neak Loeung về tới tận Châu Đốc của Việt Nam. Đây cũng là cơ hội quý giá để quân đội Cộng Hòa Khmer còn non trẻ có dịp học hỏi kinh nghiệm chiến đấu qua các cuộc phối hợp hành quân với một lực lượng thiện chiến vào bậc nhất như TQLC VNCH.

Cũng nhờ các cuộc hành quân phối hợp của Lữ Đoàn A TQLC VNCH và Lữ Đoàn Cambodia của Đại Tá Pre Meas đã giúp cải thiện và giữ vũng an ninh lãnh thổ Cambodia mà Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu đã có thể đến thăm các đơn vị Hải Quân và TQLC đang hành quân tại Neak Loeung và gặp gỡ Quốc Trưởng Cheng Heng cùng Thủ Tướng Lon Nol tại đây, thắt chặt tình hữu nghĩ giữa hai quốc gia chống Cộng tại vùng Đông Nam Á, là VNCH và Cộng Hòa Khmer.

Tiếc thay, tình đồng minh chiến đấu giữa VNCH và Cộng Hòa Khmer đã chỉ tồn tại được có 5 năm, khi lần lượt Camnbodia và Miền Nam Việt Nam đều bị Đồng Minh Mỹ bỏ rơi nên đành phải sụp đổ trước các cuộc tổng tấn công của các lực lượng Khmer Đỏ và Cộng Sản Bắc Việt, luôn được Cộng Sản Quốc Tế yểm trợ mạnh mẽ và bền bỉ, vào Phnom Penh, ngày 17 Tháng Tư, 1975, và vào Sài Gòn, ngày 30 Tháng Tư, 1975, với hậu quả khốc liệt và thê thảm như thế nào cho hai dân tộc Cambodia và Việt Nam thì cả thế giới đều đã biết rõ. (Vann Phan)

Bài Liên Quan