Belarus: Sang Sochi ‘cầu viện’, ông Lukashenko được Nga giúp 1,5 tỷ USD

Belarus: Sang Sochi ‘cầu viện’, ông Lukashenko được Nga giúp 1,5 tỷ USD

4 giờ trước

Hàng nghìn phụ nữ đã tham gia một cuộc biểu tình ở Minsk vào thứ Bảy
Chụp lại hình ảnh,Hàng nghìn phụ nữ đã tham gia một cuộc biểu tình ở Minsk vào thứ Bảy

Cuộc gặp hôm 14/09/2020 giữa tổng thống Belarus Alexander Lukashenko và người tương nhiệm Nga, Vladimir Putin tại Sochi diễn ra theo yêu cầu của phía Belarus.

Chỉ riêng động thái đó cho thấy chính sách ‘độc lập với Nga’ mà ông Lukashenko theo đuổi lâu nay nhằm đảm bảo quyền lực của riêng ông đã phải thay đổi.

Lý do là sức ép biểu tình trong nước đang đe dọa trực tiếp quyền lực của ông, theo trang Geopolitical Futures.

Nhiều nhà bình luận cho rằng hiện nay, ông Lukashenko đang gặp khó khăn nghiêm trọng và mọi tính toán chính trị sai đều có thể dẫn tới khả năng ông bị mất quyền.

Hôm 13/09, hàng nghìn người tiếp tục xuống đường ở Minsk, kêu gọi bầu cử lại.

Ngược lại, vào lúc này, nhìn từ phía ông Putin thì việc can thiệp vào Belarus bằng cách nào cũng có thể gây ra phản ứng xấu từ châu Âu và từ xã hội Belarus.

Tuy thế, cuộc gặp đầu tiên trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Belarus gặp nhiều đợt biểu tình, đánh dấu vị thế vượt trội của ông Putin.

Một mặt, Putin nói Nga muốn “người Belarus tự tìm ra giải pháp một cách êm ả cho tình hình này, thông qua đối thoại”.

Đây là chỉ dấu cho thấy Moscow vẫn không muốn loại hoàn toàn vai trò của phe đối lập và có các lãnh đạo đang “tỵ nạn” tại Moscow.

Protesters in Minsk, 6 September
Chụp lại hình ảnh,Biểu tình lớn nổ ra tại Minsk, thủ đô của Belarris, hôm Chủ Nhật 6/9

Mặt khác, ông cam kết ngay 1,5 tỷ USD tiền cho vay để cứu giúp chế độ Lukashenko về tài chính.

Về kinh tế, nếu như biểu tình ở Minsk chỉ đánh vào tâm lý giới chức trong chính quyền, các cuộc đình công ở những vùng khác đã và sẽ tác động xấu đến kinh tế.

Chế độ an sinh xã hội tuy không hào phóng nhưng ‘bao cấp’ khá đều các tầng lớp xã hội ở Belarus cho tới trước dịch Covid-19 đã là nền tảng cho sự ủng hộ mà ông Lukashenko có được, theo các báo khu vực.

Nhưng nay, Ngân hàng Thế giới dự báo kinh tế Belarus 2020 sẽ sụt giảm ít nhất 2% vì Covid-19, vì căng thẳng chính trị và vì mất thị trường xuất khẩu.

Một số dự báo khác nêu con số đen tối hơn: 3,4%.

Chính quyền của ông Lukashenko cần tiền ngay lập tức để trang trải, gồm cả việc duy trì hoạt động an ninh, quân sự nhằm tỏ ra họ vẫn còn vững mạnh.

Trong lĩnh vực đó, ông Putin cũng đã hứa sẽ giúp Belarus.

Ông nói cảnh sát Nga “sẵn sàng can thiệp nếu biểu tình vượt ra ngoài tầm kiểm soát”.

Nhưng phía Nga còn dè dặt trước đề nghị của Lukashenko là mọi cuộc diễn tập quân sự của Belarus từ nay sẽ luôn mời quân Nga.

Hai bên cũng không ký kết văn bản gì ở Sochi, và theo ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Điện Kremlin thì các khoản nợ của Belarus với Nga đã được bàn thảo.

Svetlana Tikhanovskaya. File photo
Chụp lại hình ảnh,Bà Tikhanovskaya đã bị buộc phải rời Belarus

Đi dây và dọa cả hai bên không thành?

Đây là chỉ dấu Nga không muốn nhận lãnh hết các vấn đề gây cấn của Belarus mà theo một số đánh giá từ Nga, là do chính ông Lukashenko gây ra.

Hôm 22/08, nhà phân tích chính trị người Nga, Giáo sư Vladimir Kolotov từ Đại học Tổng hợp St. Petersburg, nêu quan điểm như vậy với BBC News Tiếng Việt.

Theo ông, “diễn biến chính trị hiện nay ở Belarus là do chính phủ của Lukashenko tự diễn biến, tự phá hoại, tự mục nát, tự dẫn tình hình đến khủng hoảng như bây giờ.

“Lukashenko cố gắng cùng một lúc ‘ngồi mấy ghế’ và đồng thời dọa Nga là phương Tây có thể lật đổ Belarus nếu Nga không ủng hộ và đồng thời dọa phương Tây là nếu phương Tây không ủng hộ thì Nga sẽ lật đổ.

“Đấy là cùng một lúc mâu thuẫn như thế và ‘xoay theo chiều gió’ thường xuyên và cuối cùng là làm mất lòng tin trong nước và nước ngoài.”

Trước mắt, Nga không muốn cam kết cụ thể là sẽ giúp chính quyền Belarus ‘giải tán biểu tình’ mà chỉ tiếp tục với các thỏa thuận diễn tập quân sự đã có từ trước.

Hôm 15/09/2020, Nga cho rút các đơn vị an ninh được lập ra hồi cuối tháng 8 khỏi biên giới với Belarus.

Trang Moscow Times cho hay điều này đã được ông Putin nói với ông Lukashenko ở Sochi một ngày trước.

Cùng lúc, quân Nga sang Belarus tham dự cuộc tập trận ‘Huynh đệ Slavơ’ (Slavic Brotherhood) ở gần Brest, giáp biên giới Ba Lan, nước thành viên Nato và EU.

Cuộc tập trận thường niên này được cho là để đối phó với các cuộc tập trận định kỳ của Nato trong vùng chứ không nhằm để đe dọa người biểu tình.

Tuy thế, các báo châu Âu tin rằng ông Lukashenko cho mở liên tục các cuộc diễn tập quân sự nhằm chứng tỏ sức mạnh của chế độ.

Mới trong tháng 8, các đơn vị liên binh chủng của Belarus đã tập trận ở gần Grodno, không xa biên giới Lithuania và Ba Lan.

Lúc đó, ông Lukashenko ra tận bãi tập của quân đội và lên án Ba Lan cùng Nato ‘có âm mưu xâm lược’.

Bài Liên Quan