TikTok từ chối đề nghị của Microsoft vào phút chót

TikTok từ chối đề nghị của Microsoft vào phút chót

15 tháng 9 2020

TikTok on mobile screen in front of Oracle logo

Microsoft nói lời đề nghị mua lại mảng hoạt động tại Mỹ của ứng dụng chia sẻ video Tik Tok rất phổ biến đã bị khước từ, mở đường cho Oracle giành được thỏa thuận vào phút chót.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ra hạn chót là ngày 15/9 để công ty Trung Quốc sở hữu ứng dụng này phải bán, nếu không sẽ bị đóng cửa hoạt động tại Mỹ.

Chính quyền ông Trump nói rằng Tik Tok và các các ứng dụng khác của Trung Quốc là mối đe dọa an ninh quốc gia.

Microsoft và Oracle dẫn đầu trong cuộc đua mua Tik Tok từ hãng Trung Quốc ByteDance.

Tik Tok là ứng dụng chia sẻ video vô cùng phổ biến với người dùng. App này – đã được tải về 2 tỷ lượt trên toàn cầu – cho phép người dùng làm và đăng tải các video video clip dài 15 giây.

Tạp chí Wall Street Journal và hãng tin Reuters dẫn nguồn thạo tin tường thuật rằng Oracle, hãng chuyên bán công nghệ cơ sở dữ liệu và hệ thống điện toán đám mây cho doanh nghiệp đã thắng trong cuộc đua giành mua Tik Tok.

Các tường thuật trước đó nói rằng Oracle rất nghiêm túc trong việc cân nhắc mua mảng hoạt động của Tik Tok tại Mỹ, Canada, Úc và New Zealand cùng với các hãng đầu tư trong đó có General Atlantic và Sequoia Capital.

Phát ngôn viên của Tik Tok nói với BBC rằng hãng “không bình luận về những diễn biến với Microsoft cũng như những đồn đoán liên quan tới Oracle”.

Microsoft nói gì?

Hôm Chủ Nhật, Microsoft công bố rằng “ByteDance cho chúng tôi biết rằng họ không bán mảng hoạt động tại Mỹ của Tik Tok cho Microsoft. Chúng tôi tin tưởng rằng đề nghị của chúng tôi là có lợi cho người dùng Tik Tok trong lúc bảo vệ được các lợi ích an ninh quốc gia.”

Điều này mở đường cho Oracle, hãng mà ông Trump hồi tháng trước nói là “một công ty vĩ đại”, mua lại hoạt động của Tik Tok tại Mỹ.

Chủ tịch của Oracle Larry Ellison là người ủng hộ ông Trump và đã tổ chức một sự kiện gây quỹ cho ông hồi tháng Hai.

Tuy nhiên, đã có những thông tin gây bối rối liên quan tới hạn chót.

Sắc lệnh của ông Trump nêu ra hạn chót là 20/9. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ lặp đi lặp lại rằng hạn chót là ngày 15/9.

Tại sao phải bán?

Ông Trump ra lệnh cho chủ sở hữu Tik Tok phải bán mảng hoạt động tại Mỹ trong vòng 90 ngày, nếu không sẽ bị đóng cửa.

Việc buộc phải bán là một phần trong chiến dịch trấn áp đối với các hãng công nghệ Trung Quốc tại Mỹ.

Ông Trump nói rằng các app như Tik Tok, Wechat, và nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei tạo nên mối đe dọa an ninh quốc gia, bởi các dữ liệu về người dùng thu thập được từ các dịch vụ này có thể sẽ bị chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. Các hãng Trung Quốc bác bỏ cáo buộc.

ByteDance headquarters in Beijing

Huawei cũng đối diện với lệnh cấm vào ngày 15/9, là lệnh có tác động tới các nhà cung ứng không phải là công ty Mỹ của hãng.

Các công ty sẽ phải ngưng việc vận chuyển hàng cho Huawei nếu như sản phẩm của họ có sử dụng công nghệ Hoa Kỳ. Để có thể cung ứng cho Huawei, các hãng sẽ cần xin giấy phép từ Bộ Thương Mại Hoa Kỳ.

Trung Quốc nói gì về việc này?

Hai tuần trước, Trung Quốc công bố các hạn chế mới của chính phủ đối với việc xuất khẩu công nghệ. Quy định mới được cho là nhằm trì hoãn việc bán Tik Tok.

Các hạn chế mà Bắc Kinh đưa ra khiến những công nghệ như trí tuệ nhân tạo sẽ cần có sự chuẩn thuận của chính phủ trước khi xuất ra nước ngoài.

Tik Tok đã trở nên rất phổ biến bởi ứng dụng này dùng thuật toán cao cấp để có thể đoán được ý người dùng muốn xem kiểu video nào.

Zhang Yabo and Zhang Ya-zhao present tiktok webcast in Henan Province, China

Dạng công nghệ này nay sẽ chịu sự kiểm tra của chính phủ Trung Quốc.

Các thuật toán rất có giá trị này sẽ không được đem bán hoặc chuyển nhượng, theo một tường thuật của South China Morning Post.

Việc buộc phải bán có ý nghĩa gì đối với người dùng Tik Tok?

Hiện chưa rõ điều gì sẽ xảy ra đối với ứng dụng chia sẻ video hiện đang có chừng 100 triệu người dùng tích cực tại Mỹ.

Cả Oracle lẫn Microsoft đều không được coi là những hãng thích hợp nhất cho Tik Tok, bởi đối tượng sử dụng ứng dụng này chủ yếu là giới trẻ những người chia sẻ rất nhiều video ngắn dạng lip-synch.

Bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ cần có sự chấp thuận từ các bên có quyền và lợi ích liên quan, gồm chính phủ Trung Quốc, chính phủ Hoa Kỳ, ByteDance và các nhà đầu tư.

Hồi tháng Tám, Tik Tok đã đệ đơn kiện chính phủ Hoa Kỳ nhằm đáp trả sắc lệnh của ông Trump, theo đó buộc ứng dụng này phải bị đem bán đối với mảng hoạt động ở Mỹ.

Bài Liên Quan