Quốc hội Hàn Quốc tranh luận về dự án nhiệt điện than tại Việt Nam

Quốc hội Hàn Quốc tranh luận về dự án nhiệt điện than tại Việt Nam

Ảnh minh họa một nhà máy nhiệt điện than Ảnh minh họa một nhà máy nhiệt điện than AFP

Theo tin từ Ajudaily hôm 8 tháng 10 năm 2020, một dự án nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đã trở thành chủ đề tranh luận tại quốc hội Hàn Quốc. Các nhà lập pháp Hàn Quốc nên lên phản ứng dữ dội từ các nhà hoạt động môi trường cũng như sự lo lắng của người dân địa phương về ô nhiễm về một dự án nhiệt điện than.

Các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản được nói tham gia xây dựng nhà máy nhiệt điện than công suất 1.200MW có tên là Vũng Áng 2 tại tỉnh Hà Tĩnh của Việt Nam. Cụ thể, Samsung C&T và Doosan Heavy Industries & Construction sẽ tham gia thiết kế, mua sắm và vận hành xây dựng.

Ban đầu, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, công suất 1.200 MW, đầu tư theo hình thức BOT, do Công ty One Energy Asia làm chủ đầu tư. Công ty One Energy Asia – được thành lập từ liên doanh giữa Tập đoàn Mitsubishi Nhật Bản và Tập đoàn CLP (Hồng Kông).

Khi CLP rút quyền tham gia, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã quyết định mua 40% cổ phần do CLP nắm giữ. Khoản đầu tư của KEPCO đã được hội đồng quản trị phê duyệt vào ngày 5 tháng 10 năm 2020.

Các nhà hoạt động môi trường bày tỏ lo ngại về tình trạng ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 có công suất thiết kế 1.200MW được xây dựng để đáp ứng nhu cầu điện cho khu công nghiệp trong vùng.

Tại cuộc kiểm tra của Quốc hội vào ngày 7 tháng 10, Phó chủ tịch Samsung C&T Oh Se-chul cho biết công ty của ông không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục với dự án Vũng Áng 2, với lý do uy tín trong kinh doanh. Ông cho biết không thể đơn phương đưa ra quyết định cho việc này. Điều ông có thể làm là sẽ tạo mối quan hệ tốt với người dân địa phương và cố gắng tránh tham gia vào các dự án nhiệt điện than khác.

Hôm 28 tháng 7 năm 2020, các nhà lập pháp Hàn Quốc đã đề xuất Dự luật cấm đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài bằng những dẫn chứng chỉ ra rằng chi phí đầu tư vào năng lượng sạch đang giảm mạnh ở các quốc gia, kéo theo rủi ro về tài chính và uy tín của các công ty liên doanh chuyên cung cấp than trong cuộc chiến giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Việt Nam đang tích cực thu hút các công ty năng lượng toàn cầu tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng. Vào tháng 6 năm 2019, một tập đoàn do Samsung C&T dẫn đầu đã ký hợp đồng xây dựng nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng đầu tiên của Việt Nam tại cảng phía Nam Thị Vải. Tổng số tiền xây dựng là 179,5 triệu USD và Samsung C&T có 61% cổ phần.

Nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam hàng năm tăng nhanh hơn so với các nước Đông Nam Á khác. Điện từ nhiên liệu hóa thạch vẫn đóng vai trò chủ đạo trong tổng công suất nguồn điện của Việt Nam.

Hàn Quốc là một trong những nước công khai ủng hộ nhiên liệu hóa thạch. Nếu Dự luật cấm đầu tư vào các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài được thông qua, nước này sẽ hạn chế nguồn viện trợ của các dự án điện than trên toàn thế giới.

Bài Liên Quan