Các cựu tổng biên tập báo nhà nước chỉ trích Đại hội Đảng

Các cựu tổng biên tập báo nhà nước chỉ trích Đại hội Đảng

October 6, 2020

Dường như Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước CSVN Nguyễn Phú Trọng (thứ hai, phải qua) không mấy bận tâm đến mức độ hoang phí tại các đại hội Đảng bộ đang diễn ra. Courtesy of Zing

Không phải ngẫu nhiên mà một số cựu tổng biên tập báo nhà nước cùng đồng loạt lên tiếng chỉ trích mức độ hoang phí của Đảng bộ các tỉnh thành trong “mùa đại hội Đảng”, thậm chí có người còn mô tả đây là “tấn trò hề”.

Trong những ngày này, đột nhiên các bản tin trên báo nhà nước thi nhau hé lộ mặt trái của việc tặng quà, may trang phục cho các đại biểu dự đại hội Đảng, với những con số lạnh lùng khiến người nghèo phải giật mình: Tỉnh ủy Hà Tĩnh chi hơn 2 tỷ đồng ($86,271) mua cặp da “made in China” cho đại biểu, Tuyên Quang xém nữa thì chi 2.5 tỷ đồng ($107,839) mua hơn 400 bộ complet cho đại biểu với yêu cầu chất liệu vải nhập ngoại…

Dường như mức độ xài tiền tỷ của Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương “nhân dịp đại hội Đảng” khiến giới nhà báo một thời lãnh đạo tòa soạn tuyên truyền về đường lối của nhà cầm quyền CSVN cũng phải bày tỏ sự phẫn nộ xen lẫn ngao ngán.

“Như một tấn trò hề…’

Hôm 6/10/2020, nhà báo Vũ Kim Hạnh, cựu tổng biên tập tờ Tuổi Trẻ, bình luận trên trang cá nhân: “…Đại hội Đảng là nơi bàn chuyện quan trọng dẫn đường phát triển cho dân cho nước, nên đại biểu phải có quần áo xịn, có cặp tốt là phải rồi. Nhưng hỡi ôi, thật đau khi các đại hội Đảng không hề dành cho các công ty Việt Nam chút ‘xơ múi’ nào. Tôi phải dừng lại nỗi niềm đau khổ khi kêu lên, khi nghĩ tới hơn chục năm Bộ Chính trị vận động ‘Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt’ mà lúc này, mùa đại Hội Đảng, khi tổ chức các đại hội, nơi thể hiện ý chí, tinh hoa lãnh đạo của Đảng mình, các ngài tổ chức cứ khăng khăng phải xài hàng ngoại mới xứng đáng với đại hội, mới ‘thuận’ với thị hiếu đại biểu?”

Bà Hạnh, người được công chúng biết đến với vai trò người khởi xướng chương trình “Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao” chia sẻ thêm: “Khi đi vận động cho hàng Việt, các nhà tuyên giáo thường nói: Dùng hàng Việt là bảo vệ việc làm cho người lao động, là ủng hộ xây dựng, bồi đắp nền tảng nền kinh tế nước nhà. Tôi cũng hăng say ‘tuyên truyền’ vậy, gào lên hoặc thủ thỉ bằng mọi cách thuyết phục các bạn trẻ, lớp người tiêu dùng tương lai, hãy ủng hộ hàng Việt, với hy vọng, người trưởng thành, nhất là cán bộ của Đảng thì hiểu sâu rồi và luôn thực hành điều Đảng đang chú tâm vận động, để nêu gương, dẫn dắt dân thường, nhất là lớp thanh niên. Vậy mà… Các bạn trẻ nghe thuyết phục ‘Ưu tiên dùng hàng Việt’ trước thực tế đang diễn ra lạnh lùng thế này, thì các bạn ấy có nghĩ là tôi ngây ngô hay dối trá, lừa gạt không vậy trời?… Giờ thì thực tế đã giải thích và chứng minh rồi nhé.”

Kinh phí tổ chức các sự kiện của đảng CSVN được cho là điều “tối mật”, công chúng chỉ biết phần nào về tiền mua quà cho đại biểu khi báo nhà nước tiết lộ. Courtesy of Zing

Bên dưới post của bà Vũ Kim Hạnh, bà Nguyễn Thế Thanh, cựu tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM, để lại bình luận: “Đọc xong huyết áp hình như tăng lên 190/98! Và, ngay lập tức không muốn xem bất cứ tin tức nào nữa về các đại hội Đảng đang và sắp diễn ra. Như một tấn trò hề, trống đánh xuôi kèn thổi ngược.”

Cùng thời điểm, ông Tâm Chánh, cựu tổng biên tập tờ Sài Gòn Tiếp Thị, nay đã bị đình bản, chia sẻ trên mạng xã hội: “Đại hội Đảng cờ hoa lộng lẫy khắp chốn. Không còn là chuyện cờ đèn kèn trống. Chuyện hoa, chuyện cặp, chuyện quà, đến cùng không phải là chuyện tiết kiệm. Một chiếc cặp đựng tài liệu đại hội ngoài thị trường chỉ vài trăm ngàn đồng được dự chi gấp ba bốn lần. Cũng là Đảng, Đảng ở Lâm Đồng khác Đảng ở Nghệ An, Đảng ở Quảng Bình chỉ từ giá một chiếc cặp táp.  Nhưng trong lòng dân, chỗ khác biệt ấy là khoảng cách giữa ý chí và hành động, giữa lời nói và việc làm.” 

“Không có bất kỳ luận cứ khoa học nào xác định lối cờ đèn kèn trống rậm mắt rậm tai mỗi đại hội các cấp là truyền thống quý báu, hay tính Đảng sống còn. Trái lại lối chào mừng ấy có phần tô vẽ hình ảnh của Đảng như một quân chủ xưa cũ đã bị lòng người phế bỏ. Thành ra son sắt với dân, với nước, Đảng không chỉ nói liêm chính cần kiệm với đảng viên, mà phải thực hành liêm chính cần kiệm như một lẽ sống thuần phác của tổ chức Đảng, rộng hơn, là của toàn bộ hệ thống chính trị. Đại hội Đảng các cấp là chính sự trọng đại từ ngay những việc tưởng đâu chỉ là cờ đèn kèn trống ấy.”

Ông Nguyễn Thanh Nghị, con trai cựu Thủ tướng CSVN Nguyễn Tấn Dũng, tuy được điều động làm thứ trưởng Bộ Xây dựng nhưng vẫn điều hành đại hội Đảng bộ tỉnh Kiên Giang. Courtesy of Tuoi Tre

‘Lẽ nào đảng viên không xót xa và tự trọng?’

Điều đáng ngạc nhiên là các bài báo tường thuật chi tiết vụ “ném tiền qua cửa sổ” của Thành ủy, Tỉnh ủy các địa phương hiện chưa bị Ban Tuyên giáo CSVN tuýt còi như mọi lần các tòa soạn đưa thông tin “nhạy cảm”, có thể bị “thế lực thù địch” lợi dụng, kích động.

Và trong vụ này, công luận cũng chú ý đến các nhà báo kỳ cựu, lâu nay toàn “nói tốt” cho Đảng bỗng nhiên cũng quay sang chỉ trích mức độ phung phí.

Nhà báo Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên cảm thán trên trang cá nhân: “Báo chí và mạng xã hội đang rộ lên việc dùng ngân sách Nhà nước để mua những món quà đắt tiền tặng cho các đại biểu  cùng những trang trí phù phiếm tốn kém phục vụ đại hội Đảng cấp tỉnh. Tổ chức Đảng công khai dùng tiền thuế của dân để xài sang đang gây phẫn nộ trong dân chúng.” 

Ông Vân lập luận rằng việc dùng ngân sách Nhà nước để tổ chức đại hội Đảng các cấp “là không sai điều lệ”, tuy vậy, ngân sách nhà nước “là tiền thuế của dân, thu chi là do Quốc hội quyết định, mà Quốc hội là do dân bầu, đâu có nghĩa vụ phải chấp hành điều lệ Đảng? 

Ông cũng cho biết thêm: “Tôi từng hỏi ông Nguyễn Sinh Hùng tại hành lang Quốc hội khi ông còn làm bộ trưởng Tài chính, tại sao Quốc hội phải phân bổ ngân sách cho hoạt động của Đảng, nhưng khi tôi vừa hỏi ông đã xua tay: ‘Hỏi đúng rồi, nhưng nhạy cảm, không nói được, không nói được’. Tất nhiên ông không dám nói, mà dù có nói thì Thanh Niên chắc chắn không dám đăng. Ông mà nói, Thanh Niên mà đăng thì ông chắc về vườn sớm, Thanh Niên chắc tiêu, tôi cũng tiêu luôn.”

Trong khi đó, nhà báo Trần Thị Sánh chia sẻ một link bài về Thành ủy Nội chi 50 triệu đồng ($2156) chỉ để mua bút cho đại biểu dự đại hội Đảng. 

Bà đặt câu hỏi trên mạng xã hội: “…Nếu không có đại hội Đảng thì các đại biểu không có quần áo mặc, cặp da xách, ấm chén uồng trà… hay bút viết sao? Toàn cán bộ lãnh đạo, toàn Đảng viên được trang bị lý luận cao cấp và lý tưởng, điều lệ Đảng đến tận răng, lẽ nào họ không xót xa và tự trọng?”

Tất nhiên bà Sánh cũng như các nhà báo trong hệ thống truyền thông nhà nước thừa biết câu trả lời. Nhưng ở góc độ của họ, việc lên tiếng trên mạng xã hội chỉ trích sự phung phí, xài hoang của đảng CSVN như thế đã được coi là sự can đảm nhất định. 

Định Tường

Bài Liên Quan