Bầu cử Mỹ 2020: Thắng hay thua, Trump đã thay đổi thế giới

Bầu cử Mỹ 2020: Thắng hay thua, Trump đã thay đổi thế giới

  • Rebecca Seales
  • BBC News

24 tháng 10 2020

Donald Trump and map of the world

Tổng thống Hoa Kỳ không chỉ là người lãnh đạo nước Mỹ mà còn có thể là người quyền lực nhất trên Trái đất. Những gì ông ấy làm đã thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Vậy chính xác thì ông Trump đã thay đổi thế giới như thế nào?

Thế giới nhìn nước Mỹ như thế nào

Global Attitudes Survey

Tổng thống Trump đã nhiều lần tuyên bố Mỹ là “quốc gia vĩ đại nhất thế giới”. Nhưng theo một cuộc thăm dò 13 quốc gia gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew, ông không làm được gì nhiều cho hình ảnh của nước Mỹ ở nước ngoài.

Ở nhiều nước châu Âu, tỷ lệ công chúng có cái nhìn tích cực về Mỹ đang ở mức thấp nhất trong gần 20 năm. Ở Anh, 41% có ý kiến ủng hộ, Pháp 31%, thấp nhất kể từ năm 2003, ở Đức chỉ 26%.

Phản ứng của Hoa Kỳ đối với đại dịch virus corona là một yếu tố chính – chỉ 15% số người được hỏi cảm thấy Hoa Kỳ đã xử lý vụ dịch tốt, theo số liệu từ tháng Bảy và tháng Tám.

Bầu cử Mỹ 2020: Trump và Biden đối đầu về Covid, khí hậu và chủng tộc

Rút lui khỏi hiệp định chống biến đổi khí hậu

Thật khó để xác định những gì Tổng thống Trump nghĩ về biến đổi khí hậu, vì ông gọi đó là “một trò lừa bịp đắt tiền”, rồi lại thành một “chủ đề nghiêm túc” mà “rất quan trọng đối với tôi”. Điều rõ ràng là trong sáu tháng trở thành tổng thống, ông đã khiến các nhà khoa học thất vọng khi tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp định khí hậu Paris – vốn cam kết rằng gần 200 quốc gia sẽ giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 2 độ C.

Mỹ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ hai sau Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cảnh báo nếu ông Trump tái đắc cử, có thể không kiểm soát được tình trạng nóng lên toàn cầu.

Rút khỏi thỏa thuận Paris, tổng thống tuyên bố rằng hiệp định này “đã có thể đóng cửa các xưởng sản xuất Mỹ với các quy định khắt khe quá mức”. Đây là chủ đề đối với ông Trump, người đã loại bỏ một loạt các quy định về ô nhiễm để cắt giảm chi phí sản xuất than, dầu và khí đốt.https://bbc.com/ws/av-embeds/cps/vietnamese/world-54658757/p08tyb6q/viChụp lại video,

Bầu cử Mỹ 2020: Ai thực sự quyết định người thắng cuộc?

Tuy nhiên, một số mỏ than của Mỹ vẫn đóng cửa do sự cạnh tranh từ khí đốt tự nhiên rẻ hơn và nỗ lực của nhà nước nhằm hỗ trợ năng lượng tái tạo. Các số liệu của chính phủ cho thấy các nguồn năng lượng tái tạo tạo ra nhiều năng lượng hơn than ở Mỹ vào năm 2019, lần đầu tiên sau hơn 130 năm.

Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris chính thức có hiệu lực vào 4/11, một ngày sau cuộc bầu cử tổng thống. Joe Biden đã cam kết sẽ tham gia lại hiệp ước này nếu thắng cử.

Những lo ngại rằng việc rút quân của Mỹ sẽ gây ra hiệu ứng domino đã không thành hiện thực, mặc dù một số nhà quan sát tin rằng điều đó đã tạo thuận lợi cho Brazil và Saudi Arabia trong việc ngăn chặn tiến độ cắt giảm khí thải carbon.

Đóng cửa biên giới

Bầu cử Mỹ 2020: Chúa Giêsu có vai trò chủ chốt?

Tổng thống Trump đặt ra kế hoạch về vấn đề nhập cư chỉ một tuần sau khi nhậm chức, đóng cửa biên giới Hoa Kỳ đối với du khách từ bảy quốc gia đa số theo đạo Hồi. Hiện tại 13 quốc gia đang bị hạn chế ngặt nghèo.

Số người ước ngoài sống ở Mỹ năm 2019 cao hơn khoảng 3% so với năm 2016, năm cuối cùng Tổng thống Obama tại vị. Nhưng điều này đã thay đổi.

Tỷ lệ dân Hoa Kỳ sinh ra ở Mexico giảm đều đặn trong nhiệm kỳ của ông Trump, trong khi số người chuyển đến từ nơi khác ở Mỹ Latinh và Caribe tăng lên. Số lượng thị thực cho phép định cư lâu dài ở Mỹ bị thắt chặt – đặc biệt là đối với thân nhân của những người đã sống ở Mỹ.

Nếu có một biểu tượng về chính sách nhập cư của Tổng thống Trump, đó chắc chắn là “bức tường lớn, đẹp” mà ông đã thề sẽ xây dựng ở biên giới với Mexico. Tính đến ngày 19/10, Hải quan Mỹ và Bảo vệ Biên giới nói 371 dặm của bức tường đã được xây dựng – hầu như là để thay thế hàng rào vốn đã tồn tại ở đó.

Nhưng bức tường này không ngăn cản được những người khao khát đến Mỹ.

Số lượng người di cư bị giam giữ tại biên giới Mỹ-Mexico đạt mức cao nhất trong 12 năm vào năm 2019, đỉnh điểm vào mùa xuân. Hơn một nửa là các gia đình, chủ yếu đến từ Guatemala, Honduras và El Salvador, nơi bạo lực và nghèo đói khiến họ phải xin tị nạn và tìm một cuộc sống mới ở những nơi khác.

Đối với người tị nạn, Donald Trump đã cắt giảm số người có thể tái định cư ở Mỹ. Mỹ đã tiếp nhận gần 85.000 người tị nạn trong năm tài chính 2016, con số này giảm xuống còn dưới 54.000 người vào năm sau.

Năm 2021, con số tối đa sẽ là 15.000 người – ít nhất kể từ khi chương trình tị nạn được triển khai vào năm 1980.

Sự gia tăng ‘tin giả’

Tin giả và trò cân não: Có phải Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ?

“Tôi nghĩ rằng một trong những thuật ngữ tuyệt vời nhất mà tôi nghĩ ra là ‘tin giả”, Donald Trump nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10/2017. Mặc dù tổng thống chắc chắn không tạo ra thuật ngữ “tin giả”, nhưng công bằng mà nói thì ông đã phổ biến nó. Theo các bài trên mạng xã hội và các bản ghi âm được Factba.se theo dõi, ông Trump đã sử dụng cụm từ này khoảng 2.000 lần kể từ lần đầu tiên tweet nó vào tháng 12/2016.

Tìm kiếm “tin giả” trên Google ngay hôm nay, bạn sẽ nhận được hơn 1,1 tỷ kết quả từ khắp nơi trên thế giới. Theo biểu đồ thời gian, bạn có thể thấy mức độ quan tâm của Hoa Kỳ tăng lên như thế nào trong mùa đông 2016-2017 và tăng đột biến trong tuần mà tổng thống công bố cái mà ông gọi là “Giải thưởng Tin tức giả” – một danh sách các tin bài mà ông coi là sai.

Trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016, “tin giả” có nghĩa là các tin không đúng sự thật, như một tin về việc Giáo hoàng Francis ủng hộ việc ông Trump trở thành tổng thống. Nhưng khi nó được dùng phổ biến, y’ nghĩa của từ này không còn chỉ là thông tin sai lệch.

Tổng thống thường xuyên sử dụng từ “tin giả” để tấn công những tin bài mà ông không đồng tình. Tháng 2/2017, ông tiến xa hơn, gọi cho một số hãng tin tức là “kẻ thù của nhân dân Mỹ”.

Đó là một thuật ngữ được các lãnh đạo ở Thái Lan, Philippines, Ả Rập Xê-út và Bahrainsử dụng. Một số người đã dùng các cáo buộc phát tán “tin giả” để biện minh cho việc đàn áp và truy tố các nhà hoạt động và nhà báo đối lập.

Các nhóm xã hội dân sự nói rằng bằng cách sử dụng thuật ngữ ‘tin giả’ để chống lại các tin tức đáng tin cậy, các chính trị gia về cơ bản làm suy yếu nền dân chủ, vốn dựa vào việc mọi người đồng tình rằng cái gì là sự thật cơ bản.

‘Cuộc chiến bất tận’ của Mỹ và thỏa thuận Trung Đông

Trong bài phát biểu về Liên minh tháng 2/2019, Tổng thống Trump cam kết rút quân đội Mỹ khỏi Syria, tuyên bố: “Các quốc gia vĩ đại không chiến đấu trong các cuộc chiến tranh bất tận”.

Những con số vẽ nên một câu chuyện nhiều sắc thái hơn. Không chỉ vì nhiều tháng sau, ông Trump quyết định giữ khoảng 500 quân ở Syria để bảo vệ các giếng dầu. Tổng thống đã thu hẹp quân đội ở Afghanistan, và ở một mức độ nào đó ở Iraq và Syria. Nhưng quân đội Mỹ vẫn ở khắp mọi nơi như họ đã từng vào ngày ông nhậm chức.

Tất nhiên, có nhiều cách để tác động đến Trung Đông mà không cần quân đội. Tổng thống Trump đã bác bỏ phản đối của các tổng thống tiền nhiệm bằng cách chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem vào năm 2018 và công nhận thành phố, bao gồm cả phía Đông bị chiếm đóng, là thủ đô của Israel. Tháng trước, ông đã ca ngợi “bình minh của một Trung Đông mới” khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain ký các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với Israel – một động thái mà Mỹ làm trung gian.

Đây có lẽ là thành tựu ngoại giao quan trọng nhất của chính quyền Trump. Hai quốc gia vùng Vịnh này chỉ là quốc gia Ả Rập thứ ba và thứ tư ở Trung Đông công nhận Israel kể từ khi nước này tuyên bố độc lập vào năm 1948.

Nghệ thuật đàm phán (thương mại)

Tổng thống Trump dường như coi thường các đàm phán mà ông không làm trung gian. Vào ngày đầu tiên nhậm chức, ông đã bãi bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận thương mại 12 quốc gia được Tổng thống Obama phê duyệt, sau khi gọi nó là “khủng khiếp”. Việc bãi bỏ này chủ yếu mang lại lợi ích cho Trung Quốc, nước vốn coi thỏa thuận này là một nỗ lực nhằm hạn chế ảnh hưởng của mình ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng ở Mỹ, giới chỉ trích cho rằng thỏa thuận này sẽ ảnh hưởng đến việc làm của người Mỹ, do đó cổ vũ cho việc bãi bỏ.

Ông Trump cũng đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ với Canada và Mexico, mà ông gọi là “có lẽ là thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất từng được thực hiện”. Hiệp định thay thế không có nhiều thay đổi, mà chỉ thắt chặn các điều khoản về lao động và các quy định về nguồn cung ứng các bộ phận xe hơi.

Sự cố chấp của tổng thống là cách Mỹ thu lợi từ thương mại với thế giới. Kết cục là một cuộc chiến thương mại gay gắt với Trung Quốc, trong đó hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa của nhau. Đó là một vấn đề đau đầu đối với nông dân trồng đậu nành Hoa Kỳ và các ngành công nghiệp công nghệ và ô tô. Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng khi các doanh nghiệp chuyển sản xuất sang các nước như Việt Nam và Campuchia để giảm chi phí.

Trong năm 2019, thâm hụt thương mại hàng hóa của Mỹ với Trung Quốc thấp hơn một chút so với năm 2016. Các công ty Mỹ nhập khẩu ít hơn vì họ tìm cách tránh thuế quan công Trump.

Tuy nhiên, bất chấp đại dịch virus corona ảnh hưởng nặng nề đến các xu thế của năm 2020. Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều hàng hóa hơn xuất khẩu.

Mâu thuẫn với Trung Quốc

Ông Trump đã tweet về một cuộc điện thoại trực tiếp của Tổng thống Đài Loan vào 2/12/2016, ‘gây bão’ tới mức đã có hẳn một trang trang Wikipedia riêng về cuộc điện thoại được đề cập.

Theo đó, ông Trump (khi đó là tổng thống đắc cử) đã thực hiện một bước đi rất bất thường khi nói chuyện trực tiếp với Tổng thống Đài Loan – phá vỡ một hiệp ước được thiết lập vào năm 1979, khi các mối quan hệ chính thức bị cắt đứt. Carrie Gracie, khi đó là biên tập viên của BBC Trung Quốc, dự đoán động thái này sẽ gây ra “náo loạn và tức giận” ở Bắc Kinh, vốn coi Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc không phải là một quốc gia độc lập.

Bước mở đầu táo bạo từ ông Trump là bước đầu tiên trong một cuộc cạnh tranh nhiều mặt giữa hai đối thủ địa chính trị lớn, vốn đã khiến mối quan hệ của họ xấu nhất trong nhiều năm.

Mỹ đã khiến Trung Quốc khó chịu bằng cách tuyên bố rằng các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của họ ở Biển Đông là bất hợp pháp, áp thuế hàng hóa lên hàng hóa của Trung Quốc, cấm tải xuống các ứng dụng phổ biến TikTok và WeChat, và đưa Huawei vào danh sách đen – mà Mỹ cho là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.

Nhưng căng thẳng này không bắt đầu dưới thời ông Trump, và một phần được thúc đẩy do chính hành động của Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình, lên nắm quyền từ năm 2013, đã đưa ra một đạo luật an ninh quốc gia gây nhiều tranh cãi ở Hong Kong, và bắt giam hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi của Trung Quốc.

Tổng thống Trump đổi tên Covid-19 là “virus Trung Quốc”. Và trong khi ông Trump làm thế có thể vì muốn làm chệch hướng việc bị giám sát cách chính quyền ông xử lý đại dịch, sự thay đổi lãnh đạo Mỹ không nhất thiết có nghĩa là một giọng điệu hòa giải hơn. Ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden đã gọi Chủ tịch Tập là một tên côn đồ, và tuyên bố ông Tập “không có xương [dân chủ] trong cơ thể”.

Gần như chiến tranh với Iran

“Iran sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về những sinh mạng bị mất hoặc thiệt hại phát sinh. Họ sẽ phải trả một cái giá rất LỚN! Đây không phải là một cảnh báo, mà là một lời Đe dọa”, ông Trump viết trên Twitter vào đêm giao thừa năm 2019 . “Chúc mừng năm mới!”

Vài ngày sau, gây chấn động toàn cầu, Mỹ ám sát Qasem Suleimani, vị tướng quyền lực nhất của Iran, và là người chỉ huy các hoạt động quân sự của nước này ở Trung Đông. Iran trả đũa, bắn hơn một chục tên lửa đạn đạo vào hai căn cứ của Mỹ ở Iraq. Hơn 100 lính Mỹ đã bị thương. Giới phân tích cho rằng các quốc gia đang trên bờ vực chiến tranh.

Không có chiến tranh, nhưng dân thường vô tội vẫn thiệt mạng: chỉ vài giờ sau khi Iran tấn công tên lửa, quân đội nước này đã bắn nhầm một máy bay phản lực chở khách của Ukraine, giết chết toàn bộ 176 người trên máy bay.

Làm thế nào mà điều này lại xảy ra? Một loạt các tính toán sai lầm từ hai phíađược thực hiện trên cái nền của sự mất niềm tin.

Mỹ và Iran đối đầu kể từ năm 1979, khi vị vua do Mỹ hậu thuẫn (quốc vương của Iran) bị lật đổ, và 52 người Mỹ bị bắt làm con tin bên trong đại sứ quán Mỹ. Vào tháng 5/2018, ông Trump làm gia tăng căng thẳng bằng cách từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, theo đó Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Sau đó, ông đưa ra cái mà Nhà Trắng gọi là “chế độ trừng phạt cứng rắn nhất từng được áp đặt” – được thiết kế để buộc các nhà lãnh đạo Iran phải đạt được một thỏa thuận theo ý muốn của ông.

Tehran từ chối hạ mình. Các lệnh trừng phạt đã khiến nền kinh tế Iran rơi vào suy thoái nghiêm trọng và đến tháng 10/2019, chi phí thực phẩm tăng 61% so với cùng kỳ năm trước và giá thuốc lá tăng 80%. Những người Iran đau khổ đã biểu tình một tháng sau đó.

Trong khi cuộc khủng hoảng virus corona thu hút sự chú ý về mặt chính trị ở cả hai quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề, các kênh ngoại giao của họ hiện rất ít nhưng sự mâu thuẫn của họ là vô kể.

Bài Liên Quan