Mỹ mang thông điệp gì tới Việt Nam về mối đe dọa đến từ Trung Quốc?
Kết thúc chuyến thăm Việt Nam, trả lời câu hỏi của Zing News tại buổi họp báo trực tuyến từ Manila hôm 23/11, được đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ , Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert C. O’Brien cho biết: “Thông điệp của chúng tôi là sẽ tiếp tục hiện diện ở đây, chúng tôi đã hỗ trợ các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi. Chúng tôi sẽ không bị đẩy ra khỏi khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng với tất cả bạn bè và đối tác của chúng tôi. Và tôi nghĩ khi chúng tôi gửi đi thông điệp đó – thông điệp hòa bình thông qua sức mạnh – là cách để răn đe Trung Quốc. Đó là một cách để đảm bảo hòa bình, và là một cách để đảm bảo rằng không có chiến tranh trong khu vực.”
Ông O’Brien cũng trấn an các nước trong khu vực, rằng Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và có những cam kết dài hạn trong khu vực “dù được lãnh đạo bởi một tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa”. Ông cho biết lập trường chống Trung Quốc có được sự đồng thuận của lưỡng đảng Hoa Kỳ, bởi các hành vi thương mại không công bằng của Trung Quốc, hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, nỗ lực cưỡng bức các nước láng giềng, vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, sự dập tắt ngọn lửa dân chủ ở Hồng Kông, và cố gắng cưỡng chiếm Đài Loan.
Cảnh báo cho Hà Nội về mối đe dọa Bắc Kinh
Trước đó, hôm 20/11, ông O’Brien nối tiếp chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa kết thúc cách đây khoảng ba tuần. Các chuyến thăm dồn dập này đã gây ra nhiều sự chú ý cho giới quan sát. Các thông tin liên quan đến Trung Quốc tại cuộc gặp cấp cao này không được tiết lộ, tuy nhiên qua bài phát biểu trước Học viện Ngoại giao Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã đưa ra 2 sự cảnh báo quan trọng, đó là vấn đề Biển Đông và sông Mê Kông.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien phát biểu tại Học viện Ngoại giao ở Hà Nội hôm 21/11/2020 Đại Sứ Quán Mỹ
“Từ biển Đông đến lưu vực sông Mê Kông, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn. Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”, Đại Sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội dẫn lời ông O’Brien.
Từ thông điệp này, có thể thấy Washington đang muốn đưa ra lời cảnh báo cho Hà Nội rằng, mối đe dọa của Bắc Kinh không chỉ đến từ phía Đông trên biển, mà còn đến từ lưu vực sông Mê Kông- một mạn sườn phía Tây của Việt Nam.
Mạn sườn phía Tây của Việt Nam là hai quốc gia Lào và Campuchia đang trong tình trạng lệ thuộc rất sâu nặng vào Trung Quốc. Các chính sách gần đây của chính quyền Viêng Chăn và Phnôm Pênh cho thấy họ dần loại bỏ tầm ảnh hưởng của Hà Nội mà bị chi phối hoàn toàn bởi Bắc Kinh.
Mối họa từ mạn sườn phía Tây
Lào đã vay của Trung Quốc rất nhiều để đầu tư vào các dự án thủy điện sông Mê Kông cũng như dự án đường sắt cao tốc, một liên kết quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên mới đây, Bộ Tài chính Lào đã đề nghị Trung Quốc là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của nước này, cơ cấu lại các khoản nợ để tránh vỡ nợ.
Lào sẵn sàng trả bằng các tài sản có giá trị khác, như đất đai và giao cho các công ty quốc doanh Trung Quốc nắm quyền kiểm soát lưới điện của Lào, cũng như tiếp tục xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông do Trung Quốc tài trợ. Điều này rõ ràng gây ra mối đe dọa cho an ninh lương thực và môi trường cho toàn bộ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Tại Campuchia, gần đây quốc gia này đã phá dỡ căn cứ Hải quân Ream do Mỹ đầu tư xây dựng. Thay vào đó, một căn cứ hải quân khác, nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc là Dara Sakor, có đường băng khổng lồ dài 3.400 mét hiện đang được xây dựng, có khả năng chứa nhiều máy bay quân sự Trung Quốc. Theo giới phân tích nhận định, các máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Trung Quốc cất cánh từ căn cứ Dara Sakor và hạ cánh tại các đường băng trên đảo Đá Chữ Thập hoặc đảo Phú Lâm (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép) trên Biển Đông có thể “xé toạc” bầu trời và vùng đất bên dưới của Việt Nam.
Cũng lưu ý rằng, giữa mùa đại dịch COVID-19 vào tháng 3 vừa qua, khi Trung Quốc đang là ổ dịch của thế giới, 3000 lính Trung Quốc và Campuchia đã tiến hành tập trận chung bắn đạn thật với xe tăng đổ bộ và vũ khí hạng nặng. Động thái này cho thấy Campuchia sớm đánh đổi chủ quyền của mình cho Trung Quốc là điều khó tránh khỏi với tốc độ “bơm tiền bẫy nợ” từ Sáng kiến Vành đai và Con đường như hiện nay.
Sự thao túng của Bắc Kinh đối với của Lào và Campuchia được thể hiện rõ qua lập trường của hai quốc gia này luôn đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông. Đặc biệt hơn, Campuchia nổi lên như một kẻ phá hoại cho sự đồng thuận của ASEAN trong tranh chấp với Trung Quốc về Biển Đông.
Điểm lại một số sự kiện cơ bản này để thấy sự cảnh báo của Mỹ về mối đe dọa xuất phát từ mạn sườn phía Tây của Việt Nam là khá quan trọng để kịp thời cảnh tỉnh Hà Nội, bởi khi Trung Quốc hoàn toàn kiểm soát được khu vực này sẽ gây ra mối đe dọa cận kề cho Việt Nam khi đứng trước bất kỳ một cuộc xung đột nào với Trung Quốc trong tương lai.
Khả năng đón nhận của giới lãnh đạo Việt Nam ra sao?
Có vẻ không ít giới lãnh đạo Việt Nam ngày nay vẫn còn tin vào ‘ý thức hệ chính trị’ khi bang giao với Trung Quốc. Chí ít tình ‘đồng chí cộng sản’ vẫn còn là câu nói giao hảo từ cửa miệng của cả đôi bên. Nhưng đằng sau đó, sự bằng mặt nhưng không bằng lòng và tâm lý nghi kị từ lịch sử, đặc biệt là sự thù ghét Trung Quốc đã ăn sâu vào huyết mạch của người Việt Nam, nên không thể nào Việt-Trung trở thành một đồng minh “cùng sinh cùng tử” dù tương đồng về chế độ chính trị.
Do đó, việc Bắc Kinh hạ thấp mối quan hệ với Hà Nội chỉ là vấn đề thời gian khi Bắc Kinh hoàn thành cuộc ‘đảo chính’ lật đổ sự ảnh hưởng của Hà Nội từ mạn sườn phía Tây của Việt Nam, và các xung đột có thể sẽ leo thang trong thời gian tới khi Trung Quốc muốn dập tắt mọi sự phản kháng của Việt Nam trong việc giành quyền độc chiếm Biển Đông.
Trong bài phát biểu của mình tại Việt Nam, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ đã khẳng định “Hoa Kỳ có một lập trường vững chắc phản đối sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc tại biển Đông và các mối đe dọa an ninh trong khu vực Mê Kông”. Mỹ có khả năng thực thi cam kết này thông qua việc cầm trịch ‘Bộ tứ Kim cương’ (Nhóm QUAD) bao gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ có khả năng ngăn chặn sự cưỡng ép bắt nạt của Trung Quốc trong khu vực, và không có lý do gì để các cuộc tiếp xúc vừa qua phía Mỹ không để ngỏ lời mời cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của nhóm liên kết quân sự phi chính thức này.
Thái độ do dự, thậm chí là sự nghi ngờ của giới lãnh đạo Việt Nam đối với Mỹ vốn không là điều xa lạ. Nó không chỉ từ ý thức hệ chính trị, mà còn xuất phát từ việc họ chưa sẵn sàng chia sẻ về một tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và mở rộng, khi mắt vẫn hướng về Bắc Kinh với niềm tin mong mỏi về chủ nghĩa cộng sản sẽ là tương lai của nhân loại.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do