Thượng đỉnh trực tuyến về Khí hậu : Tròn 5 năm sau Hiệp định Paris

Thượng đỉnh trực tuyến về Khí hậu : Tròn 5 năm sau Hiệp định Paris

December 12, 2020

Hiệp định Paris về Khí hậu được đánh giá là một nỗ lực lịch sử của cộng đồng quốc tế nhằm hướng đến từ bỏ năng lượng hóa thạch, cắt giảm triệt để khí thải, để giữ nhiệt độ Trái đất không tăng quá từ 1,5°C đến 2°C. Đúng 5 năm sau, cộng đồng quốc tế tổ chức thượng đỉnh trực tuyến, để thúc đẩy nỗ lực này trong bối cảnh đại dịch Covid, thượng đỉnh COP-26 bị hoãn một năm.

Thượng đỉnh trực tuyến về chống biến đổi khí hậu, do Liên Hiệp Quốc, Anh và Pháp phối hợp tổ chức cùng với Chilê và Ý. Hàng chục nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ đăng đàn hôm nay, 12/12/2020, để khẳng định trước cộng đồng quốc tế cam kết mạnh mẽ hướng đến một xã hội trung hòa về khí thải.

Theo AFP, thủ tướng Anh Boris Johnson khai mạc hội nghị chiều nay, với cam kết cắt giảm ít nhất 68% khí thải trước năm 2030, hứa hẹn Anh quốc sẽ chấm dứt « ngay khi có thể » việc tài trợ cho các loại năng lượng hóa thạch. Ngay trước thượng đỉnh, hôm qua, 11/12, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu đạt đồng thuận trong việc nâng mức cắt giảm khí thải trước 2030 lên thành 55%, so với mức 40% trước đây.

Theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, tính tổng số các cam kết như hiện nay, nhiệt độ Trái đất vẫn trên lộ trình tăng thêm 3°C, hoặc cao hơn, vượt xa mục tiêu của cộng đồng quốc tế trong Hiệp định Paris. Các quốc gia có nỗ lực yếu trong cuộc chiến khí hậu như Brazil hay Úc không có mặt tại thượng đỉnh. Trước thượng đỉnh, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cảnh báo, nhiệt độ Trái đất « mới » tăng hơn 1,2°C, mà trong hiện tại nhân loại đã phải đương đầu với những biến đổi khí hậu ghê gớm.

Tuy nhiên, theo giám đốc điều hành của Greenpeace, ông John Sauven, « có lý do để hy vọng », với việc ông Trump rời khỏi Nhà Trắng, và Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản có những cam kết mạnh mẽ hơn về khí hậu. Về nước Mỹ, thông tín viên Eric de Salve từ San Francisco cho biết cụ thể :

« Joe Biden đã hứa, ngay trong ngày đầu tiên tiếp quản Nhà Trắng, ông sẽ đưa Hoa Kỳ trở lại với Hiệp định Khí hậu Paris. Tổng thống tân cử phó thác sứ mệnh này cho một cộng sự thân cận. Ông John Kerry, ngoại trường thời Barack Obama, sẽ được bổ nhiệm làm đặc phái viên về khí hậu. Biden muốn tái lập chủ nghĩa đa phương và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trong cuộc khủng hoảng khí hậu, lật qua một bên giai đoạn ông Donald Trump cầm quyền và không chấp nhận biến đổi khí hậu là do các hoạt động của con người.

Tổng thống Trump trong suốt nhiệm kỳ của mình, đã tiến hành dỡ bỏ hay giảm nhẹ gần 150 tiêu chuẩn về môi trường, trong đó có các quy định chống ô nhiễm, được áp đặt đối với các nhà sản xuất xe hơi. Năm 2017, ông Trump đã lạnh lùng thông báo đưa nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Khí hậu, bị ông đánh giá là ‘‘thảm họa’’. Quyết định ra khỏi Hiệp định có hiệu lực năm nay 2020. Không quốc gia nào theo chân Mỹ trong việc này. Ngay cả Bắc Triều Tiên cũng ký kết Hiệp định Khí hậu.

Tuy nhiên, lượng khí thải của nước Mỹ đã không tăng dưới thời Donald Trump một phần là nhờ ở sự kháng cự của 25 bang và hơn 400 thành phố, gần như do đảng Dân Chủ lãnh đạo. Các địa phương này khẳng định sẽ kháng cự lại quyết định của chính quyền liên bang, và thực thi Hiệp định Khí hậu Paris ở tầm mức của mình. Tuy nhiên, thật khó mà giới hạn việc nhiệt độ Trái đất gia tăng mà không có sự tham gia của chính quyền Mỹ. Hoa Kỳ vẫn là quốc gia phát khí thải đứng thứ hai thế giới, sau Trung Quốc. Nước Mỹ chịu trách nhiệm 15% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính ».

Greta lên án “các hứa hẹn trống rỗng”

Hôm qua, nhà tranh đấu khí hậu nổi tiếng Greta Thunberg, đã cực lực chỉ trích giới lãnh đạo chính trị thế giới, đã đề ra “các mục tiêu xa vời” và “những lời hứa hẹn trống rỗng”. Thiếu nữ Thụy Điển kêu gọi cần có các hành động ngay tức khắc.

Nhiều người cho rằng những chỉ trích của Greta Thunberg là quá cực đoan. Tuy nhiên, giới chuyên gia về môi trường cũng có một số nhận định tương tự. Theo Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc, sản lượng các năng lượng hóa thạch, như than, dầu và khí đốt, vẫn tiếp tục tăng 2% hàng năm cho đến năm 2030, trong lúc phải giảm 6%/năm thì mới có thể đạt mục tiêu Hiệp định Paris đề ra.

Điểm đặc biệt nghiêm trọng là các ngân hàng thế giới vẫn tiếp tục đầu tư ồ ạt cho năng lượng hóa thạch. Từ năm 2016 đến 2019, khoảng 2.700 tỉ đô la đã được cấp cho 2.100 doanh nghiệp năng lượng hóa thạch, và số tiền vẫn tiếp tục tăng lên. Theo Liên minh Climate Transparency, 54% ngân sách dành cho năng lượng trong các kế hoạch chấn hưng hậu Covid là đầu tư cho năng lượng hóa thạch, trong đó có đến 86% số tài trợ không hề bị ràng buộc bởi các đòi hỏi về môi trường.

Theo RFI

Bài Liên Quan