Brexit vẫn bế tắc vì chuyện đàn cá nước Anh

Brexit vẫn bế tắc vì chuyện đàn cá nước Anh

  • Nguyễn Giang
  • BBCVietnamese.com

2 giờ trước

Pallet of fish at Grimsby Fish Market

Vướng mắc lớn nhất trong đàm phán Brexit giữa Anh và EU hiện nay được đổ tội cho mấy con cá mà người Anh ngày càng ít câu, và cũng ít ăn.

Riêng tôi, trong hè vừa qua đã cùng một số bạn ra biển, vùng Shoreham, Newhaven, Southend-on-Sea câu cá thể thao.

Quăng mỏi tay mới bắt được vài con mackerel nhỏ xíu, ai giỏi thì câu được whiting hay dog fish, đều cho vui thôi.

Cá nhỏ quá câu lên lại thả xuống, theo quy định bảo vệ nguồn thủy hải sản. Ngoài cá, câu buổi được buổi không, biển Anh lại giàu có sò, hào và cua.

Có bận chúng tôi nhờ sự khéo léo của một anh bạn, thu hoạch vài cân cua là thường.

Tất nhiên đi câu chơi cuối tuần không liên quan gì đến nghề đánh cá nhưng nhờ đó tôi chú ý về chuyện cá tôm.

Phải nói rằng tuy là đảo nhưng cá biển ít xuất hiện trong các siêu thị Anh.

Getty Images

Báo Independent (10/2019) cho hay quầy cá (fish counters) trong các siêu thị Tesco, Sainsbury’s, Co-op, Asda, Morrison’s, Waitrose…đều bán ngày càng nhiều cá nuôi (farmed fish).

Ngoài mực, cá ngừ là chắc chắn do đánh bắt từ biển lên, còn lại thì cá hồi, cá rô to, cá sea bass đều đã thuộc nhóm cá trang trại.

Anh còn nhập nhiều cá tôm từ Việt Nam, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp…và cá ba sa ‘Made in Vietnam’ có mặt ở gần như mọi cửa hàng cá, theo tờ báo.

Chưa kể các loại cá herring, cod, các loại tôm cua, sò ngư dân Anh đánh bắt được bán tới 2/3 sang thị trường EU.

Herring (cá mòi Đại Tây Dương) chẳng hạn, rất được ưa chuộng tại các nước Đức, Hà Lan nhưng dân Anh không ăn bao nhiêu.

Khi Anh còn trong EU, việc đánh bắt hải sản ở các vùng biển của Anh, Pháp, Hà Lan…là bình đẳng, coi như biển là của chung.

Nhưng nay, Anh muốn “thu hồi chủ quyền” trên biển và quyết định tàu cá nước nào được vào vùng kinh tế đặc quyền 200 dặm từ bờ biển của mình để đánh bắt.

Tất nhiên là hai bên sẽ ra định mức để tàu của phía mình tiếp tục đánh bắt “xuyên chéo” ở vùng biển hai bên, nhưng không thể để tình trạng Anh bị thiệt như hiện nay.

Vì từ lâu nay, số cá mà tàu EU và Na Uy đã đánh bắt chiếm 60% tổng sản lượng cá thu hoạch được ở vùng biển Anh, theo một đánh giá của trang Business, BBC News.

Một phần trăm không nhỏ còn lại là ‘quota’ – hạn ngạch đánh bắt – mà Anh đã bán cho các đội tàu đa quốc gia.

Andrew Parsons / No 10 Downing Street
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Anh Boris Johnson

Chưa kể nhiều tàu cá châu Âu mang cờ Anh nhưng do công ty châu Âu làm chủ, và định nghĩa ‘tàu cá của nước nào’ rất khó.

Họ mang cờ Anh nhưng đánh bắt xong thì đổ hàng (catch landing) ở cảng bên châu Âu, Anh Quốc chẳng được gì.

Vì thế, trong đàm phán Brexit, Anh muốn ghi rõ là tàu cá của chủ nước ngoài đánh bắt trên biển Anh xong thì phải đem cá về cảng của Anh cân đong, tính vào quota hàng năm.

Đổi lại, Anh ‘nhả con cá’ thì EU ‘thả con ngỗng’, mà là ngỗng vàng, tức là để City of London tiếp tục chiếm lĩnh thị trường tài chính EU, kinh doanh bằng đồng euro.

BBC News tính ra là ngư nghiệp chỉ đóng góp dưới 0,1% GDP của Anh, bằng 437 triệu bảng (2018), quá nhỏ so với giá trị của dịch vụ tài chính Anh là 126 nghìn tỷ bảng.

Tại Scotland, nơi nghề cá còn khá thịnh vượng, doanh thu của ngư nghiệp cũng không chiếm quá 0,2% GDP của Scotland và tuyển chưa tới 5000 nhân công.

Trong số các nước có thuyền thường xuyên vào đánh cá ở biển của Anh gồm Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Tây Ban Nha thì thu nhập từ nghề cá cũng không đạt 1% GDP của Pháp.

Từ đây suy ra thì vướng mắc Brexit vì nghề cá và quyền của ngư dân Pháp sang biển Anh đánh bắt mà Tổng thống Emmanuel Macron muốn bảo vệ rất phi lý, phải không ạ?

Ấy thế nhưng nhìn kỹ ra thì vấn đề lại khá phức tạp.

Fishing trawler in Lerwick

Chủ quyền trên biển

Đầu tiên là trào lưu kêu gọi làm chủ vận mệnh của chính mình, của cộng đồng, xã hội mình, đang diễn ra khắp nơi: Brexit, Make America Great Again…

Viết về Brexit, Ed Conway đặt câu hỏi trên một báo Anh hôm 13/12:

“Ai cũng nói về chủ quyền, vậy nó là cái gì trên đời này?” (Everybody’s talking about sovereigny, but what on earth does it mean?)

Tác giả này giải thích là từ khi EU ký Hiệp ước Maastricht (1992) để đi tới một cơ chế siêu nhà nước thì xu hướng chống lại nảy sinh, với Brexit là hệ quả rõ nhất.

EU đề xuất và áp đặt thuyết ‘chung chủ quyền’ (pooled sovereignty), mà theo tôi cần giải nghĩa thật rõ, rằng nó là chủ quyền góp lại, có lúc mặc cả, bù trừ.

Với nghề cá, nó thể hiện ở chỗ coi biển là của chung, các bên cùng đánh bắt.

Con cá bơi tự do không cần biết biển thuộc về ai thì nguyên tắc chung chủ quyền cũng cho di cư của con người trong các nước EU bình đẳng.

Brexit đã dừng việc di dân này, nhưng với cá thì thật khó.

Thực ra, mô hình chung chủ quyền có nhiều ưu điểm và thực sự là đặc biệt trong lịch sử.

Nhưng nó bế tắc khi các bên không đồng ý được về cơ chế giải quyết bất đồng.

EU muốn Brussels có thẩm quyền cao nhất và Toà án EU sẽ ra phán quyết cuối cùng về mọi chuyện, kể cả về nghề cá, điều Anh phản đối.

Ngược lại, Anh Quốc, hoặc ít ra là phái ủng hộ Brexit, tin vào việc giữ chủ quyền quốc gia và chỉ chia sẻ với EU về an ninh.

Việc quyết tâm bảo vệ quyền đánh cá chưa tới 1% GDP cho thấy chủ quyền trên biển là biểu tượng ‘sống còn’ với chính phủ Boris Johnson.

Thêm nữa, cá, thuyền và biển là những thứ người Anh muốn bảo tồn từ thời Đế quốc trên đại dương.

Tôi thấy mọi chợ đấu giá đồ cũ hay trên Antique Roadshow của BBC TV đều xuất hiện nhiều huy chương, hàng lưu niệm, kỷ vật gia đình, tranh ảnh về thuyền, về nghề thủy thủ.

Con cá nhỏ mà không hề nhỏ với nước Anh, vì nói đến chủ quyền thì tiền mới là chuyện nhỏ.

Cá tôm, thuyền bè gần với con người hơn những thuật toán xa lạ của ngân hàng.

Chưa kể người bình dân Anh từng ghét giới nhà băng ở thị trường tài chính London gây ra khủng hoảng 2008.

Chỉ còn vài hôm nữa là đàm phán chung cuộc EU-Anh phải chấm dứt, deal hay không deal thì chuông đồng hồ Big Ben sẽ điểm, con thuyền Anh dứt khoát rời bến EU.

Nếu đến sát giờ thứ 23 của ngày 31/01/2020 này EU và Anh đạt một thỏa thuận về đàn cá ngoài English Channel thì thật là niềm vui cho nhiều người.

Bởi nhìn rộng ra, một ‘Brexit deal’ sẽ là hình mẫu đáng học hỏi cho cả thế giới thời đại toàn cầu này, mô hình dung hòa được chủ quyền riêng, và quyền lợi chung.

Nếu không, tôi e rằng xu thế tranh tụng, kiện cáo nhau, trả đũa nhau, lấy lý do là Covid, là con cá, con tôm hoặc những điều vĩ mô sẽ lan ra cả thế giới.

Bài Liên Quan