Nga trả đũa sau vụ các quan chức an ninh bị Anh trừng phạt

Nga trả đũa sau vụ các quan chức an ninh bị Anh trừng phạt

4 giờ trước

President Putin, 7 May 20
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Putin

Điện Kremlin vừa mở rộng thêm danh sách các nhà ngoại giao của Vương quốc Anh bị cấm nhập cảnh vào Liên bang Nga để trả đũa hành động của Anh trước đó.

Hồi tháng 11/2020, Nga đã ra lệnh cấm nhập cảnh với 25 nhà ngoại giao Anh sau khi London trừng phạt 25 quan chức Nga mà Anh Quốc cho là ‘vi phạm nhân quyền’ theo luật Magnitsky

Nay, theo tin của các hãng thông tấn châu Âu hôm 30/12/2020, Moscow đã mở rộng danh sách này, đưa thêm vào một số công dân Anh.

Tuy thế, các bản tin không nói con số thêm này là bao nhiêu, và tên tuổi những người bị cấm cũng không thấy xuất hiện trên các mạng truyền thông châu Âu.

Luật Magnitsky và vụ Navalny

Luật Magnitsky toàn cầu sau khi được Hoa Kỳ thông qua thời Tổng thống Barack Obama đã trừng phạt 200 quan chức, lãnh đạo các quốc gia khác bị Washington cho là vi phạm nhân quyền.

Ngoài Hoa Kỳ và Canada, ở châu Âu ban đầu chỉ có Vương quốc Anh, Estonia, Latvia và Lithuania áp dụng ‘luật Magnitsky châu Âu’ cho các vụ vi phạm nhân quyền ở nước ngoài.

Vì thế, ngay từ tháng 7/2020, Anh đã dùng luật này để trừng phạt 25 quan chức Nga, cấm họ tới Anh.

Tài sản của họ trên lãnh thổ Anh nếu có, sẽ bị đóng băng.

Nhóm làm việc với ông nói rằng ông đã bị đầu độc theo lệnh của Tổng thống Vladimir Putin.
Chụp lại hình ảnh,Alexey Navalny

Đầu tháng 12/2020, Quốc hội EU mới thông qua ‘Luật Magnitsky châu Âu’, nhưng trước đó, EU đã thống nhất trong việc nêu danh tính và trừng phạt các quan chức Nga bị EU cho là gây ra vụ nhà hoạt động Nga, Alexey Navalny bị đầu độc bằng chất Novichok.

Hồi tháng 10/2020, EU nêu tên giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FBS) Alexander Bortnikov, Phó Chánh văn phòng Điện Kremlin Sergei Kiriyenko và Chủ nhiệm Ban Nội chính điện Kremlin Andrei Yarin trong số những người bị cấm vào EU.

Cả ba người đều nằm trong nhóm thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.

Ngoài ra, EU cũng áp dụng lệnh trừng phạt tương tự với hai thứ trưởng Quốc phòng Nga, Pavel Popov và Alexei Krivoruchko.

Ông Yevgeny Prigozhin, người được gọi là ‘đầu bếp của Putin’, theo tờ Moscow Times, cũng bị EU trừng phạt vì “gây hại cho hòa bình ở Syria”.

Người ta tin rằng ông ta hỗ trợ cho công ty quân sự tư nhân Wagner của Nga, chuyên đưa lính đánh thuê sang hoạt động tại Trung Cận Đông và Bắc Phi.

Hiện ông Alexey Navalny đang được điều trị tại Đức.

Trước đó, Anh và EU đã trừng phạt một số quan chức Nga vì cho rằng họ đứng đằng sau các vụ tin tặc đánh vào mạng thông tin châu Âu hồi 2015.

Để đáp trả, Kremlin đã trừng phạt một số quan chức Đức.

Một phụ nữ Nga trong mùa virus
Chụp lại hình ảnh,Một phụ nữ Nga trong mùa virus

Nhân quyền cao hơn chủ quyền?

Hồi 2016, Hoa Kỳ thông qua Luật trách nhiệm về Nhân quyền Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Human Rights Accountability Act), cho phép tổng thống Mỹ chế tài công dân nước ngoài khi có bằng chứng của Quốc hội hay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của các cá nhân đó.

Trước đó, năm 2012, Hoa Kỳ đã có luật Magnitsky với phạm vị hẹp hơn.

Luật mang tên luật sư Nga, Sergei Magnitsky (1972-2009), người bị chính quyền Nga bắt và tống giam không qua xét xử gần một năm vì điều tra tham nhũng trong lực lượng cảnh sát Nga và quan chức chính phủ.

Số tiền tham nhũng ông điều tra lên tới khoảng 230 triệu USD. Sergei Magnitsky chết trong nhà tù Butyrka, Moscow ở tuổi 37.

Giới vận động nhân quyền quốc tế tin rằng Magnitsky là nạn nhân của các vụ tra tấn và bị bỏ mặc không cho chữa các bệnh hiểm nghèo.

Cái chết của ông đã đánh động dư luận quốc tế về hiện tượng để người đấu tranh chống tham nhũng ‘chết trong đồn công an’, xảy ra khá phổ biến ở nhiều quốc gia và thúc đẩy các chính phủ Phương Tây phải hành động.

Tên tuổi Magnitsky trở thành biểu tượng cho việc đấu tranh vì chuẩn mực pháp quyền và nhân quyền thế giới, vượt lên trên ‘chủ quyền’ của các chính phủ cụ thể, bất kể ở khu vực văn hóa nào.

Đã có các nhân vật của À Rập Saudi, tướng lĩnh Myanmar và hai công ty Bắc Triều Tiên bị luật này chế tài.

Tại Anh hiện đang có cuộc vận động lên Quốc hội để dùng Luật Magnitsky của riêng Anh (Global Human Rights Sanctions Regulations 2020) trừng phạt quan chức Trung Quốc vì hành vi cưỡng bức cải tạo lao động với người Uighur ở Tân Cương.

Bài Liên Quan