Trạm vũ trụ Quốc tế ISS bị chệch hướng do kết nối với môđun Nga

Trạm vũ trụ Quốc tế ISS bị chệch hướng do kết nối với môđun Nga

2 giờ trước

Nauka (giữa) tham gia ISS
Chụp lại hình ảnh,Nauka (giữa) tham gia ISS

Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đã mất ổn định một lúc vì một môđun của Nga vô tình khai hỏa các động cơ đẩy, vài giờ sau khi lắp ghép.

“Các đội kiểm soát đã sửa chữa và tất cả các hệ thống đang hoạt động bình thường,” cơ quan vũ trụ Mỹ Nasa cho biết.

Một cuộc điều tra hiện đang được tiến hành.

Mỹ và Nga nhấn mạnh rằng 7 thành viên phi hành đoàn trên trạm vũ trụ không gặp nguy hiểm.

Sự cố xảy ra ba giờ sau khi môđun Nauka cập bến ISS vào thứ Năm, sau chuyến bay 8 ngày từ Trái đất.

Bỗng dưng các động cơ của Nauka tái khởi động, khiến toàn bộ trạm vũ trụ quốc tế bị văng khỏi vị trí bay thông thường.

Nauka
Chụp lại hình ảnh,Nauka

Liên lạc với phi hành đoàn ISS đã bị mất trong hai khoảng thời gian, bốn phút và bảy phút, trong sự cố.

Tuy nhiên, Mỹ nói rằng các phi hành gia vẫn an toàn.

Họ “thực sự không cảm thấy bất kỳ chuyển động nào”, theo lời Nasa.

Sứ mệnh Nauka còn mang theo Cánh tay robot châu Âu (ERA)
Chụp lại hình ảnh,Sứ mệnh Nauka còn mang theo Cánh tay robot châu Âu (ERA)

Sự cố khiến NASA phải hoãn kế hoạch phóng thử nghiệm tàu con thoi CST-100 Starliner mới của Boeing trong sứ mệnh không người lái lên ISS.

Starliner dự kiến bay vào không gian nhờ tên lửa đẩy Atlas V từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở bang Florida, Hoa Kỳ.

Steve Stich, người quản lý chương trình phi hành đoàn thương mại của Nasa giải thích: “Chúng tôi muốn cho chương trình ISS thời gian để đánh giá những gì đã xảy ra ngày hôm nay, để xác định nguyên nhân và đảm bảo rằng họ thực sự sẵn sàng hỗ trợ việc phóng Starliner.”

Môđun lẽ ra đã phóng vào năm 2007, nhưng liên tục bị trì hoãn
Chụp lại hình ảnh,Môđun lẽ ra đã phóng vào năm 2007, nhưng liên tục bị trì hoãn

Môđun Nauka, có nghĩa là “khoa học” trong tiếng Nga, được phóng từ bãi phóng Baikonur Cosmodrome tại Kazakhstan hôm thứ Tư tuần trước.

Môđun lẽ ra đã phóng vào năm 2007, nhưng liên tục bị trì hoãn.

Sứ mệnh Nauka còn mang theo Cánh tay robot châu Âu (ERA), một thiết bị khổng lồ do Airbus chế tạo cho Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA).

Việc lắp đặt Nauka diễn ra đúng vào lúc Nga đang đặt câu hỏi về vai trò tương lai của Nga trong dự án ISS.

Moscow gần đây đã cảnh báo về độ tuổi hơn 20 năm của một số phần cứng trên quỹ đạo và cho rằng Nga có thể rút khỏi trạm vào năm 2025.

Nga tỏ ra không mấy quan tâm đến việc tham gia trạm không gian trên quỹ đạo mặt trăng do Mỹ dẫn đầu, được gọi là Gateway, sẽ được lắp ráp vào cuối thập niên này.

Bài Liên Quan