Vụ tin giả “bác sĩ Khoa”: hậu quả của sách lược tuyên truyền sai sự thật!

Vụ tin giả “bác sĩ Khoa”: hậu quả của sách lược tuyên truyền sai sự thật!

Diễm Thi, RFA
2021-08-10

Vụ tin giả “bác sĩ Khoa”: hậu quả của sách lược tuyên truyền sai sự thật!Ảnh minh họa một pano tuyên truyền cho ĐCSVN AFP00:00/00:00 

Hậu quả của chính sách nhồi sọ

Hôm 7 tháng 8 năm 2021, trên trang Facebook cá nhân của người có tên Khoa tự nhận mình là bác sĩ, kể lại câu chuyện bác sĩ Khoa tự động rút ống thở của cha mẹ ruột để cứu một sản phụ mang thai đôi. Vị “bác sĩ” này cũng là người đỡ đẻ cho sản phụ này. Câu chuyện được Phó tổng biên tập báo Pháp Luật TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Đức Hiển và một cựu nhà báo của truyền thông Nhà nước là Hoàng Nguyên Vũ đưa lại trên Facebook cá nhân. Đại diện Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh vào ngày hôm sau lên tiếng cho rằng đó là chuyện hư cấu, bịa đặt.

Câu chuyện khiến dư luận liên tưởng đến câu chuyện thiếu nhi Lê Văn Tám tự tẩm xăng vào người và chạy vào đốt kho xăng của Pháp; Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai; Tô Vĩnh Diện lấy thân chèn pháo; Võ Thị Sáu ngắt hoa cài lên mái tóc trên đường ra pháp trường dù hai tay bị trói chặt…

Trong bài viết “Về cây đuốc sống Lê Văn Tám” đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng vào tháng 10 năm 2008, giáo sư Phan Huy Lê tiết lộ: “Nhân vật lịch sử anh hùng Lê Văn Tám hoàn toàn không có thật”. Vị giáo sư này nói thêm rằng, sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, ông Trần Huy Liệu đã tự viết về nhân vật Lê Văn Tám. Ông Liệu đã nói với ông Lê rằng: “Sau này khi đất nước yên ổn, các anh là nhà sử học, các anh nên nói lại giùm tôi, lỡ khi đó tôi không còn nữa”.

Thời đang học chuyên ngành báo chí năm thứ 2, môn Đạo đức báo chí bài đầu tiên tôi được học đó là: viết báo là để bảo vệ đảng. Sau bài học đó, hoài bão làm phóng viên trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn. -Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ

Dư luận cho rằng, câu chuyện “bác sĩ Khoa” là hậu quả của việc tuyên truyền sai sự thật được Đảng Cộng sản sử dụng để bảo vệ Đảng từ ngày thành lập. Khi câu chuyện bị cư dân mạng phân tích những điểm vô lý thì câu chuyện biến mất cùng tác giả. Hai nhà báo của truyền thông Nhà nước bị phạt hành chính mỗi người năm triệu đồng vì chia sẻ thông tin không đúng sự thật trên Facebook.  

Nhà báo tự do Phạm Minh Vũ chia sẻ quan điểm của ông với RFA:

“Thời đang học chuyên ngành báo chí năm thứ hai, môn Đạo đức báo chí bài đầu tiên tôi được học đó là: viết báo là để bảo vệ Đảng. Sau bài học đó, hoài bão làm phóng viên trong tôi đã sụp đổ hoàn toàn.

Câu chuyện ‘bác sĩ Khoa’ đã được phát tán với những cây bút dư luận viên cao cấp là một ‘lẽ bảo vệ Đảng’ trong đạo đức ngành báo Việt Nam, họ dựng lên câu chuyện này theo đánh giá của tôi không nằm ngoài hai mục đích: Thứ nhất, họ cố tình làm mờ đi chuyện thiếu ống thở để che lấp sự quản lý yếu kém của Chính phủ cũng như đảng cầm quyền. Thứ hai, họ thử đánh giá sự hiểu biết của người Việt Nam như thế nào qua câu chuyện hư cấu ấy.

Các ‘viện nghiên cứu’ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an rất cần những cuộc khảo sát này để đánh giá hết mức độ xã hội Việt Nam hiện tại. Tôi tin họ đã lấy được thứ cần lấy!”

Blogger Nguyễn Ngọc Già nhận định:

“Hậu quả của chính sách nhồi sọ xuyên suốt, có hệ thống và liên tục hơn 70 năm qua đã khiến đại đa số người dân sống trong tăm tối. Nạn sùng bái cá nhân khởi từ ông Hồ Chí Minh qua cuốn truyện mang đầy tính trào lộng ‘Vừa Đi Đường Vừa Kể Chuyện’ của Trần Dân Tiên, kéo dài và biến tướng qua các KOLs cho tới nay. Văn hóa – giáo dục bị suy thoái tận cùng, không còn cứu vãn được nữa.

Tóm lại, vụ “bác sĩ Khoa” là một hiện tượng điển hình và căn bản để phản ánh bản chất của chế độ độc đảng toàn trị. Không còn mong đợi gì thay đổi về thuộc tính dối trá khoác bên ngoài là tấm áo mang tên ‘đạo đức’”.

KOLs (Key Opinions Leaders) là những nhân vật có sức ảnh hưởng lớn trên cộng đồng mạng thường được mời tham gia các chiến dịch truyền thông.

drkhoa2021a.jpeg
Tài khoản Facebook đưa tin giả về bác sĩ Khoa

Vận động sáng tác để tuyên truyền

Hôm đầu tháng 8, Sở Văn hoá và Thể thao TP. Hồ Chí Minh mở cuộc vận động sáng tác, dàn dựng và phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Chung một niềm tin chiến thắng”. Cuộc vận động sáng tác thông qua các hình thức tuyên truyền, quảng bá phong phú để giới thiệu những tác phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung sâu sắc, giá trị thẩm mỹ nghệ thuật cao, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng chống dịch bệnh COVID-19, góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp đến đông đảo công chúng và nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch bệnh.

Vậy câu chuyện “bác sĩ Khoa” có được xem là một “tác phẩm” trong cuộc vận động do chính cơ quan văn hóa của Nhà nước phát động hay không? Khi câu chuyện “bác sĩ Khoa” bị phát hiện là câu chuyện được dựng lên, không có thật, báo chí Nhà nước gọi đây là câu chuyện hư cấu.

Các nhà báo chuyên nghiệp và tên tuổi không được phép tung hỏa mù trước dư luận quần chúng bằng ý nghĩa “hư cấu” vào trong câu chuyện tầm bậy tầm bạ này, nhằm làm giảm nhẹ sự man trá trong tuyên truyền vốn có của bản chất chế độ độc đảng toàn trị.- Nhà báo Nguyễn Ngọc Già

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già không đồng ý với cách viết như vậy. Ông giải thích:

“Hư cấu là một khái niệm dành riêng cho lãnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lãnh vực tiểu thuyết – kịch nghệ – điện ảnh. Những cuốn truyện, những kịch bản, dù được hư cấu nhưng phải bảo đảm tính logic cùng mạch chuyện hợp lý, diễn ra suốt cuốn tiểu thuyết, vở kịch hoặc bộ phim. Các nhà báo chuyên nghiệp và tên tuổi không được phép tung hỏa mù trước dư luận quần chúng bằng ý nghĩa “hư cấu” vào trong câu chuyện tầm bậy tầm bạ này, nhằm làm giảm nhẹ sự man trá trong tuyên truyền vốn có của bản chất chế độ độc đảng toàn trị.

Để bào chữa cho việc tuyên truyền xảo trá nói trên, những nhà báo chuyên nghiệp vội vàng đăng lời xin lỗi, cùng câu chữ trần tình không hề kém cạnh sự chuyên nghiệp của họ trong nhiều vụ việc tai tiếng khác.

Các nhà báo chuyên nghiệp, không một ai được phép lầm lẫn: Báo chí là tiểu thuyết – kịch nghệ – phim ảnh.”

Tiến sĩ Mạc Văn Trang từng nói với RFA rằng, Đảng Cộng sản lên nắm chính quyền đã tàn phá những giá trị dân tộc và những truyền thống văn hóa của dân tộc, đẩy xã hội đến những suy thoái về niềm tin của con người, khuyến khích việc đấu tranh giai cấp, tranh giành, đấu đá. Chính quyền tồn tại bằng sự tuyên truyền dối trá và bằng đàn áp, khủng bố.

Nhà văn Nguyên Ngọc lúc sinh thời từng nói về căn bệnh giả dối trong xã hội: “Tôi cho rằng căn bệnh nặng nhất, chí tử nhất, toàn diện nhất của xã hội ta hiện nay là bệnh giả dối. Chính cái giả dối tràn lan khiến người ta không còn thật sự tin vào bất cứ điều gì nữa. Câu hỏi thường trực bây giờ: Tốt để làm gì? Sạch để làm gì? Quên mình để làm gì? Xả thân chống lại cái xấu, cái giả để làm gì? Liệu rồi có ai, có cơ chế nào bảo vệ những nỗ lực đạo đức đó không? Hay thậm chí bị cả cơ chế quật đánh lại như vẫn thấy không hề ít?” 

Bài Liên Quan