Khủng hoảng ngoại giao TQ-Lithuania về Đài Loan nói lên điều gì?
8 giờ trước
Lithuania và Trung Quốc vừa rơi vào khủng hoảng ngoại giao vì xung khắc quanh việc quốc gia nhỏ bé vùng Baltic cho mở “Văn phòng đại diện Đài Loan’.
Hôm 11/08/2021, nữ đại sứ Diana Mickeviciene của Lithuania, quốc gia thành viên EU có 2,8 triệu dân, cho hay Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu bà phải rời nước này.
Vừa tới Bắc Kinh nhận nhiệm sở và còn đang phải cách ly, bà Mickeviciene cho báo chí Phương Tây biết qua email, rằng bà sẽ rời Trung Quốc ngay sau hạn cách ly 21 ngày.
Trước đó một hôm, Bộ Ngoại giao TQ yêu cầu Lithuania rút đại sứ về nước, và sẽ gọi đại sứ Trung Quốc trở về Bắc Kinh sau khi đại diện Đài Loan được giấy phép vào tháng 7 để mở văn phòng ở Vilnius.
Các báo châu Âu và Hong Kong cho rằng Trung Quốc bực bội về Lithuania không chỉ do quốc gia cựu thành viên Liên Xô cho người Đài Loan hoạt động ở nước họ mà còn chấp nhận để văn phòng đại diện mang tên “Đài Loan”, điều cấm kỵ với Bắc Kinh.
Nữ thủ tướng Lithuania, Ingrida Simonyte (sinh năm 1974) coi việc tăng cường quan hệ với Đài Loan là một trọng tâm của ngoại giao nước bà, bên cạnh việc ủng hộ phe dân chủ Belarus.
Hồi đầu năm, Bộ trưởng Ngoại giao Gabrielius Landsbergis thì công khai nói rằng “hợp tác với TQ chẳng đem lại lợi ích gì”, theo các báo khu vực.
Cho đến nay, đa số các văn phòng đại diện Đài Loan ở nước ngoài, tại các quốc gia không công nhận Trung Hoa Dân Quốc tức Đài Loan, chỉ mang tên “văn phòng văn hóa – thương mại Đài Bắc”.
Ủy ban Olympics Quốc tế cũng nghe theo Trung Quốc nên chỉ định danh xưng của đoàn Đài Loan là “Trung Hoa Đài Bắc”.
Chính sách Một Trung Hoa của Bắc Kinh yêu cầu mọi đối tác quốc tế coi CHND Trung Hoa (Trung Quốc) là quốc gia có chính danh, còn Đài Loan “là một tỉnh của TQ đang trong tình trạng ly khai”.
Vì sao Lithuanian không sợ Trung Quốc?
Không chỉ đề cao quan hệ với Đài Loan, Lithuania, xã hội nhỏ bé 30 năm trước đã đứng lên phản kháng Liên Xô để giành độc lập và bị quân đội Liên Xô bắn giết trong sự kiện “Tháng Giêng đẫm máu 1991” ở Vilnius, nay tỏ ra không khuất phục Bắc Kinh.
Gần đây, Lithuania tặng Đài Loan hơn 20 nghìn liều vaccine để chống dịch Covid.
Bị báo Hoàn cầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là “nước nhỏ, điên rồ” (crazy, tiny country), lãnh đạo Lithuania đáp trả “Chúng tôi không biết nghe theo đe dọa’ (We do not respond well to threats).
Không chỉ có vậy, liên minh cầm quyền ở Lithuania, gồm các đảng “Liên minh Quốc gia (Homeland Union), Phong trào Tự do, và các đảng dân chủ, chiếm tổng số 72 trên 141 ghế trong Nghị viện sau bầu cử tháng 10/2020, ra nghị quyết bắt chính phủ phải có chính sách ngoại giao “vì giá trị tự do”.
Văn bản này yêu cầu Lithuania phải bảo vệ tự do, dân chủ, chống lại mọi vi phạm nhân quyền trên thế giới, từ Belarus tới Đài Loan.”
Việc nêu Đài Loan trong danh sách các nơi cần bảo vệ tự do khiến Trung Quốc bực giận và phản ứng mạnh, theo tờ South China Morning Post ở Hong Kong (17/07).
Lithuania đi đầu và có các nước khác theo sau?
Lithuania là nước EU đầu tiên, và cũng là thành viên Nato đầu tiên công khai bác bỏ chính sách ngoại giao cốt lõi của Trung Quốc về Đài Loan.
Trang euroactive.com đưa tin Bộ Ngoại giao Lithuania ra tuyên bố nói họ “vẫn tôn trọng nguyên tắc Một nước Trung Quốc, nhưng sẽ kiên quyết phát triển quan hệ hai bên cùng có lợi với Đài Loan”.
Quan điểm mới lạ này đã được các báo châu Âu bình luận rộng rãi và phản ánh một tư duy ngoại giao do các quốc gia Đông Âu chủ trương từ một thời gian qua.
Có vẻ như một số quốc gia EU không sợ bị sức ép kinh tế, chính trị từ Trung Quốc.
Hồi tháng 8/2020, CH Czech đã gửi chủ tịch Thượng viện Milos Vystrcil sang thăm Đài Loan, bất chấp phản đối của Trung Quốc.
Latvia, nước chỉ có 1,9 triệu dân, cũng khuyến khích các hoạt động của Văn phòng Đại diện Đài Bắc ở nước họ và tăng cường trao đổi khoa học, thương mại với Đài Loan.
Tuy vẫn hợp tác kinh tế với TQ, chính quyền Latvia không tỏ ra “sợ người TQ” như hiện tượng ở một số quốc gia khác, vì cần đầu tư mà dung túng cho các nhóm TQ hoạt động ngầm.
Hồi 2017, cảnh sát Latvia bắt 110 công dân Trung Quốc “hoạt động lừa đảo điện thoại” ở Riga và hai thành phố khác, trao nộp tất cả cho Trung Quốc.
Tại Hungary, cơ chế dân chủ cho phép thị trưởng Budapest đặt lại tên phố để ủng hộ Hong Kong, Tây Tạng, bất chấp chính sách thân Trung Quốc của chính phủ Victor Orban.
Quốc gia đông dân nhất ở Đông Âu là Ba Lan, trên thực tế đã có văn phòng đại diện thương mại Đài Loan, mang tên “Trung tâm Thương mại Đài Loan” (Taiwan Trade Center) ở Warsaw từ thập niên 1970.
Ba Lan cũng lập “Văn phòng Ba Lan” (Polish Office) tại Đài Bắc và quan hệ “đang phát triển rất mạnh”, đưa Đài Loan thành bạn hàng thứ 7 của Ba Lan ở châu Á.
Nhờ chính trị đa nguyên, các đảng đối lập và báo chí Ba Lan có thể phê phán tổng thống Andrzek Duda là “gần Trung Quốc tới mức nguy hiểm”.
Nhìn chung, một bài học các nước châu Âu rút ra là họ cứ quan hệ với Đài Loan và Trung Quốc có thể gây sức ép nhưng cuối cùng sẽ phải thôi.
Trong thập niên 1980, Hà Lan chịu sức ép từ Trung Quốc để hủy các hợp động giúp Đài Loan thiết kế tàu ngầm.
Chính phủ Hà Lan đã phải ký với TQ thỏa thuận chung ngăn việc chuyển giao công nghệ quân sự cho Đài Loan. Đổi lại, TQ phải mua thêm hàng hóa Hà Lan.
Nhưng người Hà Lan chuyển hợp động và công nghệ cho một xưởng đóng tàu khác (Wilton Fijenoord shipyard) và sang thập niên 1990, họ cũng bán được cho Đài Loan công nghệ để chế tạo tàu ngầm lớp Hải Long (Hai Lung-class).
Tuy thế, trường hợp của các nước Baltic có vẻ khác Hà Lan, cả về kinh tế và địa chính trị.
Vì ít quan hệ kinh tế với Trung Quốc, họ không chịu nhiều sức ép từ Bắc Kinh.
Năm ngoái, Lithuania rút khỏi nhóm 17+1 mà TQ lập ra để triển khai Vành đai & Con đường sang châu Âu.
Lịch sử và địa chính trị
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng thấy Hoa Kỳ thay đổi thái độ với Trung Quốc và tăng cường quan hệ với Đài Loan, các quốc gia Đông Âu và Baltic muốn khẳng định họ đứng về phía Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu với Trung Quốc và Nga.
Mặt khác, quan hệ gần gũi giữa Moscow và Bắc Kinh, gồm cả việc Nga mời hải quân TQ tập trận ở Biển Baltic năm 2017 khiến một số nước trong vùng lo ngại.
Lý do lịch sử cũng khiến các nước nhỏ phải thể hiện sự kiên quyết trong ngoại giao.
Tháng 8/1989, hai triệu người dân Lithuania, Latvia và Estonia đã mở chiến dịch Nối vòng tay lớn, cầm tay nhau tại ra ‘human chain’ xuyên biên giới kéo dài 600 km, nối thủ đô ba nước để bày tỏ tinh thần độc lập trước Moscow.
Đầu năm 1991, hơn 90% người Lithuania bỏ phiếu trong trưng cầu dân ý chọn Độc lập. Đến tháng 8 cùng năm, Latvia và Estonia cũng tuyên bố độc lập và cuối năm thì iên Xô tan rã.