Giới bác sĩ hỏi Phạm Minh Chính: ‘Gói hỗ trợ có thật hay không?’

Giới bác sĩ hỏi Phạm Minh Chính: ‘Gói hỗ trợ có thật hay không?’

August 26, 2021

Người dân tự giúp nhau cầm cự trong mùa dịch vì họ biết để nhận được tiền hỗ trợ của chính phủ CSVN thì còn khó hơn tìm đường lên trời. Courtesy of Zing

Trong thư ngỏ đề gửi thủ tướng CSVN, vị bác sĩ kỳ cựu là chủ một phòng khám ở Sài Gòn cho biết “nếu không có gói hỗ trợ, thì ông Phạm Minh Chính cũng nói một tiếng, để chúng tôi tìm cách sống”.

Hồi giữa tháng 7/2021, báo đảng đồng loạt tuyên truyền về gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng để trợ giúp doanh nghiệp, người dân, nhất là những người phải tạm nghỉ, tạm ngừng việc, do công ty bị đóng cửa do dịch bệnh. 

Thời điểm đó, báo Tuổi Trẻ dẫn phát ngôn của ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động – Thương binh và Xã hội CSVN: “Chính sách đã lược bỏ nhiều thủ tục, rất đơn giản, dễ hiểu dễ thực hiện, các địa phương không cần ra thêm văn bản nào nữa. Cần bắt tay ngay vào triển khai, không được chậm trễ nữa. Chậm nhất trong tuần này, các địa phương phải triển khai. Đơn vị nào chậm triển khai là có lỗi với dân, không chỉ trách nhiệm mà phải làm cả bằng cả tấm lòng chúng ta. Nếu để xảy ra trục lợi, tiêu cực là có tội với dân. Đề nghị báo chí và các tổ chức giám sát, đơn vị nào chưa triển khai thì nêu tên, báo về bộ ngay…”

Thủ tướng CSVN cho báo chí chụp cảnh ông “quan tâm đến dân nghèo ở Sài Gòn” hôm 26/8/2021. Courtesy of Zing

“Lên bờ xuống ruộng” mà chưa thấy tiền hỗ trợ

Hôm 26/8/2021,  Bác sĩ Võ Xuân Sơn, chủ Phòng khám EXSON ở Sài Gòn công bố thư ngỏ đề gửi Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính: “Cái gọi là gói hỗ trợ cho người lao động bị hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương mà các ông tuyên bố, là có thật hay không?

Công ty tôi ngưng hoạt động từ ba tháng nay. Từ đầu tháng 7 đến nay là gần hai tháng chúng tôi làm hồ sơ xin trợ cấp. Không biết bao nhiêu lần làm đi làm lại, ký đi ký lại. Trong tình hình dịch bệnh nhưng tất cả các bộ phận của các ông hết đòi bản mềm đến bản cứng. Hết nộp online đến nộp trực tiếp. Cứ hết chỉnh sửa cái này đến chỉnh sửa cái khác. 

Đầu tiên là Bảo hiểm Xã hội quận 10 bắt sửa hồ sơ do không ghi số tiền. Sau khi sửa chữa phần này, lại đòi sửa ghi chú. Mỗi lần vừa nộp hồ sơ mềm, vừa nộp hồ sơ cứng. Không biết có phải vì cách nhân viên các ông làm việc như vậy nên dịch bệnh ở Sài Gòn cứ ngày càng dữ dội?

Hôm nay, hồ sơ qua được cái ải Bảo hiểm Xã hội thì phòng Lao động quận 10 lại bắt đầu đòi sửa cái này, cái khác. Mà lần nào, ở đâu đòi sửa cũng chỉ nói miệng, không có một tờ giấy lộn, một chữ nào để cho thấy là có trách nhiệm với những yêu cầu.”

Chỉ một vài doanh nghiệp, người lao động nhận được tiền trợ giúp từ Chính phủ CSVN để báo đảng chụp ảnh tuyên truyền. Courtesy of Thanh Nien

“Ngậm đắng nuốt cay để hy vọng có mấy đồng bạc”

Vị bác sĩ đang triển khai chương trình cung cấp bình oxy miễn phí cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà ở Sài Gòn, chia sẻ thêm: 

“Mấy tháng nay, nếu công ty chúng tôi không bỏ tiền ra hỗ trợ, dù đang ngưng hoạt động, thì nhân viên của chúng tôi có tồn tại được đến bây giờ, để chờ cái gọi là gói hỗ trợ cho người lao động bị hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương của các ông hay không? 

Bây giờ, công ty tôi hết tiền, bản thân tôi cũng đã kiệt quệ, chúng tôi đã phải tính đến chuyện phá sản, mà nhân viên của các ông còn hành chúng tôi lên bờ xuống ruộng, để xin được mấy đồng bạc mà các ông nói là hỗ trợ cho người lao động bị hoãn việc, nghỉ việc không hưởng lương. 

Xin ông cho biết, cái gọi là gói hỗ trợ đó có thật hay không? Nếu nó là có thật, thì xin ông khẳng định cho chúng tôi một tiếng. Để chúng tôi từ bỏ danh dự, quỳ xuống lạy lục van xin nhân viên của các ông, để nhân viên của chúng tôi được hỗ trợ. Hay cần chia chác làm sao thì nhờ ông cho người hướng dẫn giùm.

Và ông nói giúp nhân viên của các ông giùm tôi: Nếu chúng tôi sai cái gì thì ghi ra giấy, ký tên vào, đừng giở trò bắt bẻ hết lần này đến lần khác mà dùng quyền để lấp liếm, trốn tránh trách nhiệm. Còn nếu gói hỗ trợ là có thật, mà nhân viên của các ông muốn chúng tôi chung chi nên làm khó chúng tôi, thì ông hãy nói họ cứ thẳng toẹt ra. Chúng tôi dân Sài Gòn, quen nói thẳng. 

Còn nếu không có gói hỗ trợ, thì ông cũng nói một tiếng, để chúng tôi tìm cách sống. Mấy tháng nay bản thân tôi cứ phải ngậm đắng nuốt cay để hy vọng mấy đồng bạc của các ông cho nhân viên của chúng tôi. Chưa có tiền mà còn nhục hơn là bị gậy đi ra đường ăn xin.”

Bên dưới bài đăng của Bác sĩ Sơn, hàng trăm Facebooker để lại ảnh những người nghèo ở trọ tại Sài Gòn đăng ảnh cầu cứu vì hết tiền, hết gạo, trong lúc hình ảnh bộ đội đến phát đồ ăn chỉ thấy trên mặt báo. 

Facebooker Thuy Nguyen bình luận: “Doanh nghiệp và người lao động họ đóng quỹ bảo hiểm thất nghiệp để chính phủ giữ khi thất nghiệp bất cứ lý do gì (không phải tự bỏ việc) thì họ có quyền hưởng quỹ đó bao nhiêu % trên số lương và tối đa là bao lâu vì đó là tiền của họ. Trong thời gian dịch bệnh, chính phủ không trợ giúp gì thì thôi, tại sao không trả tiền quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động và hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua thời gian khó khăn này. Vậy quỹ đó để làm gì? Họ chính là nguồn thuế đóng vào ngân sách và tạo ra việc làm cho xã hội!”

Câu chuyện của của Bác sĩ Võ Xuân Sơn chỉ là một trong số hàng ngàn doanh nghiệp phải phá sản trước khi họ có cơ may nhận được chút “tiền hỗ trợ” từ Chính phủ CSVN.

Định Tường

Gửi cho báo Đất Việt từ Sài Gòn

Bài Liên Quan