Đài DW của Đức hỏi ‘Vì sao EU cho Việt Nam hàng triệu liều vaccine’?

Đài DW của Đức hỏi ‘Vì sao EU cho Việt Nam hàng triệu liều vaccine’?

7 giờ trước

Vietnam, vaccine

Các quốc gia EU có lợi trong việc thúc đẩy phục hồi sau đại dịch ở Việt Nam, vì đây là đối tác thương mại lớn nhất của khối ở Đông Nam Á. EU cũng kỳ vọng đạt được một vị thế địa chính trị ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo DW.

Ý và Romania tuần trước đã trở thành những quốc gia châu Âu mới nhất viện trợ vaccine Covid-19 cho Việt Nam. Các tuần trước, Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary và Pháp đều đã viện trợ vaccine cho Hà Nội.

DW ước tính rằng cho đến nay các quốc gia EU đã tài trợ hoặc cam kết cung cấp tổng cộng 2,6 triệu liều vaccine cho Việt Nam – một nhân tố quan trọng trong chính trị châu Á.

Vietnam, vaccine

Ngoài ra, Việt Nam là nước nhận được lượng vaccine lớn từ chương trình COVAX. Chương trình này đã nhận được khoảng một phần ba tổng số vaccine viện trợ từ các quốc gia EU thông qua sáng kiến “Nhóm châu Âu”.

Carl Thayer, giáo sư danh dự từ Đại học New South Wales ở Úc, cho DW biết: “Các quốc gia châu Âu có thể có nhiều động cơ khác nhau, đó là sự kết hợp giữa lợi ích quốc gia và lòng vị tha.”

Thúc đẩy vaccine nội

Nanogen
Chụp lại hình ảnh,Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm công ty Nanogen hôm 26/6/2021

Tính đến ngày 30/8, chỉ 2,6% dân số Việt Nam đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19, tỷ lệ thấp nhất trong khu vực Đông Nam Á. Điều này một phần lớn là do đầu năm nay, chính phủ Việt Nam đã chọn tập trung vào phát triển vaccine nội, dự kiến vaccine nội sẽ có mặt trên thị trường vào đầu năm 2022.

Mặt khác, các chuyên gia cũng đã cáo buộc chính phủ Việt Nam ‘ngạo mạn’ sau khi Việt Nam dường như đã không khẩn trương mua vaccine vào giai đoạn đầu khi dịch được kiềm chế tốt và khi chưa có chủng Delta, theo bài của Deutsche Welle.

Kêu gọi viện trợ nước ngoài

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là nhân vật nổi bật nhất tham gia thử nghiệm vaccine Nano Covax.
Chụp lại hình ảnh,Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là nhân vật nổi bật nhất tham gia thử nghiệm vaccine Nanocovax

Ông Lê Hồng Hiệp, thành viên cao cấp của Chương trình Nghiên cứu Việt Nam tại Viện ISEAS – Yusof Ishak, cho DW biết các quan chức Việt Nam trong và ngoài nước đã rất tích cực vận động quyên góp vaccine.

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc vào ngày 1/6, Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng phái đoàn EU tại Việt Nam, được cho là đã hứa sẽ hỗ trợ đảm bảo nguồn cung cấp vaccine từ các chính phủ châu Âu.

EU ‘trả nợ’

Cũng có cảm giác rằng người dân châu Âu hiện đang trả ơn cho các hoạt động từ thiện mà Việt Nam thực hiện khi đại dịch càn quét đất nước của họ vào năm ngoái.

Việt Nam
Chụp lại hình ảnh,Nối lại bình thường các hoạt động vận tải hành khách là một thách thách thức không nhỏ đối với các hãng hàng không hoạt động tại Việt Nam trong thời đại dịch Covid-19

Ví dụ, vào tháng 4/2020, Việt Nam đã tặng hơn 550.000 khẩu trang cho Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha và Anh.

Cộng đồng người Việt Nam đặc biệt tích cực ở các nước như Cộng hòa Séc, Pháp, Đức và Ba Lan. Cả 4 quốc gia này hiện đã viện trợ vaccine cho Việt Nam, DW cho biết.

Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu thì cộng đồng Việt ở các nước này đều hưởng ứng phong trào giúp nước sở tại trong giai đoạn họ chống dịch 2020.

Động cơ kinh tế

Getty Images

Nhưng các nhà phân tích ngờ rằng các chính phủ châu Âu không chỉ vì lòng vị tha mà thôi mà còn vì lợi ích kinh tế, do đó cần Việt Nam phục hồi nhanh sau đại dịch. Và điều này đòi hỏi phải tiêm chủng rộng rãi, theo DW.

Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ 15 của EU và lớn nhất ở Đông Nam Á, một khu vực mà Brussels mong muốn phát triển các lợi ích kinh tế và địa chính trị.

Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam – hiệp định thương mại thứ hai mà Brussels đã ký với một quốc gia Đông Nam Á sau hiệp định thương mại tự do trước đó với Singapore – có hiệu lực vào giữa năm 2020.

Bà Lê Thu Hương thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia lưu ý rằng các công ty Hoa Kỳ bao gồm Nike, Adidas và Apple, có chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng các ca nhiễm, đã vận động chính phủ Hoa Kỳ tài trợ vaccine cho Việt Nam. Mỹ sau đó đã cung cấp hàng triệu liều vaccine cho Việt Nam.

Tình hình dịch Covid-19 ở VN

BBC

TP Hồ Chí Minh và Hà Nội vẫn đang là điểm nóng của cả nước về số ca nhiễm. Các quy định về giấy đi đường, chính sách đi chợ hộ, phong tỏa chặt kéo dài… đang là các bất cập gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng.

Truyền thông Việt Nam cho hay, ngày 8/9, Bộ Y tế có công điện gửi 23 tỉnh, thành trực thuộc trung ương, yêu cầu ‘thần tốc xét nghiệm trên diện rộng’.

Theo đó, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và các tỉnh thành khác trong danh sách sẽ tiến hành xét nghiệm cho mọi người dân trên địa bàn mình. Tùy theo khu vực có nguy cơ cao hay rất cao mà xét nghiệm từ 2-3 ngày/lần hoặc 5-7 ngày/lần. Kinh phí thực hiện là từ ‘nguồn ngân sách thành phố,’ theo Tuổi Trẻ.

Đã có một số ý kiến từ chuyên gia phản đối việc xét nghiệm đại trà. GS Nguyễn Văn Tuấn từ ĐH News South Wales, Úc, nói với BBC rằng đây là một chiến lược rất tốn kém trong lúc hiệu quả đem lại không cao, do kết quả xét dương tính giả và âm tính giả cao, không đảm bảo đạt được mục tiêu bóc tách chính xác các F0.

Ông đề xuất chỉ nên tập trung xét nghiệm cho hai nhóm đối tượng chính: người cao tuổi có bệnh nền, và những người có triệu chứng.

GS. Nguyễn Văn Tuấn: ‘Không nên xét nghiệm Covid đại trà tại TP HCM’

Do khan hiếm vaccine, Bộ Y tế Việt Nam cũng vừa đưa ra khuyến cáo cho phép ‘tiêm trộn’: Nếu mũi một là AstraZeneca thì mũi hai có thể là Pfizer hoặc Moderna; Nếu mũi một là Moderna thì mũi hai có thể là Pfizer và ngược lại, theo Thanh Niên.

Riêng trong ngày 8/9, Việt Nam ghi nhận thêm 12.680 ca Covid-19. Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 563.676 ca nhiễm, đứng thứ 50/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 14.135 ca, cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Bài Liên Quan