Phe đối lập bị đàn áp trước kỳ bầu cử có kiểm soát ở Nga

Phe đối lập bị đàn áp trước kỳ bầu cử có kiểm soát ở Nga

  • Steve Rosenberg
  • BBC News, Moscow

15 tháng 9 2021

Moscow poster for saying "Together we Choose"
Chụp lại hình ảnh,Các tấm biển quảng cáo ở thủ đô nhắc nhở cử tri về kỳ bầu cử đang đến gần, nhưng những lựa chọn ứng viên mà cử tri Nga có thì rất hạn chế

“Cùng nhau chúng ta lựa chọn!” các tấm biển poster tuyên truyền bầu cử chăng khắp Moscow viết.

Khẩu hiệu có nội dung thật mạnh mẽ. Thế nhưng nội dung lại gây hiểu nhầm.

Những người chỉ trích nói rằng trong nước Nga ngày nay, giới chức mới là người có quyền lựa chọn xem ai có tên trên lá phiếu bầu, và ai không.

“Những kỳ bầu cử của chúng tôi giống như là rạp múa rối vậy,” nhà xã hội học Vladislav Inozemtsev nói. “Nhiều ứng viên độc lập không được phép tranh cử.”

Danh sách các chính trị gia và các nhà hoạt động bị loại khỏi kỳ bầu cử quốc hội và bầu cử địa phương trông giống như danh sách phe đối lập Nga, Ai là Ai.

“Alexei Navalny hiện đang trong tù, và toàn bộ nhóm của ông không được có tên trong phiếu bầu; [các chính trị gia đối] Ilya Yashin và Lev Schlossberg cũng bị cấm,” cựu dân biểu Dmitry Gudkov giải thích.

‘Họ không muốn có các dân biểu độc lập’

Trước đó, hồi đầu năm, bản thân ông Gudkov đã tuyên bố các kế hoạch tranh cử vào Quốc hội.

Cảnh sát đã bố ráp căn hộ của ông và tư gia của các thành viên khác trong gia đình. Ông cùng người cô của mình bị bắt giữ.

“Cha tôi nhận được một tin nhắn,” Dmitry Gudkov nói với tôi. “Tin nhắn nói rằng nếu như tôi ở lại nước Nga, cô tôi và tôi sẽ bị tống vào tù. Họ đang lấy cô tôi ra làm con tin.”

Dmitry đã rời Nga sang Bulgaria.

“Uy tín của ông Putin đang đi xuống. Giới chức không muốn có bất kỳ dân biểu độc lập nào trong Quốc hội. Đây là lý do vì sao họ loại bỏ bất kỳ lãnh đạo đối lập nổi trội nào. Các cơ quan an ninh, cảnh sát và cơ quan công tố đóng vai trò then chốt trong việc đem lại chiến thắng cho các lực lượng của ông Putin.”

Ông Navalny, nhân vật đối lập nổi trội nhất của Nga, đã bị bỏ tù hồi tháng Hai sau khi bị đưa ra xét xử trong một phiên tòa mà nhiều người cho là mang động cơ chính trị.

Phong trào của ông đã bị tuyên bố là “cực đoan” và bị cấm hoạt động; bất kỳ cá nhân nào có liên quan tới tổ chức đó đều bị cấm ra tranh cử.

Prominent Kremlin critic and former opposition lawmaker Dmitry Gudkov
Chụp lại hình ảnh,Ông Gudkov nói ông đã phải đi lưu vong sau khi bị giới chức Nga đe dọa

Violetta Grudina từng điều hành chi nhánh ở Murmansk của tổ chức của ông Navaly. Bà nói rằng giới chức đã cực kỳ nỗ lực trong việc ngăn cản bà có tên trong lá phiếu bầu.

“Trong suốt 20 ngày, tôi đã bị buộc phải nhập viện, phải ở trong khoa điều trị Covid,” bà Grudina giải thích. “Họ cô lập tôi bằng một lệnh của tòa án, để tôi không thể nộp các tài liệu đăng ký tranh cử.”

“Tôi cảm giác giống như tôi đang trong một bộ phim hình sự trên truyền hình. Nhưng đây là thực tế cuộc sống dành cho một nhà hoạt động đối lập ở nước Nga thời Putin.”

Opposition activist Violetta Grudina poses for a photo in Murmansk, Russia
Chụp lại hình ảnh,Bà Grudina nói bà không thể đăng ký tranh cử bởi đã bị buộc phải vào bệnh viện

Những người ủng hộ Điện Kremlin bác bỏ việc có chuyện các thành phần đối lập chính trị bị loại khỏi kỳ bầu cử.

“Chúng ta đang nói về chỉ có một số ít người,” Thượng nghị sĩ Andrei Klimov, một gương mặt cao cấp trong đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất, nói.

“Họ bị loại không phải do quan điểm chính trị của họ, mà do việc điều tra hình sự liên quan tới họ. Ở đất nước chúng tôi, tình hình bầu cử ít nhiều ở cùng mức độ với tình hình tại các nước khác.”

‘Chúng tôi trông đợi là sẽ có sự gian lận rộng lớn’

Golos, một nhóm giám sát bầu cử độc lập, không đồng ý.

“Điều chúng tôi thấy vào lúc này là giới chức Nga có thể loại bỏ bất kỳ ứng viên nào mà họ không thích,” đồng chủ tịch Golos, Stanislav Andreichuk, nói.

“Chúng tôi trông đợi là sẽ xảy ra tình trạng gian lận, làm sai rộng khắp. Trong kỳ bầu cử này, sẽ có việc bỏ phiếu trực tuyến, là điều thiếu minh bạch. Và sẽ có ba ngày để bỏ phiếu. Chúng tôi cần tới nửa triệu quan sát viên tại các địa điểm bỏ phiếu. Đây là một con số rất lớn.”

A billboard showing candidates in the Russian election
Chụp lại hình ảnh,Những người chỉ trích nói kỳ bầu cử là cách để trao vị trí bù nhìn cho những người theo ông Putin

Golos cũng đã chỉ trích quyết định của giới chức trong việc từ chối cho tiếp cận công khai vào các băng hình video theo dõi đặt tại các địa điểm bỏ phiếu. Trong những năm trước, rõ ràng là việc nhồi nhét phiếu bầu vào thùng phiếu đã bị camera quay được.

“Toàn bộ các ứng viên, các nhà quan sát và các đại diện của giới chức đều có thể xem được những video truyền đi trực tiếp,” ông Klimov nói. “Đây là một quyết định khôn ngoan. Chúng tôi duy trì sự minh bạch của mình và mức độ đảm bảo quyền riêng tư thông thường.”

Các phóng viên bị quy là ‘tay chân của nước ngoài’

Trước kỳ bầu cử, không chỉ các gương mặt chính trị đối lập với Điện Kremlin bị gây áp lực mà cả giới truyền thông cũng vậy.

Giới chức đã gán mác cho một loạt các phóng viên độc lập là “tay chân của nước ngoài”.

“Tốc độ làm việc này gắn với kỳ bầu cử,” phóng viên của tờ Novosibirsk, Petr Manyakhin tin là như vậy, “nhưng đó là sự tiếp nối dài lâu về những gì đã xảy ra: việc phá hủy các lực lượng đối lập chính. Đó là thứ logic mà nay họ dùng để phá hủy truyền thông độc lập.”

Russian President Vladimir Putin
Chụp lại hình ảnh,Ông Vladimir Putin đã nắm quyền tại Nga từ hơn 20 năm qua

Ông Manyakhin từng làm việc cho trang web Proekt, vốn công bố những cuộc điều tra nổi trội về các gương mặt quyền lực và nhiều tiền bạc tại Nga.

Hồi tháng Bảy, giới chức coi website này là một “tổ chức không đáng hoan nghênh” và về mặt thực tế là đã đóng cửa trang web. Họ gọi một số các phóng viên của website này, trong đó có ông Manyakhin, là “tay chân của nước ngoài”.

“Hiện tôi phải chịu rất nhiều hạn chế pháp lý,” ông nói. “Cứ ba tháng một lần, tôi phải nộp báo cáo cho Bộ Tư pháp về các khoản thu chi của mình. Họ đòi biết mọi khoản tôi chi tiền vào việc gì, mỗi khoản tôi trả khi đi mua sắm hoặc dùng giao thông công cộng. Và với tôi thì việc tìm việc làm trở nên khó khăn hơn nhiều, bởi cái nhãn ‘tay chân của nước ngoài’ khiến cho rất nhiều người ngại ngần.”

Thách thức cho ‘nền dân chủ có kiểm soát’ của Nga

Ít nhất là trên giấy tờ, cử tri Nga sẽ có quyền lựa chọn trong kỳ bầu cử này.

Nước Nga Thống nhất không phải là lựa chọn duy nhất.

Có hơn 10 đảng phái chính trị có tên trên phiếu bầu, từ những người theo chủ nghĩa cộng sản cho tới những người theo chủ nghĩa dân túy.

Nhưng những thứ được gọi là các đảng phái có hệ thống này đều chịu sự kiểm soát của Điện Kremlin.

Họ được phép tham gia tranh cử bởi họ không bị coi là mối đe dọa: các thành phần đối lập được chấp thuận trong hệ thống “dân chủ có kiểm soát”, nơi Điện Kremlin nắm giữ cuộc chơi.

Vậy thì Điện Kremlin kiểm soát được mọi thứ? Không hoàn toàn như vậy.

Trong những năm gần đây, cảm tình dành cho đảng Nước Nga Thống nhất đã suy giảm, khiến Điện Kremlin ngày càng khó khăn trong việc “quản lý” hệ thống nhằm đảm bảo luôn dành chiến thắng vang dội.

Rồi đến Alexei Navalny. Ngay cả khi ngồi trong tù, ông vẫn có kế hoạch để làm mất mặt đảng cầm quyền: vũ khí của ông là thứ có tên Bỏ phiếu Thông minh.

Ông đang kêu gọi người dân Nga bỏ phiếu cho ứng viên trong khu vực bầu cử của mình là người thuộc bất kỳ liên minh đảng phái nào, miễn là người mà nhóm của ông Navalny coi là có cơ hội cao nhất trong việc đánh bại ứng viên của Nước Nga Thống nhất.

Mục tiêu của chiến lược này là: ngay cả trong phạm vi bị bó buộc trong hệ thống của ông Putin, họ vẫn có thể làm giảm bớt được ảnh hưởng của đảng cầm quyền bằng cách làm giảm mức nắm tỷ lệ đa số áp đảo của đảng trong các cơ quan dân bầu.

Giới chức đã phản ứng bằng cách chặn kết nối, truy cập vào trang web Bỏ phiếu Thông minh của ông Navalny và ngăn cản việc tải về một ứng dụng hướng dẫn việc nên chọn ứng viên nào.

Moscow cáo buộc Washington là đã cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho sáng kiến Bỏ phiếu Thông minh.

Nhưng liệu Bỏ phiếu Thông minh có tạo nên bất kỳ sự khác biệt nào không? và giữa lúc sự chuyên quyền, độc đoán ngày càng tăng ở nước Nga thì những người dân thường ở Nga quan tâm tới mức nào tới một hệ thống bầu cử tự do, công bằng?

“Người Nga không cảm thấy cần thiết một cách sâu sắc theo lẽ tự nhiên về những quyền tự do, dân chủ. Ngay cả lúc này, tôi không nhìn thấy chuyện đa số dân muốn thực hiện quyền bầu cử của mình,” nhà xã hội học Vladislav Inozemtsev nói.

“Người dân đang ngày càng quen với một hệ thống hoặc một thể chế chính trị. Nếu nó không ảnh hưởng tới đời sống hàng ngày của họ thì họ có thể chịu đựng nó trong một thời gian dài.”

Bài Liên Quan