Những lợi thế của Singapore để đối thoại với cả Mỹ và Trung Quốc

Những lợi thế của Singapore để đối thoại với cả Mỹ và Trung Quốc

Đăng ngày: 15/09/2021

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và thủ tướng Singpore Lý Hiển Long , tại Singapore, ngày 14/09/2021.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (T) và thủ tướng Singpore Lý Hiển Long , tại Singapore, ngày 14/09/2021. REUTERS – MINISTRY OF COMMUNICATIONS

Thanh Hà

Không lâu sau khi tiễn chân hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ là bộ trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin và phó tổng thống Kamala Haris, thủ tướng Singapore đã tiếp ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Tuy là một quốc gia tí hon cả về địa lý dẫn dân số, nhưng Singapore lại là một tâm điểm trên bàn cờ thương mại, công nghệ và địa chính trị trong vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương. Vì thế, Singapore đặc biệt được hai siêu cường thế giới quan tâm. QUẢNG CÁO

Lập trường rõ ràng của Singapore về vị trí của mình, của ASEAN giữa hai « ông khổng lồ » của thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc từng được thủ tướng Lý Hiển Long giải thích : Sẽ là một tai họa nếu như phải chọn đứng về phe nào.  

Ngoại trưởng Vương Nghị đã dừng lại Singapore trong hai ngày 13 và 14/09/2021. Trước đó, ông đã có một cuộc điện đàm với phó thủ tướng và ngoại trưởng Singapore. Đó là dấu hiệu cho thấy tầm mức quan trọng của Singapore trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh. Trên trang mạng xã hội Facebook, thủ tướng Lý Hiển Long viết « Singapore hoan nghênh những đóng góp của Trung Quốc trong khu vực và sẽ tiếp tục chung tay với Bắc Kinh để xây dựng một thế giới hài hòa và hòa bình ».

Trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đối đầu về nhiều mặt và cùng tranh giành ảnh hưởng với các quốc gia Đông Nam Á, khi được báo chí hỏi về thế tế nhị của Singpore giữa hai siêu cường của thế giới là Mỹ và Trung Quốc, ngoại trưởng Vivian Balakrishnan giảm thiểu những xung khắc giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời hy vọng « Trung Quốc và Mỹ cùng có những quan hệ tốt đẹp đối với khu vực ».

Ngoại trưởng Singapore phân tích : sự hiện diện « tích cực » của Mỹ trong vùng có từ nhiều thập niên qua còn sự trỗi dậy của Trung Quốc là « một thành công chói lọi nhất trong 40 năm qua ». Vấn đề còn lại là câu hỏi « Sự trỗi dậy của Trung Quốc đó ảnh hưởng thế nào đến quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington, đến tiến trình hội nhập kinh tế, về thương mại về chính sách đầu tư … » giữa Trung Quốc với Singapore nói riêng và Đông Nam Á nói chung.  

Những tuyên bố của ngoại trưởng Vivian Balakrishnan phần nào phản ảnh thái độ thận trọng của Singapore với đối tác kinh tế lớn này. Trong bài tham luận (L’Influence sécuritaire chinoise à Singapour – Ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt an ninh đối với Singapore) đăng trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Chiến Lược Trường Quân Sự Pháp IRSEM, hồi tháng 8/2021, chuyên gia về Singapore, Eric Frécon, đã nêu bật sự dè chừng của quốc gia Đông Nam Á trước ảnh hưởng của Bắc Kinh. 

Theo nhà nghiên cứu này, trong cuộc chạy đua Mỹ – Trung tranh thủ cảm tình của Singapore, Bắc Kinh có phần thắng thế, bởi thứ nhất đã khai thác mọi phương tiện, từ mối quan hệ cá nhân đến sự gần gũi về văn hóa, thương mại : Trong chưa đầy 30 năm, từ năm 1990 đến năm 2019, trong số các nhà đầu tư nước ngoài vào Singapore, Trung Quốc từ hạng 29 đã nhảy lên hàng thứ 11.  

Điểm thứ hai là về đối nội. Singapore điều hành đất nước với một bàn tay sắt khá giống như những gì đang diễn ra ở Hoa Lục. Dù vậy, Singpore luôn giữ khoảng cách với Trung Quốc, đặc biệt trong hai lĩnh vực an ninh và quốc phòng. 

Bằng chứng rõ rệt nhất theo nhà nghiên cứu Pháp, Eric Frécon, là quân đội Singapore được đào tạo tại Đài Loan, tại Mỹ, Úc và cũng Singapore có những đội bay được đào tạo tại Pháp.  

Trên hồ sơ Biển Đông, Singapore tránh đứng về phía Bắc Kinh trong tranh chấp chủ quyền với gần hết diện tích vùng biển này và liên quan trực tiếp đến nhiều thành viên của Hiệp Hội Các Nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. Việc Singapore ủng hộ phán quyết của Toàn Án Trọng Tài La Haye năm 2016 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông đã gây sóng gió trong quan hệ giữa Singapore với Bắc Kinh. 

Bên cạnh quan hệ mật thiết về kinh tế và thương mại, năm 1990 cũng là thời điểm Singapore tăng cường hợp tác quân sự với Hoa Kỳ, liên tục mở rộng những hoạt động « giao lưu quân sự » với hải Quân Mỹ cách không xa vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền. Còn về phía Hoa Kỳ, Washington đã trông thấy ở quốc gia tí hon này một « đối tác đáng tin cậy » như ghi nhận của chuyên gia Frécon, Học viện quân sự  Pháp IRSEM.  

Thêm hai hồ sơ cho thấy mức độ tin tưởng vào Trung Quốc của Singapore cũng có những giới hạn : cuộc khủng hoảng y tế do đại dịch Covid-19 gây nên và các dự án trang bị mạng 5G.  

Về y tế, khác với Indonesia, đảo quốc tí hon này hoàn toàn không bị vào tròng « đòn ngoại giao vac-xin của Trung Quốc ». Còn trên mặt trận công nghệ thì Singapore, dù rất thân thiết với Trung Quốc, đã không chọn giải pháp Hoa Vi, nhưng cũng không đoạn giao với các nhà cung cấp mạng của Trung Quốc, nhờ thế không bị lệ thuộc vào một đối sách nào do Mỹ áp đặt.

Nhà nghiên cứu Eric Frécon, Học viện quân sự IRSEM của Pháp kết luận, trước kia là trên các phương diện chính trị, kinh tế và quân sự, còn giờ đây là về y tế và công nghệ, chính sách đối ngoại của Singpore vẫn là một ẩn số. Đó là lý do vì sao cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ cùng nỗ lực ve vãn một quốc gia tí hon như Singapore và đó cũng chính là thành công của một nước Singapore với chưa đầy 6 triệu dân ! 

Bài Liên Quan