Cổ phiếu châu Á hỗn loạn vì cú sốc Evergrande tại Trung Quốc

Cổ phiếu châu Á hỗn loạn vì cú sốc Evergrande tại Trung Quốc

4 giờ trước

Main holding umbrella in front of stock market charts in Tokyo.

Cổ phiếu châu Á trải qua phiên tăng giảm lẫn lộn vào hôm thứ Ba, giữa lúc đang tiếp tục có những quan ngại về tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande và tác động của nó đối với các thị trường toàn cầu.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đóng cửa ở mức giảm 2,2%, nhưng chỉ số Hang Seng của Hong Kong phục hồi trở lại sau khi giảm ở đầu giờ, đóng cửa ở mức tăng 0,5%.

Hiện đang có quan ngại rằng Evergrand, nhà phát triển bất động sản lớn của Trung Quốc, gặp khó khăn trong việc chi trả các khoản lãi đến hạn đối với các khoản nợ trị giá hơn 300 tỷ đô la.

Các cơ quan quản lý đã cảnh báo rằng tập đoàn này có thể ảnh hưởng tới hệ thống tài chính của cả nước.

Các nhà đầu tư lo ngại điều này sẽ giáng đòn mạnh mẽ vào những ngân hàng lớn cấp khoản vay cho Evergrand và các công ty tương tự, dẫn tới làm lây lan khủng hoảng ra các thị trường toàn cầu.

Tâm lý hoảng hốt trong các thị trường xảy ra vào lúc kinh tế toàn cầu đang phục hồi từ ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Hôm thứ Hai, chỉ số Dow Jones tại Hoa Kỳ đóng cửa ở mức giảm 1,8%.

Mức giảm này diễn ra sau khi châu Âu chứng kiến tình hình tương tự, với chỉ số Dax của Đức sụt 2,3% và Cac 40 của Pháp xuống 1,7%.

Các thị trường chứng khoán lớn ở Trung Hoa đại lục đóng cửa hôm thứ Hai và thứ Ba, nghỉ lễ Trung Thu.

Bất chấp những lần đi xuống gần đây, chỉ số Nikkei của Nhật Bản đã tăng gần 30% so với thời gian một năm về trước.

‘Khoảnh khắc Lehman của Trung Quốc’

“Nỗi sợ hãi về nguy cơ Eevergrande phá sản có vẻ như đang dẫn tới mối quan ngại về khoảnh khắc Lehman [Brothers] phiên bản Trung Quốc và một cuộc chao đảo lớn ở khu vực,” Michael Hewkson từ CMC Markets nói.

Các nhà đầu tư cũng hồi hộp chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed), sẽ họp vào thứ Ba và thứ Tư, xác nhận các kế hoạch cắt giảm hỗ trợ đối với nền kinh tế Hoa Kỳ trong năm nay.

Cổ phiếu toàn cầu đã tăng khi các nền kinh tế tái mở cửa, và ngân hàng trung ương các nước đã cấp hàng nghìn tỷ đô la hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, có những quan ngại về việc kinh tế sẽ đi xuống nếu như sự hỗ trợ bị gỡ bỏ vào thời điểm biến thể virus corona, Delta, vẫn tiếp tục kéo lùi tốc độ phục hồi.

Các chiến lược gia tại Morgan Stanley nói họ trông đợi sẽ có sự điều chỉnh ở mức 10% đối với chỉ số S&P 500 của Mỹ, do Fed bắt đầu rút bớt hỗ trợ tài chính.

Họ nói thêm rằng các tín hiệu về việc trì trệ phục hồi có thể sẽ trở nên sâu sắc hơn, dẫn tới việc có thể rớt giá tới 20%.

‘Tín hiệu từ sự nhiễu loạn’

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác đã làm giảm nhẹ những lo sợ này khi nói rằng tháng Chín điển hình là một tháng tồi của thị trường chứng khoán.

“Nhìn chung, tháng Chín tiếp tục là tháng yếu kém nhất trong năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ không phục hồi,” JJ Kinahan, trưởng chiến lược gia phân tích thị trường tại TD Ameritrade nói.

Và Lindsey Bell từ Alley Invest nói rằng bất kỳ việc đi xuống nào cũng chỉ mang tính ngắn hạn.

“Hầu hết việc đầu tư là việc chắt lọc được cái gì là tín hiệu và cái gì là âm thanh nhiễu,” bà nói. “Trong khi có những quan ngại về việc tình hình Evegrande có thể ảnh hưởng tới các thị trường toàn cầu, thì với nhà đầu tư dài hạn, tình thế này có thể chỉ là âm thanh gây nhiễu.”

Bài Liên Quan