30 ngư dân Việt Nam ở Indonesia vẫn còn mắc kẹt dù đã có chuyến bay hồi hương thứ hai

30 ngư dân Việt Nam ở Indonesia vẫn còn mắc kẹt dù đã có chuyến bay hồi hương thứ hai

RFA
2021-09-27

30 ngư dân Việt Nam ở Indonesia vẫn còn mắc kẹt dù đã có chuyến bay hồi hương thứ haiHình minh hoạ: ngư dân Việt Nam bị phía Indonesia bắt giữ vì đánh bắt cá trái phép, bị giam giữ ở Batam, Kepulauan Riau hôm 4/3/2020 AFP

Hôm 27-9-2021, khoảng 270 công dân Việt Nam bay từ thủ đô Jakarta quá cảnh ở Singapore trước khi về trên chuyến bay hồi hương, trong số này có hàng chục ngư dân bị nhà chức trách Indonesia giữ trong những năm qua vì theo ghe cá “đánh bắt hải sản trái phép”.

Đây là chuyến bay thứ hai mang theo các ngư dân trong vòng ba tháng vừa qua, tuy vậy vẫn còn khoảng 30 người ngư dân Việt Nam còn bị giữ ở trại Tanjung Pinang do không còn chỗ trên chuyến bay mới nhất, hoặc không có đủ 30 triệu đồng để mua vé máy bay. 

Anh Danh Chiến, năm nay 45 tuổi – ngư dân trên tàu cá Kiên Giang số hiệu KG 94376 TS là một trong số người vẫn còn bị kẹt lại bày tỏ với phóng viên chúng tôi từ trại Tanjung Pinang như sau:

“Em cũng buồn bã và ấm ức lắm, cũng nhờ xin kiếm đường về Việt Nam. Giờ ở đây khổ quá trời, không có tiền mua này kia để ăn uống, thiếu kém đủ thứ.

Ở đây anh em có tiền thì người ta cũng cho ăn,… cũng cảm ơn anh em, ở đây không có ai gửi tiền hết”. 

Anh Chiến bị giữ từ tháng 3 năm 2020 đến nay, do hoàn cảnh khó khăn cha già ở nhà không thể vay mượn tiền để mua vé máy bay cho anh về nước, nên đành chịu cảnh sống lưu vong nơi xứ người và mòn mỏi chờ ngày về quê hương.

Phóng viên chúng tôi sau đó gọi cho các số điện thoại của Đại sứ quán Việt Nam ở Jakarta, tuy nhiên không thể kết nối được. 

Đài Á Châu Tự Do từ năm 2020 nhiều lần phản ánh tình cảnh của các ngư dân Việt Nam do theo tàu đánh bắt cá và bị phía Indonesia giữ với cáo buộc “khai thác hải sản trái phép”.

Khi bị bắt giữ, tàu cá bị đánh chìm, những tài công sẽ phải ra tòa còn ngư dân bình thường chỉ đợi giấy tờ từ Đại sứ quán để có thể về nước. Tuy nhiên, đến nay, vẫn có người đã bị kẹt nhiều năm nhưng vẫn chưa được về nước vì thiếu tiền.

Bài Liên Quan