Dọa hợp tác quốc phòng với Nga, chiêu bài để Thổ Nhĩ Kỳ mặc cả với NATO và Mỹ

Dọa hợp tác quốc phòng với Nga, chiêu bài để Thổ Nhĩ Kỳ mặc cả với NATO và Mỹ

Đăng ngày: 01/10/2021

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, ngày 29/09/2021.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) tiếp đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Sochi, Nga, ngày 29/09/2021. via REUTERS – SPUTNIK

Thanh Hà

Là một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO), Thổ Nhĩ Kỳ đang tính toán những gì khi tuyên bố ý định hợp tác quân sự với Nga, chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm ? Hay đơn giản là Ankara đánh tiếng với chính quyền Biden trong bối cảnh bang giao với Mỹ đã bị nguội lạnh ?

Rất khó giải mã chính sách đối ngoại và những tính toán chiến lược của tổng thống Recep Tayyip Erdogan. NATO càng lúc càng lúng túng trước một thành viên « bướng bỉnh » như Thổ Nhĩ Kỳ. Mối quan hệ không phải lúc nào cũng êm thắm nhưng khá « vững chắc » giữa Ankara và Matxcơva trên nhiều hồ sơ, như Syria, Libya đã khiến phương Tây phải ngậm bồ hòn làm ngọt.

Giáo sư Jean Marcou, trường Khoa Học Chính Trị Grenoble, ghi nhận kể từ khi Liên Xô sụp đổ, Ankara và Matxcơva đã tỏ ra rất thực tiễn trong quan hệ song phương : Nga bảo đảm đến 60 % khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ và đổi lại thì Ankara là « một khách hàng lớn » của Nga. Cũng nước Nga đang xây dựng một nhà máy điện hạt nhân cho Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, vẫn về kinh tế và thương mại, Matxcơva cần đến Ankara để giảm bớt áp lực trước các biện pháp trừng phạt của phương Tây kể từ sau vụ thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina.

Vấn đề đặt ra kể từ khi tổng thống Erdogan chọn giải pháp xích lại gần với nước Nga của ông Putin. Đó không là một mối liên hệ « nhất thời » hay một « giải pháp tình thế » để gạt phương Tây ra khỏi những vùng ảnh hưởng của đế chế Ottoman và của liên bang Xô Viết xưa kia. Với thời gian, trục Nga – Thổ càng lúc càng mang tầm cỡ « chiến lược », như nhà báo Isabelle Lasser trên tờ Le Figaro ghi nhận.

Dường như Ankara và Matxcơva « liên kết » với nhau đương đầu với phương Tây, châu Âu, Hoa Kỳ và thách thức liên minh quân sự NATO. Đôi bên đã gạt sang một bên những bất đồng để đẩy bằng được phương Tây ra khỏi Syria, rồi Libya và giờ đây là cả tại vùng Sahel ở châu Phi. Nhờ phối hợp nhịp nhàng, hai ông Erdogan và Putin đã vô hiệu hóa Nhóm Minsk chuyên giải quyết xung đột do Pháp và Mỹ đồng chủ tọa khỏi tranh chấp tại vùng Thượng Karabakh cách nay đúng một năm.

Nhưng rõ rệt hơn cả có lẽ là hợp đồng hồi năm 2019 cho phép Thổ Nhĩ Kỳ trang bị tên lửa hiện đại của Nga S-400, bất chấp sự phản đối và các biện pháp trừng phạt của Washington và trước sự ngỡ ngàng của NATO.

Tổng thống Erdogan hội kiến đồng cấp Nga tại Sotchi cách nay 2 ngày. Trên đường trở về, ông để ngỏ khả năng Ankara cộng tác với Matxcơva trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng, cùng nhau chế tạo chiến đấu cơ và tàu ngầm. Liệu đó có là giọt nước làm tràn ly và là bằng chứng cụ thể cho thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn đứng về phía Nga ?

Theo giáo sư Jean Marcou, câu trả lời là không. Ankara đã không « ngả vào vòng tay của Matxcơva ». Tháng 4/2021, tổng thống Erdogan công du Ukraina. Đó là điều một « viên thuốc đắng mà tới nay Kremlin vẫn chưa nuốt trôi ». Ankara vẫn không công nhận việc Nga thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina và năm 2019 Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp 6 máy bay tự hành cho chính quyền Kiev, hỗ trợ quân đội Ukraina trong vùng Dombas đối phó với lực lượng đòi ky khai thân Nga. Quan hệ Nga – Thổ không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Trong quá khứ, đôi bên đã từng lao vào các cuộc xung đột vũ trang đến 14 lần, và « một trong những nguyên nhân dẫn đến sự suy tàn của đế chế Ottoman là mối đe dọa của nước láng giềng khổng lồ phương Bắc », tức là Nga. Erdogan không quên những bài học lịch sử đó. 

Trong mắt nhà báo Pierre Haski, chuyên về mục địa chính trị của đài phát thanh France Inter, nhìn từ Ankara, chơi với Nga có lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ ở vào thời điểm mà toàn cảnh địa chính trị đang tái định hình, và mở ra cơ hội để một số quốc gia nói lên những tham vọng mà từ lâu nay bị dồn nén.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan thân chinh đến Sotchi hội kiến Vladimir Putin và trên đường trở về đã hàm ý sẽ thắt chặt thêm hợp tác quân sự với Matxcơva : mua thêm tên lửa của Nga, bất chấp những cơn thịnh nộ của Washington, và kể cả khả năng cộng tác với Nga về công nghiệp quốc phòng. Thế nhưng, theo nhà quan sát này, phát biểu về khả năng hợp tác quốc phòng với Nga có thể là hình thức để bắn tiếng với phía Mỹ rằng Thổ Nhĩ Kỳ bất đầu hết kiên nhẫn. Quan hệ giữa Ankara với chính quyền Trump đã xấu đi từ 2019 do Thổ  Nhĩ Kỳ trang bị tên lửa của Nga và đã bị loại khỏi các chương trình hợp tác phát triển chiến đấu cơ đời mới F-35 của Mỹ.

Nhà Trắng đã đổi chủ sau cuộc bầu cử 2020 khiến tổng thống Erdogan hy vọng sẽ « làm lại từ đầu » với Joe Biden. Nhưng Erdogan đã thất vọng khi bị từ chối gặp riêng tổng thống Mỹ bên lề cuộc họp Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vừa qua. Cũng có thể là Washington đã vụng về khi biết rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tới nay vẫn có một kênh đối thoại đặc biệt với phe Taliban tại Kabul sau khi Hoa Kỳ đã rút hết quân khỏi Afghanistan, và nhất là vẫn phải đối thoại với Ankara ngày nào mà căn cứ quân sự của Mỹ còn được duy trì tại Incirlik.

Với liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, nội việc Thổ Nhĩ Kỳ thông báo ý định cộng tác với Nga chế tạo vũ khí cũng đủ để châm thêm củi lửa cho phe đòi « khai tử » NATO. Khối này đã cố gắng giữ thể diện sau vụ Ankara trang bị tên lửa Nga, rồi đã làm ngơ khi ba thành viên cùng một nhà là Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp và Hy Lạp đọ sức trong vùng Địa Trung Hải trong lúc mà nước Mỹ của tổng thống Biden càng lúc càng lơ là với hồ sơ Đại Tây Dương, dồn nỗ lực « chuyển hướng sang Ấn Độ – Thái Bình Dương » với một nỗi ám ảnh là Trung Quốc ?

Trong hoàn cảnh đó, giới quan sát không phủ nhận những tham vọng của chính quyền Ankara, đồng thời ghi nhận Thổ Nhĩ Kỳ muốn dùng cái bóng của Nga để mặc cả với ngay chính « anh em trong một gia đình NATO ».

Bài Liên Quan