ASEAN: Các tướng Myanmar nói ‘không bỏ Asean’ dù không được mời dự họp

ASEAN: Các tướng Myanmar nói ‘không bỏ Asean’ dù không được mời dự họp

5 giờ trước

Đại giáo đường Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien ở Bandar Seri Begawan, Brunei
Chụp lại hình ảnh,Đại giáo đường Hồi giáo Sultan Omar Ali Saifuddien ở Bandar Seri Begawan, Brunei – hình minh họa

Trước hội nghị thượng đỉnh cuối tháng 10/2021 ở Brunei, khối ASEAN đang đắn đo về sự có mặt của người Myanmar.

Sau khi ra quyết định không mời Thống tướng Min Aung Hlaing, viên tướng đã lãnh đạo cuộc đảo chính lật đổ chính phủ dân cử của Myanmar dưới thời bà Aung San Suu Kyi, nước đăng cai hội nghị nhận được các yêu cầu để phe đối lập tới dự, theo Reuters.

Nhưng nước chủ nhà Brunei đã nói chỉ các đại diện phi chính trị từ Myanmar mới được tới dự hội nghị, và họ dự theo tư cách gì, họp với ai, vẫn là chuyện chưa rõ.

Cùng lúc, trả lời BBC News Miến Điện, đại diện của chính phủ quân sự Myanmar xác nhận họ ‘không rút khỏi ASEAN”.

ASEAN “lần đầu không đồng thuận”?

Nhưng người phát ngôn, tướng Zaw Min Tun cũng lên án tuyên bố của ASEAN không mời ông Min Aung Hliang tới hội nghị.

Theo tướng Zaw Min Tun, đây là quyết định “không có đồng thuận, và như thế, khác với nguyên tắc cốt yếu của ASEAN”.

Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar trong chuyến thăm đến Hà Nội năm 2019. Trong hình, ông cùng duyệt đội danh dự QĐNDVN cùng Thượng tướng Phan Văn Giang
Chụp lại hình ảnh,Tướng Min Aung Hlaing, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar trong chuyến thăm đến Hà Nội năm 2019. Trong hình, ông cùng duyệt đội danh dự QĐNDVN cùng Thượng tướng Phan Văn Giang

Ông cũng tin rằng Myanmar “đã có kinh nghiệp ứng phó với sức ép quốc tế”.

Cùng thời gian, cuối tuần qua ASEAN, qua một tuyên bố của Brunei cho hay chỉ các đại diện phi chính trị từ Myanmar được phép tới dự hội nghị thượng đỉnh ở Brunei.

Nhưng phe đối lập Myanmar đã phản đối khả năng Brunei chấp nhận để đại diện Bộ Ngoại giao của chính phủ đương nhiệm do phe quân đội Myanmar nắm, tới dự hội nghị, dự kiến diễn ra từ 26 đến 28/10.

Brunei cũng xác nhận một số nước thành viên ASEAN khác nhận được yêu cầu từ “chính phủ đoàn kết quốc gia”, gồm các lực lượng chống lại chính quyền quân sự Myanmar, gồm một số nhân vật thuộc cả chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, để họ được dự hội nghị ở Brunei.

Theo Reuters hôm 17/10, các nước khác trong ASEAN “chịu sức ép từ EU và Hoa Kỳ” để có thái độ rõ rệt về chính quyền quân sự Myanmar.

Sự kiện ASEAN không mời Thống tướng Min Aung Hlaing tham dự cuộc họp thượng đỉnh của nhóm tới đây ở Brunei được nhiều báo khu vực cho là “chưa có tiền lệ”.

Theo Kyodo News, chính phủ Mỹ cuối tuần qua thông báo một phái đoàn do ông Derek Chollet, cố vấn chính sách cho Ngoại trưởng Antony Blinken dẫn đầu, sẽ đến Thái Lan, Singapore và Indonesia trong tuần tới, như một phần trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar vì cuộc đảo chính quân sự xảy ra hồi tháng Hai năm nay.

Phái đoàn Hoa Kỳ dự kiến sẽ thăm Nhật Bản trên đường về nước để thảo luận về tình hình Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi và hai lãnh đạo khác của chính phủ dân sự ra tòa hồi tháng 5/2021
Chụp lại hình ảnh,Bà Aung San Suu Kyi và hai lãnh đạo khác của chính phủ dân sự trong một lần phải ra tòa hồi tháng 5/2021
Demonstrators flash the three-finger salute in Yangon, Myanmar
Chụp lại hình ảnh,Các cuộc biểu tình phản đối chính phủ quân sự sau cuộc đảo chính 02/2021 vẫn diễn ra tại Myanmar

Theo BBC News Miến Điện hôm 18/10/2021, bà Aung San Suu Kyi sẽ phải ra tòa lần nữa trong ngày để đối mặt với ba cáo trạng nhỏ.

Vụ án xử bà, vốn bị quốc tế phê phán, vẫn xoay quanh các cáo buộc “vi phạm luật xuất nhập khẩu”.

Giới đấu tranh Myanmar cho rằng các cáo buộc này không chỉ vô lý mà còn nực cười khi mà bà Suu Kyi, ở cương vị lãnh đạo chính phủ khi đó, bị kết tội để cho nhân viên mua dụng cụ thông tin liên lạc “trái luật xuất nhập khẩu”.

Bài Liên Quan