NATO tập trung đối phó với Nga nhưng không quên Trung Quốc

NATO tập trung đối phó với Nga nhưng không quên Trung Quốc

Đăng ngày: 22/10/2021

Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận "RAPID TRIDENT-2021" tại vùng Lviv, Ukraina ngày 24/09/2021.
Các binh sĩ tham gia cuộc tập trận “RAPID TRIDENT-2021” tại vùng Lviv, Ukraina ngày 24/09/2021. REUTERS – GLEB GARANICH

Trọng Nghĩa

Họp tại trụ sở chính của khối ở Bruxelles, Bỉ, các bộ trưởng Quốc Phòng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 21/10/2021 đã thông qua nhiều văn kiện chiến lược và một kế hoạch hành động mới nhằm đáp trả bất kỳ một cuộc tấn công phức hợp nào mà Nga có thể khởi động. Đối thủ truyền thống là Nga đã được nêu bật, nhưng theo giới quan sát, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, NATO không quên đối thủ mới là Trung Quốc.

Điểm mới trong chiến lược của NATO đã được chính tổng thư ký Jens Stoltenberg nhấn mạnh hôm 20/10 vừa qua, một ngày trước lúc hội nghị các bộ trưởng Quốc Phòng NATO mở ra, khi ông cho rằng các cuộc xung đột ngày nay “không chỉ được tiến hành với bom đạn, mà còn với byte và big data (cơ sở dữ liệu lớn)”.

Chiến lược này như vậy không còn đơn thuần là phòng thủ và răn đe khu vực như hiện nay, mà theo tiết lộ của trang mạng chuyên về Châu Âu Euractiv ngày 21/10, còn nhằm mục đích chuẩn bị cho bất kỳ cuộc tấn công đồng thời nào ở khu vực Baltic và Biển Đen, có thể bao gồm cả vũ khí hạt nhân và các cuộc tấn công mạng được phối hợp từ không gian.

Đối thủ rõ nét của NATO là Nga, đặc biệt sau vụ Matxcơva xâm chiếm và sát nhập vùng Crimée của láng giềng Ukraina vào năm 2014, với hàng loạt hành động khiến NATO lo ngại.

Nhiều quan chức phương Tây đã báo động rằng vào tháng 5, Nga đã tập trung khoảng 100.000 quân ở vùng giáp giới với Ukraina, con số cao nhất kể từ năm 2014. Qua tháng 9, Nga đã sử dụng các robot chiến đấu mới trong các cuộc tập trận lớn với đồng minh Belarus.

Bên cạnh đó, Nga cũng nâng cấp hoặc thay thế các hệ thống không gian quân sự của thời Liên Xô, để có khả năng tấn công các vệ tinh trên quỹ đạo và phát triển các công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo để phá vỡ hệ thống chỉ huy của NATO. Matxcơva cũng đang phát triển các loại “siêu vũ khí”, như các tên lửa hành trình siêu thanh có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và có thể né tránh các hệ thống cảnh báo sớm.

Như được thấy trong các cuộc thảo luận vào hôm qua giữa các bộ trưởng Quốc Phòng NATO, Nga đã nổi bật lên thành mối đe dọa cấp thiết cần đối phó. Nhưng không chỉ có Nga, mà “đồng minh” hiện nay của Nga là Trung Quốc, đã được NATO đưa vào diện “thách thức mang tính hệ thống” từ tháng Sáu vừa qua.

Trên nhật báo Anh Financial Times ngày 18/10 vừa qua, chính tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rõ, dù ban đầu là một liên minh thuần túy Châu Âu – Đại Tây Dương, giờ đây NATO đang đối mặt với “những thách thức toàn cầu” và sự trỗi dậy của Trung Quốc nằm trong những thách thức có ảnh hưởng đến an ninh của các thành viên NATO. Theo ông, chống lại mối đe dọa an ninh bắt nguồn từ sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ là một phần quan trọng trong cơ sở lý luận tương lai của NATO,

Quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Matxcơva hiện nay, theo ông Stoltenberg, là yếu tố đáng quan ngại: “Không nên nhìn Nga và Trung Quốc một cách tách biệt. Họ đang làm việc chặt chẽ với nhau”. Theo lãnh đạo NATO, việc Liên Minh đầu tư nhiều hơn vào công nghệ quốc phòng chính là để đối phó với hai cường quốc này cùng một lúc.

NATO sẽ thông qua Khái Niệm Chiến Lược mới tại hội nghị thượng đỉnh vào tháng 6 tới đây ở Tây Ban Nha. Chiến lược hiện hành, được thông qua từ năm 2010, không hề đề cập đến Trung Quốc.

Bài Liên Quan