Cựu Đại sứ Ted Osius: hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông giúp thăng tiến quan hệ Mỹ Việt

Cựu Đại sứ Ted Osius: hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông giúp thăng tiến quan hệ Mỹ Việt

RFA
2021-10-26

Cựu Đại sứ Ted Osius: hành vi bắt nạt của Trung Quốc ở Biển Đông giúp thăng tiến quan hệ Mỹ ViệtCựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius Ted Osius

Tranh chấp ở Biển Đông là trọng tâm trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam, và hành vi bắt nạt các nước láng giềng của Trung Quốc đã giúp làm sâu sắc thêm mối quan hệ này. Đó là nhận xét của cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.

Cựu Đại sứ Ted Osius, người giờ đây là CEO của Hội đồng Thương mại Mỹ – ASEAN, nói với RFA:

Trên thực tế, ngay cả trong lần gặp đầu tiên của tôi với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi tôi trình quốc thư bổ nhiệm, chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của Biển Đông”.

“Phần lớn trong mọi cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau đó, chúng tôi cũng nói về Biển Đông; tương tự là với Chủ tịch Trần Đại Quang và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng”.

Trong cuốn sách mới của mình, tạm dịch là “Không có gì là không thể: Tiến trình hoà giải giữa Mỹ với Việt Nam” (Nhà xuất bản Đại học Rutgers, 2021), Đại sứ Osius cho thấy cái nhìn đầu tiên rõ nét về sự phát triển quan hệ Việt – Mỹ trong 1/4 thế kỷ qua.

Theo ông, bước ngoặt quan trọng khiến giới lãnh đạo tại Hà Nội nhận thấy rằng họ cần các đối tác chiến lược mới là vào tháng năm năm 2014 khi Trung Quốc điều một tàu khoan dầu cỡ lớn vào vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều đòi chủ quyền ở Biển Đông.

Vụ việc đã dẫn đến một làn sóng phản đối Trung Quốc chưa từng có ở Việt Nam và được nhiều người cho là một trong những diễn biến nghiêm trọng nhất trong những tranh chấp về lãnh thổ lâu dài giữa hai nước.

Nó đã khiến các lãnh đạo Việt Nam thấy được thực tế là Trung Quốc sẽ tiếp tục hành vi bắt nạt”, Đại sứ Osius nóiNhững người ở Việt Nam lúc đó “còn đang chần chờ trong quan hệ với Mỹ đã trở nên cởi mở hơn với khả năng về một mối quan hệ gần hơn với Mỹ”, ông nói tiếp.

Kể từ đó, hợp tác quân sự giữa Hà Nội và Washington đã được mở rộng ra rất nhiều và Hải quân Hoa Kỳ có các hoạt động thường xuyên, bao gồm cả các chuyến thăm các cảng, đối với các đối tác Việt Nam.

Ông Ted Osius, người giữ chức Đại sứ Mỹ ở Hà Nội từ năm 2014 đến 2017, nói với RFA rằng cuốn sách mới của ông “không phải là một cuốn sách về chính sách mà còn nhiều hơn thế, vì tôi tin rằng hoà giải là về con người”.

“Vì vậy, cuốn sách là một loạt các câu chuyện về con người và chủ yếu là những người đã dám liều mình, dũng cảm để biến Hoa Kỳ và Việt Nam từ kẻ thù thành những người bạn”.

“Và cuốn sách kể những câu chuyện về những năm đầu khi tôi mới đến Việt Nam, ngay sau khi bình thường hoá và tôi đã cảm thấy được chào đón như thế nào ở đất nước này vào lúc đó”, Đại sứ Osius nói.

phuctrumpafp.jpeg
Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc ở Nhà Trắng hôm 31/5/2017. AFP

“Không có gì là không thể”

Việc bình thường hoá chính thức quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia được tuyên bố vào năm 1995 dưới thời của Tổng thống Bill Clinton, 20 năm sau khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Một năm trước đó, vào tháng hai năm 1994, Mỹ dỡ bỏ cấm vận kéo dài nhiều thập kỷ đối với Việt Nam.

“Tôi nghĩ sự chuyển giao trong quan hệ hai nước khá là ấn tượng. Tôi đặt tên cho cuốn sách là “Không có gì là không thể” vì Đại sứ Pete Peterson, vị Đại sứ Mỹ đầu tiên ở Việt Nam và cựu tù nhân chiến tranh, nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ ngoại giao đã đứng dậy và nói: “Quý vị biết không, trong quan hệ Việt – Mỹ, không có gì là không thể!”, Đại sứ Osius giải thích.

Khi Phó Tổng thống Kamala Harris đến Hà Nội vào tháng tám vừa qua, đã có những thảo luận về việc nâng cấp quan hệ song phương lên thành “đối tác chiến lược”, điều mà Việt Nam đã thiết lập với một số nước được cho là rất quan trọng về an ninh và phát triển kinh tế.

Quan hệ đối tác chiến lược đã không được tuyên bố trong chuyến thăm này, nhưng “chúng tôi đã có một quan hệ đối tác chiến lược”, ông lập luận.

Giải thích thêm về điều này, Đại sứ Osius nói: “Nó chỉ không có cái tên thôi, và tôi nghĩ là điều này cũng được… Tôi thực sự nghĩ đã có nhiều tin tưởng giữa hai bên đạt được qua các năm. Nhưng các lãnh đạo Việt Nam rất thận trọng khi họ duy trì một sự cân bằng – họ có một láng giềng rất mạnh ở phía Bắc mà họ muốn duy trì mối quan hệ”.

Nói về quyết định rút khỏi Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương của Tổng thống Donald Trump hồi năm 2017, Đại sứ Osius nói: “Tôi nghĩ chúng tôi đã phạm một sai lầm và đã phá huỷ lòng tin ở mức độ nào đó vì nhiều lãnh đạo Việt Nam đã liều lĩnh để Việt Nam tham gia thoả thuận thương mại này, và chúng tôi đã rút thảm dưới chân họ”.

Cựu đại sứ dưới thời của Tổng thống Obama và Trump, đã từ chức vào năm 2017 sau khi không đồng ý với chính quyền của Tổng thống Trump khi Mỹ quyết định trục xuất hàng ngàn người tị nạn Việt Nam sau chiến tranh.

Trong cuốn sách mới, Đại sứ Osius không che giấu những chỉ trích của mình với Tổng thống Trump, người được ông mô tả là “không chân thật và thất thường”.

“Tổng thống Trump cho thấy mình không quan tâm và ông ấy thậm chí không quan tâm đến năm phút tóm tắt” trước cuộc gặp của ông ấy với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng năm năm 2017, theo cựu Đại sứ.

“Tôi nghĩ điều đó là thiếu tôn trọng đối với Thủ tướng Việt Nam. Trong quan điểm về thế giới của Tổng thống Trump, tất cả là giao dịch, và đó là quan điểm thế giới của một người chuyên về các giao dịch về bất động sản cả cuộc đời và không đầu tư vào các mối quan hệ”.

tedosiusfamily2021.jpeg
Cựu Đại sứ Ted Osius và bạn đời Clayton Bond cùng các con nhỏ. Hình: Ted Osius

Hồ sơ nhân quyền chắp vá

Đại sứ Osius mô tả cách mà Tổng thống Trump đưa ra một “câu đùa kỳ cục” về cái tên của Thủ tướng Phúc và nói Tổng thống đã không được chuẩn bị cho cuộc gặp, điều mà ông cho là “rất, rất lạ”.

“Ngoại giao là về xây dựng lòng tin và cho thấy sự tôn trọng, đầu tư vào các mối quan hệ về làm việc cùng nhau – Nó không phải là về tiền bạc và sức mạnh. Theo quan điểm của tôi, một tổng thống đã không hiểu điều đó”.

Đại sứ Osius nói, các chính sách của Tổng thống Trump đã gây khó cho việc “tạo sức ép lên Việt Nam về nhân quyền” vốn là “vấn đề khó nhất mà ông phải giải quyết khi làm đại sứ”.

Việt Nam thường xuyên bị chỉ trích về những hạn chế trong tự do bày tỏ ý kiến, tự do tôn giáo và xã hội dân sự. Phó Tổng thống Kamala Harris nói, trong chuyến thăm gần đây bà đã đưa ra những quan ngại về nhân quyền, bao gồm cả việc trả tự do cho những người bất đồng chính kiến trong cuộc họp với các lãnh đạo Việt Nam.

Hà Nội luôn bác bỏ rằng Việt Nam có tù chính trị, và nói rằng những người này bị giam giữ vì vi phạm pháp luật.

Tôi đã biết rất rõ cái gì mà chúng tôi muốn tìm kiếm ngay từ đầu. Tôi luôn mang trong túi áo mình một tấm giấy nhỏ. Đó là những đòi hỏi về nhân quyền từ phía Mỹ, và những cái tên trên tấm giấy đó”, Đại sứ Osius nói.

“Cứ mỗi sáu tháng chúng tôi thay tấm giấy đó với danh sách những tên hàng đầu, những đòi hỏi hàng đầu”.

Chúng tôi luôn thúc giục việc trả tự do cho những người nhất định, những người đã bày tỏ quan điểm của mình và tôi đã có lúc thấy khó chịu vì khi tôi kêu gọi cho trả tự do cho một ai đó thì sau đó lại có nhiều thêm những người bị bỏ tù. Có những nhà hoạt động bị đánh đập, có những người viết blog nhưng bị bỏ tù vì bày tỏ quan điểm của mình”, vị đại sứ nhớ lại.

Tôi đã luôn đề cập đến những vấn đề đó mọi lúc, và đôi khi tôi đã thành công và một vài người được trả tự do, đôi khi tôi cũng không thành công. Vì vậy, hồ sơ này là sự đan xen của cả hai”.

Bài Liên Quan