Gia thế bà Nam Phương Hoàng Hậu

Gia thế bà Nam-Phương.

Chúng ta chắc biết rõ ông ngoại bà Nam-Phương Hoàng-hậu, ông cậu chơi đẹp của bà, ít người biết đến ông Mathieu Lê-văn-Gẫm, tử đạo thời vua Thiệu-Trị. Ông Huyện-Sỹ là cháu của ông Gẫm.

Trong Sài-Gòn năm xưa ông Vương-Hồng-Sển có nhắc: ” gần ngã sáu đường Võ Tánh quận Nhứt, còn thấy ngày nay ngôi mộ Lê Văn Gẫm tử đạo thời Thiệu Trị, bị hành hình hồi năm 1847. Mộ này nay nhà phố xung quanh che gần bịt mất và mộ sụt lún xuống thấp hơn mặt đường lộ có một thước sáu, suy ra đường phố mãi đắp lên cho khỏi ngập lụt nay mới cao làm vậy, còn đất xóm này khi xưa lấy mực mộ Lái Gẫm là đủ biết thấp và nước cở nào”.

Gia đình ông Lê-Phát-Sỹ( Đạt) lúc đầu ở họ đạo Cầu-Kho, sau bỏ đất Saigon về Tân-An.

Thưở nhỏ ông làm nghề chèo đò chở lương thực thuê cho dân làng, sau được cố đạo Moulin thấy ông hiền lành, lanh lợi nên nhận làm con đở đầu và nuôi ăn học.

Do gia cảnh khó khăn nên gia-đình đồng ý với cố đạo Moulin cho ông Sỹ nhập trường dòng, ước mong sau này ông làm linh-mục. Ông được lên Saigon học hết tiểu học, rồi được gởi sang Penang tiếp tục học. Trường này đào tạo tu sĩ cho xứ Đông-dương và các nước xung quanh.

Do ở Chủng-viện có vị Giáo-sĩ tên là Sỹ giảng dạy cho ông mỗi ngày, thành ra để tránh bất tiện, nhà dòng cải tên cho ông ra thành Đạt, tức ông Lê-Phát-Đạt, ông ngoại bà Nam-Phương sau nầy. Ông Đạt học giỏi, biết các thứ tiếng Pháp, Latinh, Bồ, và tức nhiên là xử dụng giỏi cả chữ Quốc-ngữ.

Sau khi học xong, ông về nước và làm Thông-ngôn cho người Pháp. Gặp lúc dân tản mác bỏ ruộng hoang vô số, Pháp cho phát mãi, bán rẻ không ai mua, họ nài ép viên-chức mua. Ông Đạt vay mượn cộng với tiền sẵn có, ông mua mấy chục ngàn mẫu. Sau đó trúng mùa mấy vụ liền, ông trở nên giàu có.

Người Pháp phong cho ông chức Huyện-hàm, coi như có danh phận với đời vậy. Dân trong vùng gọi ông là Huyện-Sỹ, rồi ông cũng thôi không làm cho Pháp nửa, về nhà trông coi cơ nghiệp, tham gia các hoạt động xã-hội, giúp đỡ địa phương như: cất trường-học, nhà-thương, nhà-thờ, viện tế-bần…

Ông bỏ tiền mua đất khu Chợ-Đũi cất nhà-thờ. Ngôi nhà thờ nầy so về độ bề thế, có lẻ chỉ thua Nhà-thờ Đức-Bà. Nhà thờ dài 25 thước, theo kiểu kiến trúc Roman rất đẹp. Tên chánh thức là Giáo-xứ họ Chợ-Đũi, dân thì gọi đơn giản là Nhà-thờ Huyện-Sỹ, trong các tác phẩm văn-chương Nam-kỳ cũng gọi như vậy.

Theo tui được biết, phía sau Cung-thánh trong Giáo-đường là nơi an táng vợ chồng ông Huyện-Sỹ và các con họ Lê. Trước sân nhà thờ hiện nay vẫn còn bức tượng của ông Mathiéu Lê-văn-Gẫm.

Ngoài ra ông Huyện-Sỹ hiến 600 mẫu đất ở vùng Chí-Hòa đặng xây cất dưỡng đường cho các cha người Việt có tuổi, về hưu hoặc đau bịnh ở.

Có chi tiết ngoài lề, tui xin đưa vô để tham khảo, trong bài ” Hiện tượng Trương Vĩnh Ký hay là quá trình từ người trí thức đến kẻ sĩ phu? ” của ông Hồ-Hữu-Tường, có đoạn nầy:

Đây là đoạn Trương tiên-sanh khuyên nhủ ông Lê-Phát-Đạt, tức ông Huyện-Sỹ, khi ông nầy có ý khoe tài làm giàu của mình.

” Nầy cháu ơi, chớ vội vui mừng. Đương lúc vui , nên gẫm mà buồn lần lần đi. Đến khi mà nguy khốn đến nơi thì dễ đuổi tan sầu não. Trong hồi khổ cực, mà biết nghĩ đến lúc vui mừng, thì hãy vui. Việc gì cũng có vay có trả”.

Hoặc như trong bài nói về Thân thế và sự nghiệp của Trương-Vĩnh-Ký, cụ Vương-Hồng-Sển, có ” móc mé” mấy ông làm việc cho Pháp, nhờ đó mà phất lên, không biết có dính ông Huyện-Sỹ?

Trở lợi gia đình ông Huyện-Sỹ…

Ông có 4 người con, lớn nhứt là Lê-Phát-An tức Denis Lê-Phát-An, có vợ là Anna Trần-thị-Thơ. Con thứ hai là bà Lê-thị-Bình( mẹ bà Nam-Phương). Con thứ ba là Lê-Phát-Vĩnh, cuối cùng là Lê-Phát-Thanh. Tất cả con của ông Huyện-Sỹ đều được qua Pháp ăn học, đặng sau trở về mở thương-nghiệp.

Ông Lê-Phát-An học ở Marseille ngàng Kinh-tế và Kỹ-nghệ, rồi về nước kinh-doanh dưới sự dẫn dắt của cha mình, chẳng bao lâu cũng trở nên giàu có lừng danh. Ông có nhà máy dệt bông, các đồn-điền cà phê, cao su… khi thành đạt ông cũng làm nhiều việc giúp ích cho xã-hội.

Ông bỏ tiền quyên góp cho Nhà-thờ, Nhà-thương, Đình, Miếu, viện Tế-bần. Dấu ấn còn lưu lợi là Nhà-thờ Hanh-Thông-Tây do vợ chồng ông bỏ tiền ra mua đất và cất lên ở xã cùng tên. Sanh thời ông An không có con nên rất yêu thương các cháu của mình.

Trong dân-gian có giai thoại ông An tặng cháu gái là bà Nam-Phương 1 triệu đồng bạc làm của hồi môn, việc nầy mang tánh giựt gân, thêu dệt, thiếu cơ sở.

Ông An dân Pháp, sống như một nhà quý-tộc đúng nghĩa, biết làm ăn lớn, ăn chơi giao du với các ông hoàng bà chúa của Âu-Châu, ăn xài như ông hoàng, bạn thân với Hoàng-thái-tử Henri D’Orléans, Thái-tử Đan-Mạch Waldemar, Công-tước De Montpensier, và nhiều nhà danh giá khác… Ông là nhà quý tộc duy nhứt ở Nam-Kỳ, tiền rừng bạc biển có Biệt-điện Ana ở Vũng-Tàu, tư dinh Mont Roye ở Hanh-Thông-Tây.

Trong lãnh vực điện lực, Lê-Phát-An và Phạm-Tùng-Long có 12 nhà máy đèn ở các tỉnh Nam-Kỳ như Trà-Vinh, Mỹ-Tho, Châu-Đốc, Phan-Thiết( Trung-kỳ).

Bà Nam-Phương là con thứ của ông Nguyễn-Hữu-Hào, trước bà là người chị có tên Agnès Nguyễn-Hữu-Hào.

Ông Hữu-Hào sanh ra trong gia đình bề thế, cha mẹ là đại điền-chủ, theo đạo Công-giáo, cũng sang Pháp ăn học và có bằng Tú-tài toàn-phần. Ruộng đất gia đình ông trãi khắp đất Lục-tỉnh, nội quận Long-Mỹ thuộc Rạch-Giá( sau là Cần-Thơ) ông có 1000 mẫu ruộng, sau này ông lấy Long-Mỹ làm tước phong( Long-Mỹ quận-công) cho mình.

Sau khi cưới người vợ xinh đẹp, học thức Lê-thị-Bình, hai vợ chồng ông thường ở tại căn biệt-thự sang trọng ở đường Nguyễn-Du bây giờ, về sau là Đại-sứ-quán Đại-Hàn.

Ông Hào là Đại điền-chủ Tây học, biết áp dụng học vấn vô việc quản-lý các đồn-điền. Cơ ngơi của ông trãi khắp nơi đất Nam-kỳ. Ở Biên-Hòa, Đà-Lạt, Bà-Rịa ông sở hữu các đồn-điền cao su. Xuống Tân-An, Rạch-Giá, Gò-Công ông có nhiều ruộng đất canh tác.

Người con gái lớn là cô Agnès Nguyễn-Hữu-Hào sau này kêt hôn với Bá-tước Didelot, ông nầy là Khâm-mạng Hoàng-triều cương-thổ.

Ông Nguyễn-Hữu-Hào mất ngày 13/9/1939, được chôn cất theo nghi thức Quận-công, mả ông nằm trong lăng mộ tráng lệ ở ngọn đồi gần thác Cam-Ly. Ngày đưa ông vô lăng là một sự kiện lớn ở Đà-Lạt khi đó, với sự góp mặt của Hoàng-gia, gia quyến bà Nam-Phương, quan chức cao cấp Pháp/ Việt.

Chúng ta điểm qua thành phần hiện diện lúc đó:

– Vợ chồng vua Bảo-Đại, vợ chồng An-Định vương( Lê-Phát-An, cậu bà Nam-Phương), vợ chồng Bá-tước Didelot, vợ chồng Toàn-quyền Decoux, Khâm-sứ Trung-kỳ Grandjean, Giám-mục Cassaigne, các quan chức Pháp/ Việt…

Đến nay trên lăng-mộ ông Nguyễn-Hữu-Hào vẫn còn hai văn-bia do bà Nam-Phương và người con gái lớn( Phu-nhơn Bá-tước Didelot) lập ra đặng ca ngợi Công-đức sanh-thành của cha mình.

Như vậy chúng ta thấy rõ, bà Nam-Phương ngay từ khi lọt lòng đã sống trong nhung lụa, gia thế lừng lẫy, cả bên nội lẫn ngoại đều là những người giàu có tột cùng, và hoàn toàn không có chuyện cha bà vì tham giàu mà lấy mẹ bà.

Có nhiều bài viết cho rằng bà Nam-Phương và ông Bảo-Đại chỉ biết nhau từ khi về nước chung một chuyến tàu, tui không nghĩ như vậy.

Tham khảo:

Chuyện về ông Huyện Sỹ, một trong tứ đại hào phú Saigon đầu thế kỷ 20, Sài Gòn năm xưa, Nam Phương, hoàng hậu cuối cùng ở Việt Nam. Và môt số tài liệu khác.

Bài Liên Quan