Thủ tướng Ba Lan ra thăm quân ở biên giới với Belarus trong khủng hoảng di dân
3 giờ trước
Ba Lan cảnh báo về khả năng leo thang “vũ trang” ở biên giới với Belarus, với nỗi lo sợ nước láng giềng đang cố gắng kích động vụ hàng trăm di dân tìm cách tràn vào EU.
Đã có thêm quân lính được triển khai sau khi đám đông tuyệt vọng tìm cách cắt hàng rào dây thép gai ở biên giới.
Ba Lan, Liên minh châu Âu (EU) và NATO nói rằng vụ việc chính là do Belarus dàn dựng, điều mà lãnh đạo nước này bác bỏ.
Ba Lan nói họ đang đóng một cửa khẩu chính tại Kuznica.
Các quan chức ở Warsaw cho biết có khoảng 4.000 người hiện đang mắc kẹt trong cuộc khủng hoảng di dân ở biên giới phía đông của Ba Lan. Nhiệt độ ban đêm tại khu vực biên giới đã giảm xuống dưới 0 độ C, và đã có một số người thiệt mạng trong những tuần gần đây.
Các thành viên EU và NATO là Ba Lan, Lithuania và Latvia đều đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người cố nhập cảnh trái phép vào nước mình từ Belarus trong những tháng gần đây. Nhiều nam thanh niên nhưng bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, chủ yếu đến từ Trung Đông và châu Á.
Các nhà hoạt động nói rằng họ đang bị lợi dụng như quân bài trong trò chơi chính trị giữa Belarus không thuộc EU, do nhà lãnh đạo độc tài Alexander Lukashenko cầm quyền, và các nước láng giềng.
Người phát ngôn của cơ quan tị nạn LHQ, Shabia Mantoo nói rằng họ rất lo lắng trước những hình ảnh mới nhất.
“Sử dụng người tị nạn, người xin tị nạn và di dân để đạt được mục đích chính trị là điều không thể chấp nhận được, việc đó phải chấm dứt.”
Người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Muller nói với các phóng viên rằng có những lúc họ đã nghĩ là có thể xảy ra “sự leo thang… có thể có vũ trang”.
Đài truyền hình Ba Lan cho biết các di dân tập trung gần Kuznica được những người có vũ trang dắt theo chó đi cùng.
Người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Ba Lan, Stanislaw Zaryn, cho biết các di dân hiện đang dưới sự kiểm soát của các đơn vị vũ trang Belarus.
“Belarus muốn gây ra một vụ việc lớn, tốt nhất là có xảy ra tình trạng nổ súng và có thương vong,” Thứ trưởng Ngoại giao Piotr Wawrzyk trước đó nói.
Bộ Quốc phòng Belarus nói những tuyên bố của Ba Lan là vô căn cứ, đồng thời cáo buộc Warsaw vi phạm các thỏa thuận khi đưa hàng nghìn binh lính tới biên giới.
Trong khi đó, Nga ca ngợi cách xử lý “có trách nhiệm” của đồng minh Belarus đối với hàng biên giới, và cho biết họ đang theo dõi tình hình chặt chẽ.
EU cáo buộc nhà lãnh đạo Belarus đã kích động dòng người này để trả đũa các lệnh trừng phạt của khối đối với Belarus.
Lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi ông Lukashenko đàn áp các cuộc biểu tình lớn sau cuộc bầu cử tổng thống tai tiếng hồi năm ngoái và vụ bắt giữ nhà báo bất đồng chính kiến trên một chuyến bay, khiến phi cơ của hãng hàng không Ryanair buộc phải hạ cánh xuống Minsk.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU sẽ xem xét việc mở rộng các biện pháp trừng phạt để bao gồm cả “các hãng hàng không của nước thứ ba” liên quan đến việc để di dân bay tới Belarus.
Ông Lukashenko cáo buộc lực lượng biên phòng ở các quốc gia láng giềng thuộc khối EU có hành vi bạo lực đối với người di cư. Bộ trưởng Nội vụ Ivan Kubrakov cho biết những người di cư đã đến Belarus hợp pháp và “là một đất nước hiếu khách, chúng tôi luôn sẵn sàng chấp nhận tất cả mọi người”.
EU và Nato có giúp được gì cho các thành viên phía Đông?
Đức hôm thứ Ba thúc giục EU “có hành động” nhằm giúp Ba Lan bảo vệ biên giới.
Lithuania cũng đã chuyển quân đến biên giới với Belarus để chuẩn bị đối phó với dòng người di cư có thể xảy ra.
Theo các báo Ba Lan tuần này, tình hình tại biên giới với Belarus “có nguy cơ trở thành khủng hoảng lớn”.
Trang mạng Onet.pl sáng 9/11 đăng tin xe của phía Belarus vừa chở đến một điểm ở biên giới với Ba Lan thêm 800 người di dân, đưa con số người đã tá túc trong lều trại ở địa điểm đó lên chừng 4 nghìn.
Chính quyền Ba Lan đã đóng cửa khẩu Kuznica, và chiều ngày 09/11 dự kiến Quốc hội Ba Lan tại Warsaw có phiên họp khẩn cấp về tình hình.
Nói chuyện với trang Onet, tướng Waldemar Skrzypczak, một cựu tư lệnh bộ binh Ba Lan đánh giá “hỗ trợ của Nato và Liên hiệp châu Âu hiện chỉ dừng lại ở lý thuyết, và sự bày tỏ tình đoàn kết”.
Theo ông, “những tuyên bố khác nhau từ Nato và EU không được ai quan tâm, vì chưa thấy có hành động cụ thể gì cả”.
Giới chức Ba Lan gợi ý về giải pháp mở cầu hàng không đưa di dân về nước xuất xứ trong lúc đài báo Ba Lan nói các hãng hàng không của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ “gần như cố ý” chuyển hành khách từ Trung Cận Đông vào Nga và Belarus.
Từ đó, dòng di dân dễ dàng tới biên giới phía Đông của EU: Lithuania, Ba Lan và Estonia.
Tuy thế, cũng các báo Ba Lan đăng tin Tổng thư ký khối Nato, Jens Stoltenberg cho hay ông đã “nói chuyện với tổng thống Ba Lan, Andrzej Duda về chuyện “Belarus dùng ‘chiến thuật hỗn hợp (hybrid tactics) đẩy di dân vào EU qua nước Ba Lan là không thể chấp nhận được”.
Mới nhất, bộ trưởng ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto lên tiếng cảnh báo vì hai bên biên giới Ba Lan và Belarus đều có quân đội được triển khai, cuộc tranh cãi về di dân “có thể bùng nổ thành khủng hoảng, thậm chí xung đột”.
Cũng có ý kiến phê phán chính phủ cánh hữu tại Ba Lan đã “cãi vã về rất nhiều chuyện” với gần như tất cả các láng giềng phía Tây và Nam, và với Brussels, những năm qua, nên nước này “trở nên cô đơn khi xảy ra khủng hoảng di dân tràn vào”, trang Onet.pl viết.
Các báo Ba Lan những ngày qua đăng hình họ nói là quân đội hoặc biên phòng Belarus mang súng xâm nhập sang phía Ba Lan, hoặc phá các hàng rào ngăn người di dân trái phép.
Chính phủ Lithuania thì cảnh báo về “nguy cơ khủng bố” từ các nhóm vượt biên vào EU.
Câu chuyện đang được người Việt hoặc gốc Việt sống tại Ba Lan, Đức và các nước khác theo dõi kỹ.
Nhà báo Mạc Việt Hồng từ Warsaw viết trên Facebook cá nhân:
“‘Di dân’ được đi bằng máy bay từ Iraq và các quốc gia Trung Đông, rồi được chở bằng bus tới tập trung vài ngàn bên kia biên giới. Trong số những người dùng kìm cộng lực, cuốc xẻng và các cây gỗ lớn phá biên giới, không chỉ có di dân, mà trà trộn trong đó chắc có nhiều đặc nhiệm của Lukashenko, vì nhiều kẻ da trắng phau và hành động rất chuyên nghiệp.
Thủ tướng nói ông không ngủ và chắc nhiều người Ba Lan cũng không ngủ đêm qua. Biên giới Ba Lan chắc sẽ vẫn căng thẳng trong những ngày tới. Putin giờ như kền kền ngồi rình, chỉ chờ đổ máu để kiếm cớ ém quân sát biên giới Ba Lan.”