Biên giới EU- Belarus: Thủ tướng Ba Lan nói ‘khủng hoảng di dân đã thành chính trị’

Biên giới EU- Belarus: Thủ tướng Ba Lan nói ‘khủng hoảng di dân đã thành chính trị’

2 giờ trước

Người di dân trước hàng rào ngăn biên giới Belarus với Ba Lan
Chụp lại hình ảnh,Người di dân trước hàng rào ngăn biên giới Belarus với Ba Lan

Cuộc khủng hoảng di dân tại biên giới Ba Lan với Belarus vẫn không giảm độ nóng và đang nhanh chóng trở thành ‘khủng hoảng chính trị’ giữa EU và hai quốc gia láng giềng, Nga và Belarus.

Sau cuộc trao đổi mang tính tham vấn giữa hai tổng thống Nga và Belarus hôm 09/11/2021, Điện Kremlin lên án Liên hiệp châu Âu (EU) trong lúc có thêm tiếng nói từ khối này ủng hộ nước thành viên Ba Lan.

Ngay sau trao đổi giữa hai ông Putin và Lukashenko, hãng TASS của Nga cho hay Moscow “sẵn sàng làm trung gian để Minsk và Brussels nói chuyện”.

Đêm 09 sáng ngày 10/11, Bộ Quốc phòng Ba Lan nói có rất nhiều đợt “vượt biên trái phép” nhưng bị quân đội Ba Lan “đẩy lại phía bên kia biên giới”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mariusz Blaszczak nói với báo chí rằng số quân Ba Lan ở biên giới nay lên tới 15 nghìn và “đêm hôm qua không phải là đêm yên lành với họ”.

Cáo buộc lẫn nhau

Cùng thời gian, phát ngôn viên Điện Kremlin, Dmitry Peskov cáo buộc EU “bất lực” trong việc thực hiện chính các tiêu chuẩn nhân đạo của mình, và tìm cách bóp nghẹt Belarus bằng kế hoạch đóng biên giới phía Đông.

Sang ngày 10/11, Thủ tướng Ba Lan, nước đang phải đối phó với hàng nghìn người mà Warsaw gọi là “di dân bất hợp pháp” muốn tràn vào nước họ từ phía Belarus, nói “đây là khủng hoảng chính trị”.

Ông Mateusz Morawiecki nói tại cuộc họp báo trưa thứ Tư ở Warsaw, sau khi thăm biên giới phía Đông, rằng “Ba Lan sẵn sàng nói chuyện với Nga và Belarus nhưng không phải trong vị thế bị dí súng vào đầu”.

Trước đó, Ba Lan nói chính ông Putin “là kẻ chủ mưu gây ra bất ổn ở biên giới EU”.

Quan hệ giữa CH Ba Lan và các nước EU ở vùng Baltic (Lithuania, Latvia, Estonia) với Nga và Belarus đã xấu đi nhiều những năm qua.

Ba Lan, Lithuania, Latvia và các nước Tây Âu như Đức liên tục ủng hộ phe đối lập tại Belarus và chỉ trích “nhà độc tài Lukashenko”.

Trong vụ việc hiện nay, các nước này cáo buộc lãnh đạo Belarus, ông Lukashenko “dùng chiến thuật hỗn hợp” đẩy dòng người từ Iraq, Afghanistan và châu Phi qua biên giới trên bộ vào EU.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel vừa tới Warsaw sáng 10/11 để bày tỏ tình đoàn kết với Ba Lan sau khi EU gọi hành động về di dân của ông Lukashenko là “kiểu gangstơ”.

Map of Belarus border
Chụp lại hình ảnh,Các điểm nóng ở biên giới Ba Lan – Belarus

Truyền thông EU này mô tả hàng không Nga Aeroflot, và hàng không Thổ Nhĩ Kỳ chở người từ bắc Iraq và Cận Đông tới Minsk, thủ đô Belarus, và giới chức Belarus giúp hoặc khuyến khích họ tới biên giới Ba Lan, Lithuania.

Brussels cũng thông báo khối EU đang đối thoại với 13 quốc gia, gồm Iraq và Pakistan là những nước có thể là điểm xuất phát của dòng người kéo đến biên giới phía Đông của EU.

Báo chí châu Âu cho rằng chính quyền Minsk từ nhiều tháng qua đã cấp visa đặc biệt cho người Trung Đông để bay tới Belarus.

Với những người đã sang tới Ba Lan, họ được các nhóm thiện nguyện Ba Lan trợ giúp đồ dùng, quần áo, thức ăn và chỉ dẫn để nộp đơn xin tỵ nạn.

A Kurdish family from Dohuk in Iraq is assisted by activists from the NGO Grupa Granica (Border Group) on 9 November
Chụp lại hình ảnh,Tổ chức phi chính phủ Ba Lan mang tên Grupa Granica (Nhóm Biên giới) giúp một gia đình người Kurd hôm 09/11

Ba Lan cáo buộc biên phòng Belarus không chỉ phá hàng rào biên giới để giúp người di dân tràn sang Ba Lan và còn trực tiếp xâm nhập lãnh thổ Ba Lan, bắn súng chỉ thiên để “khiêu khích”.

Báo Anh, tờ Telegraph đăng tải lại hình video của Biên phòng Ba Lan quay, cho thấy nhiều người đàn ông Trung Đông dùng xẻng đập phá và kìm cộng lực cắt hàng rào biên giới để nhảy sang phía Ba Lan.

Hàng nghìn binh lính và cảnh sát Ba Lan đã được triển khai ở các vùng biên giới cạnh những cửa khẩu đã tạm đóng lại ở Zaryn, Kuznica trong khi có tin một loạt cửa khẩu khác sẽ bị đóng.

Đức tuyên bố sẵn sàng cử cảnh sát đến Ba Lan hỗ trợ nước láng giềng.

Rất nhiều người di dân muốn vào vượt rừng qua ngả Ba Lan chỉ để tới Đức, Đan Mạch.

Một bài điều tra của Paul Adams trên trang BBC News (21/10/2021) mô tả hành trình của một nhóm người từ Iraq sang Belarus, vượt biên ‘thành công vào Ba Lan’ và ngay tối cùng ngày đã đi xe chở lậu sang Đức.

Họ là những “du khách được chính quyền Belarus trợ giúp” để vào EU, theo phóng viên Paul Adams trong bài: ‘How Belarus is helping ‘tourists’ break into the EU‘.

Một phóng sự truyền hình khác của BBC News do Clive Myrie thực hiện, chiếu trên các kênh nội địa tại Anh tháng trước cũng nói “Có thêm bằng chứng Belarus gửi di dân qua biên giới vào EU”.

Belarus luôn bác bỏ các cáo buộc đó và cho rằng họ làm việc “nhân đạo” đối với người di dân.

Bài Liên Quan