Thủ tướng Nhật thay ngoại trưởng trong nội các mới sau bầu cử

Thủ tướng Nhật thay ngoại trưởng trong nội các mới sau bầu cử

Đăng ngày: 10/11/2021

Thanh Phương

Sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc Hội ngày 31/10, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida hôm nay 10/11/2021 công bố danh sách tân nội các, với thành phần hầu như không thay đổi, ngoại trừ một ngoại trưởng mới. 

Hạ Viện Nhật Bản chiều nay đã họp phiên đặc biệt để phê chuẩn việc bổ nhiệm trở lại ông Kishida vào chức vụ thủ tướng. Thượng Viện ngay sau đó cũng đã thông qua việc tiếp tục giao cho ông Kishida quyền lãnh đạo chính phủ. 

Theo hãng tin AFP, thành phần tân nội các được thủ tướng Kishida công bố hôm nay hầu như không có gì thay đổi, chỉ có ngoại trưởng là người mới: Ông Yoshimasa Hayashi, 60 tuổi, được giao lãnh đạo ngành ngoại giao Nhật Bản, thay thế ông Toshimitsu Motegi, đã được bổ nhiệm làm tổng thư ký đảng Dân chủ Tự do sau cuộc bầu cử Quốc Hội. Ông Hayashi hiện đứng đầu nhóm nghị sĩ thúc đẩy quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc và đã được một số nhà phân tích xem là có quan điểm ôn hòa về quan hệ Tokyo-Bắc Kinh. 

Trong thành phần tân nội các của thủ tướng Kishida, chỉ có 3 phụ nữ trên tổng số 21 thành viên và trong Quốc Hội mới, số phụ nữ cũng rất ít : 45 người trên tổng số 465 dân biểu. Dân Nhật nghĩ thế nào về tình trạng này ?

Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval tường trình :

Tại Nhật Bản, các chính đảng không sợ bị phạt nếu có quá ít phụ nữ trong các danh sách ứng cử viên. Trong cuộc bầu cử Quốc Hội vừa qua, có đến 82% ứng cử viên là nam giới.

Những phụ nữ mà chúng tôi gặp trên đường phố lấy làm tiếc về điều đó, nhưng họ không hề ngạc nhiên. Người phụ nữ thứ nhất nói : « Ở đây, trong cuộc sống thường nhật, và tôi ghi nhận điều này mỗi ngày, đàn ông bao giờ cũng được đánh giá cao hơn phụ nữ. Một cách logic, trong chính trị cũng như thế thôi ». Người phụ nữ thứ hai tỏ vẻ bi quan : « Chắc chắn sẽ là không thể một sớm một chiều có ngay bình đẳng nam nữ ở Nhật Bản. Đây là một xã hội mang tính gia trưởng quá mạnh ». Phụ nữ thứ ba thì ghi nhận : « Phái nữ có quá ít người trong chính giới, các nam chính khách của chúng ta tha hồ có những lời lẽ xem thường phụ nữ mà không sợ bị trừng phạt. » 

Tuy nhiên, một số nam giới cũng không đồng tình với một nền chính trị trọng nam khinh nữ như thế. Một người phát biểu : « Thật đáng xấu hổ và chính vì điều này mà Nhật Bản vẫn luôn đội sổ trong bảng xếp hạng về bình đẳng nam nữ trên thế giới. Theo tôi, chỉ có thể giải quyết vấn đề này bằng cách ban hành một hệ thống quota. »  Người thứ hai thì nhận xét : « Đảng bảo thủ cầm quyền đâu để ý gì đến bình đẳng giới, không thể trông chờ họ điều gì. Nếu mọi người muốn thay đổi thì đừng có bỏ phiếu cho họ trong mỗi kỳ bầu cử, mà nên làm như tôi, tức là bầu cho phe đối lập. »

Còn theo kết quả các cuộc thăm dò, có đến 46% dân Nhật bằng lòng với tình trạng bất bình đẳng nam nữ này trong chính trị. 46% tức là nhiều hơn tỷ lệ 42% không chấp nhận tình trạng đó. 

Bài Liên Quan