Trung Quốc: Nghị quyết lịch sử đưa Tập Cận Bình lên ‘ngang hàng Mao và Đặng’

Trung Quốc: Nghị quyết lịch sử đưa Tập Cận Bình lên ‘ngang hàng Mao và Đặng’

4 giờ trước

Tập Cận Bình

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã thông qua một “nghị quyết lịch sử”, củng cố địa vị của Chủ tịch, Tổng Bí thư Tập Cận Bình trong lịch sử chính trị đất nước.

Hội nghị thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng”.

Đây là bản tóm tắt lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản, đề cập đến những thành tựu chính và định hướng tương lai của Đảng.

Văn kiện này cũng khẳng định Trung Quốc sắp bước vào một thời đại mới, 100 năm nữa, dưới sự lãnh đạo của Đảng CS.

Kể từ khi thành lập đảng cộng sản, đây mới là lần thứ ba Trung Quốc có Nghị quyết đặc biệt đến vậy. Lần đầu tiên là được Mao Trạch Đông thông qua năm 1945 và nghị quyết thứ hai được Đặng Tiểu Bình thông qua năm 1981.

Giới quan sát phương Tây cho rằng Nghị quyết công bố ngày 11/11/2021 nhằm xác lập ông Tập ngang hàng với người sáng lập đảng Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình

Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 là cuộc họp lớn cuối cùng trước thềm đại hội đảng toàn quốc vào năm tới.

Năm 2022, người ta cho rằng ông Tập Cận Bình sẽ dễ dàng được đảng thông qua nhiệm kỳ tổng bí thư lần ba.

Để kéo dài quyền lực

Năm 2018, Trung Quốc đã bỏ đi giới hạn hai nhiệm kỳ cho chức chủ tịch nước – động thái này khi đó được cho là để giúp ông Tập kéo dài quyền lực.

Adam Ni, biên tập viên của China Neican, một bản tin về các vấn đề thời sự của Trung Quốc, cho biết: “Ông Tập đang cố gắng hóa thân thành anh hùng trong sử thi về hành trình dân tộc của Trung Quốc.”

“Bằng cách thúc đẩy thông qua một nghị quyết lịch sử đặt mình vào trung tâm của câu chuyện lớn về Đảng và Trung Quốc hiện đại, ông Tập đang thể hiện quyền lực của mình. Nhưng nghị quyết cũng là một công cụ giúp ông giữ quyền lực,” ông Adam Ni nói.

Tiến sĩ Chong Ja Ian từ Đại học Quốc gia Singapore cho biết động thái mới nhất khiến ông Tập trở nên khác biệt so với các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây.

Tiến sĩ Chong nói: “[Các cựu lãnh đạo] Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chưa bao giờ có nhiều quyền lực như ông Tập.”

Nghị quyết đầu tiên, được thông qua tại hội nghị toàn thể đảng năm 1945, có tên “Nghị quyết về một số câu hỏi trong lịch sử Đảng ta”, đã giúp Mao Trạch Đông củng cố quyền lãnh đạo trước khi tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949.

Khi Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền lãnh đạo vào năm 1978, ông đã khởi xướng nghị quyết thứ hai vào năm 1981, có tên “Nghị quyết về một số câu hỏi trong lịch sử Đảng ta kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

Đây là lúc ông chỉ trích những “sai sót” của Mao trong cuộc Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976, dẫn đến cái chết của hàng triệu người.

Đặng cũng là người đặt nền móng cho các cải cách kinh tế của Trung Quốc.

Tập Cận Bình
Chụp lại hình ảnh,Tập Cận Bình

Nghị quyết nói gì?

Hội nghị toàn thể lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 đã diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 8 tới 11/11.

Tham dự hội nghị có 197 ủy viên chính thức, 151 ủy viên dự khuyết.

Hội nghị thông qua “Nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về những thành tựu quan trọng và kinh nghiệm lịch sử trong 100 năm phấn đấu của Đảng”, thông qua “Nghị quyết về triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của Đảng”.

Thông cáo của Đảng nói: “Đồng chí Tập Cận Bình đã suy nghĩ sâu xa và phán đoán khoa học đối với một loạt lý luận quan trọng và vấn đề thực tiễn liên quan tới phát triển sự nghiệp của Đảng và nhà nước trong thời đại mới, đề xuất một loạt quan điểm mới, tư tưởng mới, chiến lược mới về quản lý đất nước mang tính sáng tạo gốc về những đề tài quan trọng của thời đại như kiên trì và phát triển chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc như thế nào trong thời đại mới.”

“Đảng xác lập vị thế hạt nhân của đồng chí Tập Cận Bình trong Trung ương Đảng và toàn Đảng, xác lập vị thế chỉ đạo của Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới,” thông cáo cho hay.

Illustration of Chinese patriotic bloggers
Chụp lại hình ảnh,Dư luận viên TQ tấn công ai dám nói trái ý chính quyền – hình minh họa của BBC

Theo thông cáo sau hội nghị, “toàn Đảng cần phải kiên trì chủ nghĩa Marx-Lenin, Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình, Tư tưởng quan trọng “Ba Đại diện”, Phát triển quan khoa học, quán triệt toàn diện Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc thời đại mới”.

Trang CRI bản tiếng Việt từ Bắc Kinh cùng ngày đăng toàn văn Nghị quyết, trong đó có đoạn nhắc tới thời kỳ mới, 100 năm nữa mà người dân TQ phải cùng Đảng CS phấn đấu vì sự nghiệp phục hưng vẻ vang.

“…Ra sức tôn vinh tinh thần xây dựng Đảng vĩ đại, không quên sự khổ đau và huy hoàng của ngày hôm qua, xứng đáng với đảm đương và sứ mệnh của ngày hôm nay, xứng đáng với giấc mơ vĩ đại của ngày mai, lấy sử làm gương, mở ra tương lai, chăm chỉ làm việc, anh dũng tiến lên, phấn đấu bền bỉ nhằm thực hiện mục tiêu phấn đấu một trăm năm thứ hai, thực hiện Giấc mơ Trung Quốc về sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa.”

Bài Liên Quan