Belarus sắp hứng thêm đòn phạt thứ năm

Belarus sắp hứng thêm đòn phạt thứ năm

Liên quan đến cuộc khủng hoảng di dân, báo chí Pháp hôm nay đồng loạt cho biết Liên Hiệp Châu Âu sắp ra loạt trừng phạt thứ năm nhắm vào Belarus. Cụ thể, đó là những đòn phạt gì ?

Đúng vậy, « Liên Hiệp Châu Âu gia tăng các đòn phạt nhắm vào Minsk », như thông báo của Le Figaro. Trong tầm ngắm là những vật và các thực thể Belarus cũng như là các thực thể nước ngoài đồng lõa đưa di dân sang Belarus như các hãng lữ hành, hãng hàng không hay sân bay, thậm chí cả các hãng bảo trì, tu dưỡng máy bay… Danh sách dài ít nhất 30 tên sẽ được công bố trong những ngày sắp tới. Một biện pháp trừng phạt chưa từng có của EU.

Cho đến lúc này, các biện pháp trừng phạt của EU đã nhằm vào 166 nhân vật và 15 thực thể Belarus, trong đó có ông Alexandre Loukachenko, con trai ông và cũng là cố vấn an ninh quốc gia, Viktor Loukachenko, cũng như là nhiều nhân vật chủ chốt khác của chế độ, các thành viên của hệ thống tư pháp và các tác nhân kinh tế.

La Croix trong một bài giải mã, nhắc lại những biện pháp hạn chế đầu tiên nhắm vào các nhân vật Belarus bắt đầu từ tháng 9/2004. Tháng 8/2020, EU mới đưa ra những biện pháp trừng phạt thật sự (phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh vào EU), do những cuộc trấn áp đối lập sau cuộc bầu cử tổng thống. Đến tháng 5/2021, EU gia tăng trừng phạt sau vụ cưỡng ép hạ cánh một chuyến bay Ryanair xuống Minsk để bắt nhà đối lập chính trị Roman Protasevich và vợ sắp cưới của anh, Sofia Sapega.

Trong cuộc khủng hoảng di dân lần này, EU tố cáo chính quyền Belarus cố tình lôi kéo di dân bằng cách cấp visa du lịch qua trung gian của hãng lữ hành nhà nước Belarus là Tsentrkurort. Hãng hàng không quốc gia Belavia tăng số chuyến nối các tuyến giữa Trung Đông và Minsk. Trong vụ việc này còn có sự đồng lõa của nhiều hãng hàng không khác, đưa di dân đi từ Istanbul, Beyrouth, Damas, Teheran, Cairo, Dubai, Doha đến Minsk.

Do vậy, theo Les Echos, chuỗi trừng phạt thứ năm này còn là một lời cảnh cáo của khối 27 nước dành cho những nước nào đang « mơ nghĩ » đến việc dùng dòng di dân như là một công cụ chính trị để gây bất ổn biên giới EU, như Maroc chẳng hạn sau vụ mở cửa cho di dân ùa sang Ceuta hồi tháng 5/2021, sau việc Madrid đón nhận lãnh đạo phong trào đối lập Front Polisario.

Cuối cùng, Le Figaro cho biết thêm là, một số nước thành viên nghi ngờ rằng đòn tấn công này của Belarus, được Nga che chở, còn nhằm mục tiêu đánh lạc hướng những gì đang diễn ra hiện nay ở biên giới Ukraina : Cả một đạo quân hùng hậu ấn tượng đã được Nga điều đến nơi này. Paris và Luân Đôn hôm qua kêu gọi Matxcơva nên « kềm chế ».

Bài Liên Quan