Sợ bị quên lãng, TT Nga Putin không dễ để yên cho Mỹ chú tâm đối phó với Trung Quốc

Sợ bị quên lãng, TT Nga Putin không dễ để yên cho Mỹ chú tâm đối phó với Trung Quốc

Đăng ngày: 25/11/2021

Thùy Dương

Điều mà tổng thống Nga Vladimir Putin không thích là ông bị rơi vào quên lãng. Theo cách riêng của mình, trong những tuần gần đây, tổng thống Nga Vladimir Putin đã gợi nhắc lại một kỷ niệm cho Mỹ, cường quốc hàng đầu thế giới, vốn sợ mất địa vị này đến mức hiện giờ chỉ chú tâm vào đối thủ mới Trung Quốc.

Trong mục Địa chính trị, Thời luận, cây bút Sylvie Kauffmann của Le Monde nhắc lại hồi năm 2014 tổng thống Mỹ Barack Obama đã phạm sai lầm khi gọi Nga là « cường quốc khu vực », đồng nhiệm Vladimir Putin cảm thấy bị xúc phạm vì hành động « thiếu tôn trọng » này. Kể từ đó, Putin đã làm mọi việc để chứng minh với các nhà lãnh đạo Mỹ rằng đất nước ông, cho dù không còn rộng lớn như Liên Xô trước kia, vẫn có vai trò trên toàn thế giới.

Sự « tôn trọng » kể trên, trong suy nghĩ của ông chủ điện Kremlin, được thể hiện chủ yếu qua các cuộc gặp thượng đỉnh, như thời của hai siêu cường Mỹ và Liên Xô. Trong hai thập niên cầm quyền, phương pháp của Vladimir Putin là nếu hội nghị thượng đỉnh chậm được tổ chức thì luôn có cách để thúc đẩy nó sớm diễn ra hơn. Theo phương pháp này, vào tháng 9/2015, trong bối cảnh bị Tây phương tẩy chay vì sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina hồi năm 2014, tổng thống Nga đã lần đầu tiên điều máy bay tiêm kích Sukhoï đến vùng trời Syria, làm tiền đề cho sự can thiệp nhằm hỗ trợ chế độ Assad. Ngày 28/09/2015, lần đầu tiên sau hai năm tổng thống Nga Putin đã có cuộc gặp với đồng nhiệm Mỹ Obama. 

Putin luôn tìm ra cách …

Đến thời Joe Biden, ông Putin biết rằng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như từng diễn ra với Donald Trump. Quả thực, vào ngày 22/03, theo thông báo của Matxcơva, Nhà Trắng đã từ chối một đề nghị tổ chức thượng đỉnh trực tuyến. Đến đầu tháng 4, Kiev và tình báo phương Tây quan sát thấy Nga tập trung rất đông quân ở dọc biên giới với Ukraina. Câu hỏi về ý đồ của điện Kremlin đã được đặt ra.

Không lâu sau đó, câu trả lời đã có : vào ngày 13/04, Biden đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Putin. Thượng đỉnh sau đó diễn ra vào 16/06, tại Genève, Thụy Sĩ. Trong thời gian đó, quân lính mà Nga điều thêm đến biên giới đã được rút hết. Về phía tổng thống Mỹ, tin rằng đôi bên đã hiểu đâu là các lằn ranh đỏ mà đối phương vạch ra, Joe Biden trở về Washington với cảm giác đã giải quyết xong vấn đề liên quan đến châu Âu để có thể tập trung vào chiến dịch rút lui khỏi Afghanistan, và sau đó có thể « toàn tâm toàn ý » vào mục tiêu Trung Quốc.

Tuy nhiên, theo nhà báo Sylvie Kauffmann, tính toán như vậy là quá lạc quan. Hai sự kiện không lường trước ở châu Âu đã khiến mọi việc không diễn ra như ý Washington. Thứ nhất, Paris bị tổn thương về thông báo thành lập liên minh AUKUS cho rằng bị đồng minh Mỹ phản bội. Thứ hai, đối với điện Kremlin, vẫn còn một chủ đề lớn chưa được giải quyết : Ukraina. Vì thế, giới ngoại giao Mỹ đã buộc phải quay trở lại châu Âu vào mùa thu. Các phái đoàn quan chức cao cấp của Mỹ đã phải đến Paris để khắc phục hậu quả liên quan tới liên minh AUKUS. Đến tháng 11, đại diện CIA Mỹ, một người am hiểu về Nga, đã đến Matxcơva, bởi vì Nga lặp lại kịch bản điều thêm quân đến biên giới với Ukraina.

Ai ám ảnh ai ?

Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hôm 22/11 lưu ý tại một diễn đàn của Quỹ Körber ở Berlin, rằng Nga và Mỹ đang chuẩn bị một cuộc gặp thượng đỉnh mới và nhận định « sẽ rất tốt nếu điều đó sớm diễn ra ». Joe Biden đã có cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi giữa tháng 11. Theo logic của điện Kremlin, ông Biden cũng sẽ phải có cuộc họp với tổng thống Nga Putin : Washington bị ám ảnh bởi Trung Quốc, ngược lại Matxcơva lại bị Mỹ ám ảnh.

Để nhắc nhở Washington, ngày 18/11 Vladimir Putin đã có một bài phát biểu tại bộ Ngoại Giao Nga, chỉ trích gay gắt phương Tây đã lơ là các « lằn ranh đỏ » về Ukraina và về sự mở rộng NATO sang phía đông. Theo ông Putin, Nga gặp rắc rối với « những đối tác không đáng tin cậy và dễ dàng từ bỏ các cam kết của họ ». Le Monde kết luận dù là trò chơi ngoại giao đi chăng nữa, tình hình ở trung tâm châu Âu đang biến động một cách nguy hiểm và không dễ để Washington thoát ra.  

Bài Liên Quan