Liên Âu muốn cải cách, hạn chế tự do di chuyển trong Không Gian Schengen

Liên Âu muốn cải cách, hạn chế tự do di chuyển trong Không Gian Schengen

Đăng ngày: 17/12/2021

Chi Phương

Các cuộc tấn công khủng bố, áp lực di cư, các biện pháp kiểm soát biên giới giữa các quốc gia do đại dịch Covid-19 buộc các nước thành viên của Không Gian Schengen phải thiết lập lại các biện pháp kiểm soát biên giới, cả bên trong và bên ngoài khối. Hôm thứ Ba, 14/12/2021, Ủy Ban Châu Âu đã trình bày một dự án cải cách, vài ngày sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron, với tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, kể từ 01/01/2022, trình bày kế hoạch cải cách Không Gian Schengen.

“Chúng ta phải tìm lại giá trị của một châu Âu có thể bảo vệ biên giới của mình tốt hơn, nhất là đối với vấn đề về nhập cư, đặt chúng ta vào tình thế phải tìm lại một tổ chức chính trị cho phép chúng ta bảo vệ những giá trị của châu Âu.” 

Để bảo vệ những giá trị của châu Âu mà tổng thống Pháp nói đến trong bài phát biểu trên đây, hôm thứ Năm, 9/12 về kế hoạch của Pháp trong vai trò nắm giữ chức chủ tịch luân phiên Liện Hiệp châu Âu, Emmanuel Macron mong muốn cải cách Không Gian Schengen và thiết lập một cơ chế “chỉ đạo chính trị” (pilotage politique) theo các quy phạm của châu Âu. Các nước thành viên cần họp thường xuyên hơn, để thống nhất các cơ chế đoàn kết hỗ trợ nhau, nhất là vai trò của Frontex, cơ quan bảo vệ bờ biển và biên giới châu Âu, để tăng cường kiểm soát biên giới.

Kiểm soát danh tính ở biên giới nội bộ khối

Theo hướng này, Ủy Ban Châu Âu hôm thứ Ba, 14/12/2021, đã đề xuất cơ chế “chỉ đạo chính trị” cho khu vực Schengen, thông qua các cuộc họp liên bộ thường xuyên, và đưa ra một loạt đề xuất các cải cách trong khu vực miễn trừ hộ chiếu này. Theo đó, các quốc gia thành viên có thể tiến hành kiểm tra biên giới bất cứ khi nào họ muốn. Trong khi Schengen, về nguyên tắc là một khu vực tự do di chuyển không có kiểm soát biên giới nội bộ giữa 26 quốc gia (22 quốc gia EU cộng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ).

Các đề xuất cải cách theo nhật báo kinh tế Les Echos, là để “củng cố” và “sửa chữa”, theo một cách nào đó, ngôi nhà chung của 420 triệu người. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bruxelles, phó chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, ông Margarítis Schinás, khẳng định Schengen là một trong những “viên ngọc quý giá trên vương miện của Liên Âu” ,với đơn vị tiền tệ duy nhất và thị trường nội bộ chung.

Từ khi thành lập vào năm 1995,  Không Gian Schengen trở thành một trong những trụ cột của Liên Âu. Công dân trong khối có quyền tự do đi lại giưa các quốc gia thành viên mà không cần xuất trình hộ chiếu, họ có thể sống, học tập và làm việc thậm chí nghỉ hưu ở bất kỳ quốc gia nào trong Schengen. Khách du lịch và các doanh nghiệp cũng được hưởng các quyền này. Ban đầu chỉ có năm quốc gia tham gia khu vực không biên giới, Không Gian Schengen sau đó được mở rộng ra thành 26 quốc gia như ngày nay. Tuy nhiên không thể không nhắc đến những vấn đề mà khối gặp phải từ vài năm trở lại đây, ông Margaritis cho biết :

“Đối với Không Gian Schengen, chúng ta đều biết rằng khối đã phải trải qua nhiều thử thách, đó là khủng hoảng nhập cư năm 2015, do sự sụp đổ của Syria, hay các làn sóng tấn công khủng bố tại châu Âu, rồi sau đó đến khủng hoảng do đại dịch Covid-19 , tất cả các sự kiện trên đã thử thách Schengen, chính vì thế chúng ta cần phải cứu lấy giấc mơ của Schengen và tiến hành cải cách”.

 

Nội bộ chia rẽ

Cụ thể là, trong đại dịch Covid-19, một số quốc gia thành viên đã áp dụng các biện pháp hạn chế khác nhau dẫn đến tình trạng chia rẽ và gây phức tạp đời sống của nhiều lao động vùng biên giới.  Có khoảng 1,7 triệu người sống ở một quốc gia nhưng làm việc ở quốc gia khác. Mỗi ngày có khoảng 3,5 triệu người vượt biên nội địa. Các biện pháp hạn chế này đã phá vỡ chuỗi cung ứng và cản trở hoạt động kinh tế của thị trường nội địa Schengen. Sáu quốc gia trong khối, trong đó có Pháp, Áo và Đức, đã sửa đổi một số luật kể từ năm 2015 để thiết lập lại việc kiểm tra danh tính ngẫu nhiên ở biên giới.

Thêm vào đó, cuộc tấn công “hỗn hợp” (hybride) mà Belarus châm ngòi, đẩy dòng người di cư đến biên giới Ba Lan, Litva và Latvia, để gây áp lực vì lệnh trừng phạt của Liên Âu áp đặt lên quốc gia này, Bruxelles muốn thiết lập một cơ chế mà các quốc gia thành viên có thể tự giải quyết. Phải kể đến đầu tiên là việc hạn chế số lượng các điểm kiểm tra biên giới và tăng cường giám sát vùng biên. Ủy Ban Châu Âu cũng đưa ra khả năng từ chối nhập cảnh và từ chối các biện pháp bảo vệ đối với người xin tị nạn : đưa những người di cư bất hợp pháp trở lại quốc gia thành viên láng giềng, nếu có dấu hiệu cho thấy, người này đã đến nước đó trước, thay vì trục xuất về nước sở tại. Cho đến nay, để có thể làm được như vậy, thì cần phải có thỏa thuận song phương giữa các nước thành viên, như trường hợp của Pháp và Tây Ban Nha. Đề xuất trên làm cho nó trở thành một quy tắc chung trong khối.

Trả lời nhà báo Jean-Baptiste Marot của RFI về vấn đề này, ông Jérome Vignon, tư vấn về di cư tại viện nghiên cứu Jacques Delors đưa ra nhận định như sau :

Tôi nghĩ rằng cần phải thống nhất về cách thức tiếp nhận hay không tiếp nhận những người nhập cư bất hợp pháp, bởi vì tất cả các yêu cầu xin tị nạn của những người di cư này không chắc chắn là yêu cầu xin tị nạn. Và để kiểm soát được tình trạng này tốt hơn, cần phải cùng nhau kiểm soát biên giới trong nội bộ của khối, và thiết lập sự tương quan về tình đoàn kết giữa các nước thành viên. Việc cho phép tị nạn vào Schengen có thể thực hiện được nếu Schengen có thể giải quyết tốt hơn những người xin tị nạn, nếu không, thì Schengen nên đóng cửa với những người xin tị nạn.

Báo New York Times nhắc lại việc châu Âu chật vật đối phó với khủng hoảng tị nạn năm 2015 đã làm chia rẽ nội bộ khối và làm suy yếu vị thế của Liên Âu. Tuy nhiên cuộc khủng hoảng tại biên giới Ba Lan – Belarus đã khiến các quốc gia, đoàn kết giữ lập trường thống nhất trong việc ủng hộ Ba Lan. Ngay cả khi lực lượng Ba Lan sử dụng vòi rồng để đẩy người di cư trở lại Belarus.

Giám sát biên giới bằng máy bay không người lái

Theo các quy định mới, các nước thành viên có thể mở rộng giám sát, bao gồm cả bằng máy bay không người lái và cảm biến chuyển động, có thể xử lý hầu hết các yêu cầu xin tị nạn trực tiếp tại biên giới và kéo dài thời gian đăng ký cho các đơn xin tị nạn từ 10 ngày lên bốn tuần. Ủy Ban đã đề xuất các biện pháp tương tự vào đầu tháng 12/2021 đối với các nước láng giềng Belarus – Ba Lan, Latvia và Litva. Các quy tắc mới có thể được đưa ra khi một quốc gia giáp ranh với Liên Âu bị phát hiện là “tổ chức và tạo điều kiện cho di cư bất thường một cách giả tạo”, sử dụng dòng người di cư như một công cụ cho các mục đích chính trị, để gây bất ổn cho Liên Âu và các quốc gia thành viên của khối.

Theo nhật báo Mỹ, nhiều ý kiến tán thành việc khu vực miễn hộ chiếu cần phải được cải cách. Nhưng các nhà phân tích cho rằng các đề xuất đưa ra sẽ khiến Liên Âu tự làm suy giảm đi các thành tựu chính mà khối đã đạt được, đó là quyền tự do đi lại của công dân trong khối và tự do lưu thông hàng hoá. Một số nhà quan sát còn cho rằng những thay đổi này cũng thể hiện sự suy giảm đáng kể đối với các biện pháp bảo vệ nhân quyền mà Liên Âu luôn đề cao.

Các cải cách mà Ủy Ban Châu Âu đề xuất như trên cần thời gian để đi vào thực thi. Bởi vì, bất kỳ sự sửa đổi nào trong các điều khoản của Schengen đều yêu cầu phải có đa số phiếu đủ điều kiện (15 trong số 27 quốc gia, đại diện cho ít nhất 65% dân số).Theo báo La Croix, Ba Lan đã giữ khoảng cách với những đề xuất thay đổi này. Tiếp theo, có thể là những nước khác. Bởi vì đề xuất trục xuất ngay lập tức người nhập cư bất hợp pháp đến một nước thành viên khác mà người này đặt chân đến trước đó không thuyết phục được các quốc gia Địa Trung Hải. Hơn nữa, nhật báo công giáo nhấn mạnh rằng lập trường của Ủy Ban dường như xa rời hợp đồng liên minh mới của Đức. Tại Berlin, chính phủ của Olaf Scholz lần đầu tiên tổ chức họp Hội Đồng Châu Âu vào ngày 16 và 17 tháng 12, ủng hộ “sự phân bổ công bằng về trách nhiệm và năng lực trong các vấn đề hiếu khách giữa các quốc gia của Liên Âu”.

Bài Liên Quan