Kazakhstan: Bất ổn thách thức Putin và ‘làm giảm căng thẳng về Ukraine’?

Kazakhstan: Bất ổn thách thức Putin và ‘làm giảm căng thẳng về Ukraine’?

Kazakhstan: Vì sao lại xảy ra bất ổn trên toàn quốc?

Tổng thống Kazakhstan ra lệnh cho quân đội và an ninh “nổ súng không cảnh báo” để vãn hồi trật tự tại thủ đô Almaty sau 24 giờ bất ổn.

Ông Kassym-Jomart Tokayev, người được cựu lãnh đạo lâu năm Nursultan Abishevich Nazarbayev chọn để kế nhiệm, nói “20 nghìn tên cướp” đã tấn công thủ đô.

Nhiều toà nhà chính phủ bị đốt cháy và con số thương vong hai bên – phe biểu tình, và quân chính phủ – tuy không cao, nhưng tình hình có vẻ chỉ mới tạm yên, theo tin tức từ Almaty 07/01/2022.

Theo Bộ Nội vụ Kazakhstan, có 26 “tên tội phạm vũ trang” bị bắn chết và 18 quân chính phủ thuộc bộ này bị thiệt mạng.

Tuy thế, trong phát biểu truyền hình, Tổng thống Tokayev dùng một loạt cụm từ khác nhau để cáo buộc phe biểu tình.

Một mặt ông gọi họ là “đảng cướp” – hàm ý là các nhóm tội phạm hình sự thuần tuý không phải chính trị.

Mặt khác, ông nói có “chúng có hỗ trợ của các trại huấn luyện của khủng bố nước ngoài”.

Ông Tokayev thừa nhận chừng 2.500 quân Nga đã có mặt giúp giải quyết “bạo loạn”.

Ông cũng cảm ơn tổng thống Nga Vladimir Putin đã cử lực lượng dù tới trợ giúp, trong khuôn khổ hiệp ước tương trợ của nhóm CSTO (Collective Security Treaty Organisation-Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể).

Báo Nga cùng thời gian cho hay số quân cử đến hôm qua là 3 nghìn và điều “khó xử” cho Moscow là rất nhiều sư đoàn tác chiến vừa được điều từ vùng núi Urals giáp Kazakhstan về phía Tây, để “diễn tập” sát biên giới Ukraine.

Riot police in Almaty
Chụp lại hình ảnh,Quân đội và an ninh được lệnh “nổ súng không cảnh báo” để vãn hồi trật tự tại thủ đô Almaty sau 24 giờ bất ổn

Tác động ở khu vực ảnh hưởng truyền thống của Moscow

Các báo châu Âu cho rằng trong số quân Nga đem vào Almaty hôm 06/01 có cả lính Belarus, thành viên CSTO.

Đây là khối liên minh do Nga thành lập năm 1992, sau khi Liên Xô tan rã, và gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Các nhà bình luận châu Âu chú ý rằng lần này, khác với các vụ biểu tình, bất ổn tại Ukraine, Belarus trước đây, Nga cho quân vào Kazakhstan ngay lập tức.

Năm 2014, khi xảy ra phong trào Maidan ở Ukraine, lật đổ tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych, Moscow đã không can thiệp ngay và ông Yanukovych phải bỏ chạy sang Nga, mất quyền lực.

Quân Nga chỉ chiếm Crimea sau đó, và can thiệp vào Đông Ukraine ở thế chịu “sự đã rồi” khi chính quyền ở Kiev đổi chủ.

Năm 2020, khi có biểu tình đòi dân chủ, phản đối Tổng thống Aleksandr Lukashenko, Nga cũng không can thiệp trực tiếp dù các nguồn tin cho rằng ông Putin ngầm hỗ trợ ông Lukashenko.

Việc cử quân tới Almaty nhanh chóng cho thấy thách thức của tình hình Kazakhstan với Tổng thống Putin là rất lớn.

Thậm chí, diễn biến tại Almaty có thể khiến Nga không dám “động binh” ở Ukraine nếu như Kremlin đã có kế hoạch bí mật như vậy.

Kassym-Jomart Tokayev
Chụp lại hình ảnh,Ông Kassym-Jomart Tokayev, 53 tuổi, được cựu lãnh đạo lâu năm Nursultan Nazarbayev chọn để kế nhiệm, lên làm tổng thống Kazakhstan tháng 3/2019

Viết trên trang Deutsche Welle của Đức (06/01), nhà bình luận người Nga Andrey Gurkov cho rằng “sự hung hăng của Putin ở Ukraine sẽ giảm”:

Hoạt động quân sự của Nga trên lãnh thổ Ukraine sẽ khó thành hiện thực vì hai lý do. Một là hành động can thiệp quân sự vào Ukraine có thể khiến nổ ra bất ổn nội bộ tại Nga, như tại Kazakhstan vừa qua. Hai là Nga phải tập trung vào giúp chính quyền Kazakhstan ổn định tình hình, vì không thể “chiến đấu” cùng lúc trên hai mặt trận.

Từ Moscow, Andrei Kortunov, giám đốc think-tank mang tên Russian International Affairs Council (RIAC), thân với Điện Kremlin, nói với trang Moscow Times rằng việc can thiệp của Nga là “cần thiết”.

Ông Kortunov nhắc lại các cuộc biểu tình năm 2020 ở Kyrgyzstan và cuộc tiến chiếm Kabul năm ngoái của quân Taliban ở Afghanistan và cho rằng “bất ổn nếu không kiểm soát được sẽ lan ra cả khu vực”.

Ý kiến này cho thấy trong cách nhìn của Kremlin, vấn đề Kazakhstan mang tính địa chính trị trong quan hệ với khu vực Hồi giáo, hơn là biểu tình dân chủ kiểu Phương Tây.

Có phải ‘Cách mạng màu’ hay không?

Kazakhstan cũng chưa xác định được vì sao biểu tình nổ ra dữ dội như vậy, và cũng không thấy có tổ chức nào đứng ra nhận đã gây ra cuộc xuống đường khiến vấn đề trở nên khó xác định.

Theo lời Tổng thống Tokayev nói, thì có hàng chục nghìn người tham gia biểu tình, thậm chí cướp súng bắn lại quân chính phủ. Gọi họ là “băng đảng tội phạm hình sự” xem ra khó tin.

Còn nếu có “yếu tố nước ngoài” thì là các phái Hồi giáo cực đoan hay nhóm nào khác?

Theo bà Emma Ashford, nhà nghiên cứu từ think-tank tại Hoa Kỳ – Atlantic Council’s Scowcroft Center for Strategy and Security, nói trong thảo luận trên trang Foreign Policy (06/01) khó có thể gọi bất ổn vừa rồi ở Kazakhstan là ‘cách mạng màu’ như từng xảy ra ở không gian hậu Xô-Viết những năm trước.

Đơn giản là người dân bị đẩy đến chỗ nổi loạn, sau ba thập niên chính quyền cai trị độc đoán, và kinh tế xuống dốc.

Nhà cựu lãnh đạo từ thời Liên Xô, Nursultan Nazarbayev duy trì chế độ kiểm soát quyền lực độc đoán sau khi quốc gia Trung Á này độc lập

Năm 2019, ông Nazarbayev từ chức tổng thống để cho một người trẻ hơn nhiều được ông chọn lên làm tổng thống: Kassym-Jomart Tokayev.

Nhưng cùng lúc, ông Nazarbayev vẫn duy trì quyền lực cho bản thân, ở vị trí chủ tịch hội đồng an ninh quốc gia, và cho gia đình riêng.

Getty Images
Chụp lại hình ảnh,Bà Dariga Nazarbayeva (áo hồng), trong cương vị phó thủ tướng, tháp tùng cha là Tổng thống Nazarbayev (thứ hai từ trái sang) trong chuyến thăm Anh Quốc hồi 4/2015

Ông cho con gái là Dariga Nazarbayeva, làm Chủ tịch Thượng viện, vị trí quyền lực thứ nhì trong nước.

Dù là nước xuất khẩu dầu, Kazakhstan lại khan hiếm năng lượng và giá xăng dầu cao là nguyên nhân trực tiếp làm bùng nổ cuộc biểu tình tuần này, theo các ý kiến trên trang Foreign Policy.

Cũng trên trang này, một nhà quan sát khác từ Hoa Kỳ, Matthew Kroenig cho rằng việc Putin đưa quân can thiệp ngay lập tức, trong khuôn khổ hợp tác an ninh CSTO với Kazakhstan, là điều “chưa từng có”.

Vì dù là cách mạng màu hay không, sự đe dọa lớn nhất với mọi thể chế độc đoán, đến từ xã hội chính nước đó.

Điều chắc chắn là ông Putin không muốn thêm một đồng minh bị hạ bệ, theo ý kiến của Andrey Gurkov.

Còn ông Kroenig thì nói vụ can thiệp vào Kazakhstan cho thấy lời lẽ của ông Putin chống lại “sự can thiệp của Nato giúp đồng minh phía Đông” trở nên nực cười:

“Biết gọi khẩu hiệu của họ CSTO ra sao đây? Nato có thể bảo vệ thế giới tự do trước các nhà độc tài muốn phục hồi quá khứ, còn đây chúng tôi ở CSTO đang bảo vệ các nhà độc tài trước dân chúng Kazakhstan bị áp bức?”

Từ Nga, ông Kortunov thừa nhận nếu sự can thiệp kéo dài, thì “vấn đề cho Nga sẽ gia tăng nhanh”.

Theo Moscow Times, Nga cần phải chú ý đến tâm ý bài người Nga ở xã hội Kazakhstan, nước hiện có con số không nhỏ người sắc tộc Nga định cư từ thời Liên Xô.

Hiện người gốc Nga chiếm 4,4 triệu trên tổng số 18 triệu công dân Kazakhstan và có đại diện trong nghị viện, các cơ quan chính quyền.

Trung Quốc, nước có đường biên giới chung và quan hệ tốt với chính quyền Kazakhstan cho đến nay coi đây là “tình hình nội bộ Kazakhstan”, theo lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Vương Văn Bân.

Ông Vương chỉ bày tỏ hy vọng “tình hình sớm ổn định”. Tuy thế, nếu bất ổn ở Kazakhstan kéo dài, Bắc Kinh chắc chắn cũng đau đầu như Moscow. Nhất là nếu như có các nhóm Hồi giáo cực đoan nào đó kêu gọi biểu tình tại Kazakhstan, thì Trung Quốc sẽ lo cho vấn đề Tân Cương của họ.

Map of Kazakhstan and neighbours
Chụp lại hình ảnh,Nằm ở vị trí chiến lược tại Trung Á, Kazakhstan (18 triệu dân) có biên giới với cả TQ và Nga

Chính quyền Bắc Kinh gần đây bị cáo buộc đàn áp người Uighur và cả một số nhỏ người Kazakh sống ở Tân Cương vì họ “theo chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”, theo ngôn từ của chính quyền.

Bài Liên Quan