Nga lo sợ Ukraina tiến gần đến dân chủ hơn là gia nhập NATO

Nga lo sợ Ukraina tiến gần đến dân chủ hơn là gia nhập NATO

Đăng ngày: 14/01/2022

Chi Phương

Tổ chức Human Rights Watch (HRW) hôm thứ Năm, 13/1/2022, đã công bố báo cáo hàng năm về tình hình nhân quyền trên gần 100 quốc gia. Về tình hình tại Nga, báo cáo cho biết Nga không chỉ tiếp tục đàn áp nhân quyền trong nước mà còn thể hiện ủng hộ với các chế độ chuyên quyền khác, phải kể đến các nước thuộc Liên Xô cũ. RFI giới thiệu bài trả lời phỏng vấn của ông Kenneth Roth, lãnh đạo của HRW, đăng trên báo Le Monde, ngày 14/01. 

Làm sao để lý giải về tình trạng bạo loạn xảy ra gần đây tại Kazkhstan và việc đàn áp do tổng thống Kassym-Jomart Tokayev chỉ đạo phối hợp, với sự ủng hộ của tổng thống Nga Vladimir Putin ?  

Những sự kiện này xuất phát từ hai động lực khác nhau. Thứ nhất, phải kể đến cuộc nổi dậy có quy mô lớn để phản đối giá nhiên liệu tăng. Cuộc phản kháng này rất nhanh chóng thể hiện sự bất mãn của người dân chống lại chế độ chuyên chế đang lãnh đạo nước này. Thứ hai, chỉ trong vài ngày, tình trạng này trở nên căng thẳng hơn khi gắn liền với cuộc tranh giành quyền lực giữa những người thân cận với tổng thống Tokayev và với cựu lãnh đạo Nursultan Nazarbayve.  

Không có gì đáng ngạc nhiên khi điện Kremlin rất quan tâm đến tình hình này. Mục đích là để tránh mọi khả năng dẫn đến tình trạng bất ổn, như là trường hợp xảy ở những nơi khác trong khu vực trong những năm gần đây khi phải đối mặt với các cuộc « cách mạng màu ». Do đó, các nỗ lực của quân đội Nga tập trung vào ba quốc gia trong khu vực này, đó là những nước đã có một « bước tiến dân chủ ». Kazakhstan cũng nằm trong diện này. Cũng giống như Belarus, tổng thống của nước này, ông Alexandre Loukachenko có thể đã thua trong cuộc bầu cử năm 2020, trước khi đàn áp mạnh mẽ phe đối lập của mình.  

Chỉ duy nhất Ukraina có thể đạt được tham vọng dân chủ của mình. Theo tôi, chính việc Ukraina tiến dần tới dân chủ khiến Vladimir Putin lo sợ, hơn nhiều mối đe dọa về việc nước này có thể gia nhập NATO. Sự cứng rắn của Matxcơva được giải thích bởi nỗi lo sợ về bất cứ hình thức thay đổi dân chủ nào, tại Nga cũng như tại các nước láng giềng.    

Liên quan đến Belarus, vào năm 2021, ông nghĩ thế nào về mưu toan sử dụng người di dân như công cụ chính trị, thông qua việc dồn họ đến biên giới với Ba Lan ?  

Đối với Alexandre Loukachenko, thực ra hành động này là để phản đối các biện pháp trừng phạt mà Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào nước này. Thế nhưng, toan tính « vô liêm sỉ » này đã không hiệu quả. Ông ta đã phải từ bỏ vì những người di cư tập trung tại biên giới không thể vượt biên sang Ba Lan được. Chính phủ Ba Lan đã nhân cơ hội này cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý của châu Âu về những hành vi lạm dụng của Vacxava, như việc cải cách hệ thống tư pháp đầy tranh cãi, đưa ra những luận điệu « bài ngoại ». Trong hồ sơ về Belarus, Liên Âu đã phản ứng một cách thảm hại khi Vacxava quyết định thẳng tay trục xuất di đân. Liên Âu làm ngơ coi như không thấy, giống như điều tương tự xảy ra ở Hy Lạp. Đó là một cách để vi phạm các công ước quốc tế về tị nạn.  

Trong thời gian Pháp đảm trách chủ tịch Hội Đồng Liên Âu, tôi hy vọng rằng Emmanuel Macron sẽ quan tâm đến việc bảo vệ các quy tắc này, cho dù tôi lo ngại là Macron chỉ tìm cách chống lại phe cực hữu trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.    

30 năm sau khi Liên Xô tan rã, ông lý giải thế nào về tình hình nhân quyền ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ có thể xấu đi đến vậy ?    

Phải phân biệt rõ các tình hình. Ví dụ, các quốc gia Baltic đã thay đổi hoàn toàn, trở thành các quốc gia dân chủ thực sự và gia nhập Liên Hiệp Châu Âu. Các quốc gia khác như Gruzia cũng đã đạt được nhiều tiến bộ, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn. Tại Trung Á, tình hình này lại khác. Từ lâu chúng ta đã « bỏ quên » những quốc gia này, mà lãnh đạo của họ vẫn tiếp tục duy trì những lề thói lãnh đạo dưới thời Liên Xô. 

Tại Nga, Vladimir Putin đã hưởng lợi từ phát triển kinh tế nhờ vào thu nhập từ dầu lửa. Từ một thập kỷ nay, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn, do kinh tế bị đình đốn. Để giải quyết vấn đề này, chủ nhân của điện Kremlin phải dùng lá bài « chủ nghĩa dân tộc », hay việc can thiệp vào Syria hay việc sáp nhập Crimée. Không chắc cách tiếp cận như vậy là đủ. Do vậy, Nga quan tâm đến việc đập tan mọi hình thức phản kháng.    

Trong báo cáo thường niên, HRW cũng lên án các cuộc bầu cử « ma » (zombie) do các chế độ chuyên chế thiết lập. Liệu ông có thể giải thích rõ hơn được không ?    

Đúng vậy, một số người coi sự chuyển biến này là bằng chứng về sức mạnh của những chế độ chuyên quyền, nhưng ngược lại, đó là sự thừa nhận yếu kém. Bởi vì công luận thường muốn nhiều dân chủ hơn. Khi các chế độ chuyên quyền biết rằng thao túng lá phiếu không đủ thì họ càng ngày càng sử dụng đến kiểu bỏ phiếu « ma » này. Họ bỏ tù những người đối lập, ngăn cản họ ứng cử, rồi tấn công vào xã hội dân sự để giữ gìn quyền lực. Cuối cùng họ đạt được mục đích của họ nhưng cuộc bầu cử lại không có bất kỳ tính hợp pháp nào. Đó là những gì mà Loukachenko đã làm ở Belarus và cũng là điều mà Putin đã làm sau khi bỏ tù Alexei Navalny và cho giải thể tổ chức nhân quyền Memorial – do tổ chức này đã điều tra về những tội ác được thực hiện dưới thời Liên Xô. Điều này như để gợi ý việc quay trở lại của các kiểu lãnh đạo « tàn bạo » như trước đây.   

Vậy các quốc gia dân chủ phải làm gì để đối mặt với những xu hướng «nặng nề» này ?  

 Dĩ nhiên cần phải đối thoại với Vladimir Putin, đặc biệt về các vấn đề an ninh. Nhưng cũng cần phải tỏ ra kiên quyết về quyền con người, không chỉ tập trung vào những vấn đề kinh doanh và thương mại. Trong trường hợp Nga xâm chiếm Ukraina, vấn đề đặt ra là có nên tạm ngừng đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 hay không ?  

Các nền dân chủ cần phải học cách đối phó với kiểu quyền lực chuyên chế này. Đúng là Nga cũng không khác gì Trung Quốc khi đã chấm dứt mô hình dân chủ ở Hồng Kông.  

Bài Liên Quan