Pháp – Mali: Rút hay giữ quân chống khủng bố, quyết định khó với Paris

Pháp – Mali: Rút hay giữ quân chống khủng bố, quyết định khó với Paris

Đăng ngày: 02/02/2022

Trọng Thành

Căng thẳng phương Tây – Nga với nguy cơ chiến tranh Ukraina lơ lửng tiếp tục là chủ đề chính của nhiều báo Pháp, nhưng đề tài nổi bật hàng đầu hôm nay là khủng hoảng quan hệ Pháp – Mali, sau khi tập đoàn quân sự Mali trục xuất đại sứ Pháp. Tương lai của lực lượng Pháp và châu Âu chống khủng bố tại vùng Sahel trở thành dấu hỏi lớn.  

Nhật báo Le Monde chạy tựa : “Tại Mali, tập đoàn quân sự đẩy nước Pháp ra ngoài”. Le Monde cho biết quan hệ căng thẳng “không ngừng gia tăng” giữa Paris và Bamako kể từ hai cuộc đảo chính liên tiếp trong hai năm vừa qua. Trong con mắt của chính quyền Pháp, giới tướng lĩnh Mali hoàn toàn “không có tính chính đáng”. Điểm đặc biệt quan trọng là Le Monde lưu ý là việc trục xuất đại sứ Pháp “đặt ra câu hỏi về tương lai sự hiện diện quân sự của Pháp tại quốc gia Tây Phi Mali trong khuôn khổ ‘Barkhane’ ’’. Barkhane là chiến dịch chống khủng bố Hồi giáo thánh chiến với sự tham gia của nhiều quốc gia phương Tây, phối hợp với một số quốc gia khu vực, trong đó có Mali, khởi sự từ năm 2014.

Hiện diện hợp pháp, nhưng uy tín Pháp giảm mạnh

Nhật báo Công giáo La Croix có bài xã luận “Thất bại tại Bamako” điểm lại những nét lớn của tình hình Mali. Trước hết là sự hiện diện hợp pháp của các đơn vị quân đội Pháp, với khoảng 4.500 quân tại vùng Sahel, gồm Mali, “được sự ủng hộ của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Châu Phi, Liên Hiệp Châu Âu, của tổ chức khu vực Tây Phi (CEDEAO)”. Tuy nhiên, trong xã hội Mali có một tình cảm chống Pháp mạnh do “an ninh bất ổn kéo dài”, và Pháp bị cáo buộc “có các quan hệ thông đồng với các chính quyền tiền nhiệm, về cơ bản là tham nhũng”.

“Thời gian bất lợi” cho chính quyền quân sự

La Croix nhấn mạnh, việc đại sứ Pháp bị một “quốc gia bạn hữu” trục xuất là một điều hiếm có, nhưng “không ai” ngạc nhiên về kết cục này, bởi từ nhiều tháng nay, giới tướng lĩnh Mali đã giữ khoảng cách với Pháp, và ngả sang Nga để yêu cầu hỗ trợ về quân sự. Trong bối cảnh này, La Croix tiên liệu là Pháp và các nước châu Âu khác “sẽ phải nhanh chóng thích ứng” với tình hình. La Croix cho biết thêm, hiện tại Liên Hiệp Quốc đang tài trợ cho một lực lượng bảo đảm an ninh gồm khoảng 15.000 người tại vùng Sahel, đến từ khoảng 60 quốc gia. Sự hiện diện của lực lượng này sẽ hết hạn tháng 6/2022.

Theo La Croix, thời gian sẽ ngày càng bất lợi cho tập đoàn quân sự tại Mali, cho dù trong hiện tại, giới tướng lĩnh vẫn được một bộ phận xã hội và đối lập chính trị Mali ủng hộ. Tuy nhiên, “hình ảnh ngày càng xấu đi của Mali với quốc tế, khả năng bạo lực tiếp tục gia tăng và các trừng phạt kinh tế của Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (Cedeao) có thể khiến uy quyền của tập đoàn quân sự bị sói mòn nhanh chóng, sẽ buộc các tướng lĩnh phải thương lượng”, La Croix dự báo.

Hoạt động chống khủng bố vẫn diễn ra bình thường

Le Figaro ghi nhận, trong lúc căng thẳng ngoại giao Pháp – Mali gia tăng, các lực lượng Pháp trong chiến dịch chống khủng bố Barkhane tại Mali vẫn hoạt động bình thường cứ như không có gì xảy ra. “Thật là ‘nghịch lý’ !’ là câu mở đầu của bài viết. Chủ Nhật vừa qua, bộ chỉ huy chiến dịch Barkhane cho biết đã tiêu diệt được “khoảng 60” phần tử thánh chiến trong các hoạt động phối hợp với Burkinafaso, quốc gia cũng vừa trải qua một cuộc đảo chính.

Tuy hoạt động quân sự chống khủng bố vẫn diễn ra bình thường, theo Le Figaro, sau 9 năm can thiệp tại khu vực, “nước Pháp dường như không còn được hoan nghênh tại Mali”. Và cùng với Pháp, các đơn vị châu Âu khác có mặt tại Mali trong khuôn khổ lực lượng chống khủng bố Takuba cũng vậy.  

Hy vọng giới tướng lĩnh Mali “tỉnh ngộ”

Các nước châu Âu cần có thái độ như thế nào về tương lai của các lực lượng chống khủng bố tại Mali, nếu giới quân sự Mali chọn lập trường chống đối ? Theo Le Figaro, câu trả lời không hề dễ dàng.

Các nước châu Âu sẽ không thể bỏ mặc vùng Sahel cho các tổ chức khủng bố, nhưng cũng không thể ở lại Mali với bất cứ giá nào, theo lãnh đạo ngoại giao Liên Âu. Nhiều người hy vọng, giới quân sự Mali “sẽ tỉnh ngộ, khi hiểu rằng họ không thể đi quá xa’’. Các trừng phạt quốc tế sẽ khiến Mali bị cô lập, khi không có tiền trả cho quân nhân và công chức, giới tướng lĩnh sẽ buộc phải suy nghĩ lại. Tuy nhiên, Le Figaro cũng nhấn mạnh là khó có thể liều lĩnh vạch ra một chiến lược cho tương lai khi dựa trên “sự thay đổi khó lường này” từ phía những người nắm quyền tại Mali.

“Pháp- Mali : Tương lai nào cho chiến dịch Barkhane” cũng là một trong các tựa trang nhất của Libération. Libération đặt Mali trong toàn cảnh khu vực, với nhận định, một khi rút khỏi Mali nước Pháp vẫn có thể duy trì lực lượng chống khủng bố tại Sahel ở một số quốc gia láng giềng, đặc biệt là tại Niger. Và về lâu dài, “giải pháp” cơ bản duy nhất vẫn là các lực lượng quân sự của các quốc gia tại chỗ tự đảm nhiệm vai trò này.

Thời điểm rút quân “rất thuận lợi” cho Pháp

Về tập đoàn quân sự Mali, Libération dẫn một nguồn tin quân sự Pháp, cho hay, hiện tại không biết rõ giới tướng lĩnh muốn làm gì, có muốn các đơn vị Barkhane ra đi hay không ? Điều rõ ràng là giới quân sự Mali tỏ ra kiên quyết đến cùng để làm hài lòng tâm lý dân tộc chủ nghĩa ở Mali. “Tỏ ra rất cương quyết, nhưng không đi quá xa”, nguồn tin quân sự nói trên nhận định. Trong bối cảnh này, Libération nhấn mạnh đến quan điểm “tốt hơn hết là nước Pháp nên rút quân trước, rút trước khi bị đuổi ra ngoài”.

Pháp nên sớm chủ động rút quân cũng là đánh giá của một trong hai chuyên gia, trả lời phỏng vấn báo La Croix. Theo bà Caroline Roussy, phụ trách chương trình « Afrique/s » của Viện Quan hệ Quốc tế (Iris), “có rất nhiều khả năng điện Elysée sẽ tuyên bố rút quân”. Bởi nếu việc rút quân diễn ra sau khi tập đoàn quân sự yêu cầu, thì tổng thống mãn nhiệm Emmanuel Macron sẽ rơi vào hoàn cảnh rất bất lợi trong lúc tranh cử tổng thống đang diễn ra. Thậm chí, theo chuyên gia Iris, quan hệ xấu đi với Bamako cũng tạo điều kiện cho việc Pháp rút khỏi “vũng lầy Mali”, mà không bị nhìn nhận như đầu hàng trước khủng bố thánh chiến.  

Pháp không thể nhường sân cho Nga: Bamako và Paris nên xét lại quan hệ

Ngược lại với quan điểm nói trên, trả lời La Croix, tiến sĩ Aly Tounkara, giám đốc Trung tâm nghiên cứu về An ninh và Chiến lược tại Sahel (CE3S), ở Bamako, cho rằng Pháp không thể nhường sân cho Nga tại Mali. Vị chuyên gia Mali lo ngại, tình hình căng thẳng ngoại giao hiện nay trong bối cảnh tranh cử có thể dẫn tổng thống Pháp đưa ra “những quyết định vội vã”. Ông dự báo, chiến dịch Barkhane của Pháp tại Mali “sẽ tiếp tục”, nhưng “sẽ có những thay đổi quan trọng trong tương lai gần”. Người nói đến việc rút hoàn toàn ngay lập tức lực lượng Barkhane là “không hiểu về lợi ích của Pháp tại Sahel, cũng như không hiểu thế cạnh tranh giữa các cường quốc quân sự khác nhau”, trước hết là giữa Pháp với Nga.

Theo tiến sĩ Aly Tounkara, Paris và Bamako rút cục sẽ tìm được đồng thuận trong những vấn đề cơ bản. Quan hệ giữa hai bên sẽ cần được định nghĩa lại và theo hướng đến sự bình đẳng. Nếu tiến trình này không diễn ra, chuyên gia Mali cảnh báo, quan hệ không chỉ xấu đi giữa Mali và Pháp, mà ảnh hưởng của Pháp tại các nước thuộc địa cũ tại châu Phi cũng xấu đi theo tác động dây chuyền.

Bài Liên Quan