Anh: Thêm yêu cầu Thủ tướng Johnson từ chức khi chờ cảnh sát điều tra ‘bê bối tiệc tùng’

Anh: Thêm yêu cầu Thủ tướng Johnson từ chức khi chờ cảnh sát điều tra ‘bê bối tiệc tùng’

3 tháng 2 2022

Chiếc ghế của Thủ tướng Boris Johnson đang bị lung lay
Chụp lại hình ảnh,Chiếc ghế của Thủ tướng Boris Johnson đang bị lung lay dù việc công bố phúc trình của Sue Gray cuối tháng 1/2022 giúp ông Johnson có thêm thời gian tại nhiệm

Nghị sĩ Tobias Ellwood của đảng Bảo thủ vừa hợp sức cùng một số dân biểu Nghị viện khác để yêu cầu ông Boris Johnson từ chức thủ tướng.

Ông Ellwood, đại diện cho hạt cử tri Bournemouth East nói ông sẽ nộp một lá thư bất tín nhiệm ông Boris Johnson lên ủy ban nội chính và kỷ luật của đảng Bảo thủ đang cầm quyền.

Theo điều lệ của đảng này, chỉ cần 54 nghị sĩ Quốc hội của đảng nộp đơn yêu cầu, thì đảng phải tổ chức bầu lại chức lãnh đạo.

Hôm thứ Ba tuần này, nghị sĩ Bảo thủ, ông Peter Aldous, nói ông sẽ làm tương tự là gửi thư yêu cầu ông Johnson từ chức.

Tobias Ellwood
Chụp lại hình ảnh,Cùng thuộc đảng Bảo thủ nhưng nghị sĩ Hạ viện Anh, Tobias Ellwood nói “ông không thể nào bào chữa mãi cho thủ tướng Johnson” và muốn có cuộc bỏ phiếu bất tính nhiệm

Cho đến nay, tuy thế mới chỉ có một nhóm nhỏ các nghị sĩ của đảng Bảo thủ Anh, gồm lãnh đạo đảng Bảo thủ ở Scotland, ông Douglas Ross, công bố tin tức rằng họ gửi thư lên Ủy ban mang tên “1922 Committee”, chuyên trách về kỷ luật của đảng này.

Hiện không rõ có bao nhiêu lá thư mà ủy ban nhận được.

Sự kiện ông Ellwood, nghị sĩ có uy tín lớn trong đảng Bảo thủ và trong dư luận Anh, công khai muốn thủ tướng từ chức, là “cú giáng vào uy tín của ông Johnson”, theo truyền thông Anh.

Từng là cựu thứ trưởng chuyên trách về quân khí trong Bộ Quốc phòng, và hiện là Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng, Hạ viện Anh – một vị trí đầy quyền lực – ông Ellwood còn là cựu quân nhân.

Ông nói với đài SkyNews là “ở tư cách nghị sĩ, tôi và các đồng nghiệp không thể bào chữa mãi cho thủ tướng trước dư luận” được nữa.

Người dân Anh phẫn nộ về vụ ‘Partygate’

Báo Anh nói vụ bê bối tiệc tùng trong Phủ Thu ̉tướng thời lockdown khiến một số nghị sĩ của đảng Bảo thủ bị dân chúng chửi rủa.

Có văn phòng dân biểu ở địa phương của nghị sĩ đảng Bảo thủ bị quét sơn lên tường với lời bôi bác đảng này.

Đảng Bảo thủ có tiếng là “không khoan nhượng” với các thành viên, kể cả thành viên giữ chức thủ tướng, nếu họ làm uy tín của cả đảng bị sứt mẻ.

Dù vậy, truyền thông Anh cho rằng có thể phải đợi đến tháng 5, khi bầu cử hội đồng địa phương ở Anh đem lại kết quả tồi tệ cho đảng Bảo thủ – trong cuộc đua giành ghế ở các hạt và huyện, thành phố – thì đảng này mới có đủ “bằng chứng” rằng dư luận muốn trừng phạt họ, và sẽ “quay ra xử lý thủ tướng Johnson”.

Một khi bị mất tín nhiệm bởi chính các dân biểu Quốc hội thuộc đảng của mình, thủ tướng Anh sẽ mất chức, nhưng vẫn là nghị sĩ.

Lúc đó, đảng cầm quyền sẽ bầu ra lãnh đạo mới, và người đó sẽ xin Nữ hoàng cho lập tân nội các.

Vụ ‘Partygate’ nói lên điều gì và sẽ đi về đâu?

Từ trước Giáng Sinh 2021, báo Anh tràn ngập tin “tiết lộ từ nội bộ” Phủ thủ tướng nói văn phòng ở số 10 Downing Street, London “mở nhiều tiệc tùng (party) bất chấp lệnh phong tỏa trong hai năm 2020, 2021.

Downing Street
Chụp lại hình ảnh,Căn nhà số 10 Downing Street nay trở thành ‘địa chỉ tai tiếng’ sau khi các vụ bia rượu thâu đêm thời Covid bị tiết lộ

Sức ép của dư luận bộ chính phủ Anh phải mở cuộc điều tra và dẫn tới kết quả là một phúc trình do quan chức cao cấp, bà Sue Gray được công bố hôm 31/01/2022.

Nội dung chính của phúc trình nói có 16 sự kiện được tổ chức từ tháng 5/2020 tới tháng 4/2021 tại số 10 Downing Street, tức Văn phòng Phủ thủ tướng, đồng thời là nơi ông bà Boris và Carrie Johnson sinh sống cùng hai con nhỏ.

Nay, trong số 16 sự kiện đó thì 12 sự kiện đang bị Cảnh sát Đô thành London (Met police) tiếp tục điều tra.

Điều khiến uy tín của ông sút giảm là đánh giá của phúc trình do bà Sue Gray thực hiện, nêu ra tình trạng “thất bại trong công tác lãnh đạo” (leadership) ở Phủ Thủ tướng.

Không chỉ có vậy, phúc trình này, được gửi cho chính Phủ Thủ tướng và Quốc hội, cho rằng tại nơi làm việc của ông Johnson “có thứ văn hóa uống bia rượu quá đà”, và “thiếu vắng các đánh giá đúng mực” về ứng xử thời cả nước chống dịch Covid.

Một số tờ báo coi tình trạng tại văn phòng của ông Johnson là “hỗn loạn”.

Tờ Sunday Times cuối tuần qua cho rằng vợ ông Johnson, bà Carrie đã “nhúng tay vào nhiều việc công”, như “tổ chức tiệc tùng”, thậm chí can thiệp để “những người bà ta không vừa ý phải bỏ đi”.

Một số người “bị loại khỏi vị trí” nay đã tung ra các tố giác về tiệc tùng trong văn phòng.

Phủ thủ tướng Anh không bình luận gì về các cáo buộc trên của truyền thông nhưng cũng không phủ nhận tin rằng ngay tại căn hộ cao cấp của vợ chồng thủ tướng đã từng diễn ra tiệc với “nhạc to”, điều bị cấm thời nước Anh phong tỏa.

Một số nghị sĩ đặt câu hỏi vì sao có các quan chức Phủ Thủ tướng “đần độn tới mức chụp hình selfie, quay video bản thân họ ăn chơi giữa mùa dịch khi biết rằng làm thế là vi phạm quy định”.

Chừng 300 hình ảnh từ các bữa tiệc văn phòng, bia rượu qua đêm hoặc ngoài vườn giữa mùa dịch đã được trao nộp cho cảnh sát.

Cảnh sát cũng đang điều tra tin nói quan chức Downing Street “chuyển lậu rượu bia bằng vali” vào văn phòng để nhậu nhẹt.

Một phần dư luận Anh bất bình vì trong thời gian cả nước bị phong tỏa, hạn chế giao tiếp, cấm tụ tập đông người thì tại Văn phòng Phủ Thủ tướng đã diễn ra “tiệc tùng liên miên”.

Họ cho rằng quan chức cao cấp dưới quyền ông Johnson “coi thường pháp luật”.

Hiện cuộc điều tra của cảnh sát chưa có kết quả nhưng cơ quan này nói gần như chắc chắn sẽ có một số người bị phạt tiền tới 10 nghìn bảng vì vi phạm lệnh phong tỏa thời Covid.

Bài Liên Quan