Chiến lược Olympic của Tập Cận Bình

Chiến lược Olympic của Tập Cận Bình

Đăng ngày: 04/02/2022

Thanh Phương

Thế Vận Hội Mùa Đông Bắc Kinh khai mạc hôm 04/02/2022 là đề tài bao trùm thời sự quốc tế của các nhật báo Pháp. “Chiến lược Olympic của Tập Cận Bình” là tựa lớn thứ hai trên trang nhất của tờ Le Monde, nhân dịp khai mạc Olympic mùa đông 2022.

Le Monde: Kẻ thắng lớn nhất là Tập Cận Bình? 

Mở đầu bài viết, tờ báo đặt câu hỏi: Phải chăng Tập Cận Bình chưa gì đã là kẻ thắng lớn nhất tại Thế Vận Hội? Bộ máy tuyên truyền của Nhà nước cố làm cho người ta tin như thế.

Theo Le Monde, tổ chức được Thế Vận Hội ngay giữa mùa dịch và tiếp đón khoảng 30 vị nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và đại diện các tổ chức quốc tế, Trung Quốc đã giành lấy vị trí đầu trên bục nhận huy chương. Một thành công mà chắc chắn ông Tập Cận Bình sẽ nêu bật tại Đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 vào mùa thu năm nay, đại hội mà trong đó trên nguyên tắc ông sẽ tái đắc cử chức tổng bí thư nhiệm kỳ 3. Đây sẽ là một bước ngoặt lớn ở Trung Quốc, bởi vì từ khi Mao Trạch Đông qua đời năm 1976, chưa có lãnh đạo nào nắm quyền quá 3 nhiệm kỳ.  

Le Monde thận trọng viết tiếp: “Nhưng từ đây cho đến khi bế mạc Thế Vận Hội ngày 20/02, mọi chuyện có thể sẽ ra. Trong dịp này, Trung Quốc muốn chứng tỏ chính sách “zero Covid” vẫn là đối sách tốt nhất với đại dịch, cho dù biến thể Omicron đang gây khó khăn cho chiến lược này, từ tháng 10 năm ngoái đến nay, ngày nào cũng có những ca nhiễm mới. Dù vậy, chính quyền Bắc Kinh vẫn luôn tự hào rằng Trung Quốc là quốc gia duy nhất trong nhóm G20 mà kinh tế vẫn tăng trưởng trong hai năm 2020 và 2021 và từ tháng 04/2020 đến nay chỉ có hai người chết vì Covid”. 

Thế Vận Hội lần này còn quan trọng đối với quyền lực mềm (soft power) của Trung Quốc, bởi vì, trái với Thế Vận Hội mùa hè 2008, biểu tượng cho sự đổi mới và hiện đại của đất nước, năm nay Trung Quốc không có thông điệp nào lớn gởi đến thế giới. Nếu như năm 2008, Trung Quốc được nể phục, thì đến năm 2022, nước này gây lo ngại. 

Le Monde ghi nhận là nếu như rất ít quốc gia (Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc, Canada) chính thức tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh, thì nhiều nước không cử đại diện đến dự, như trường hợp của Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron đã tuyên bố chống việc tẩy chay ngoại giao, nhưng bộ trưởng đặc trách thể thao Roxana Maracineanu sẽ chỉ có mặt ở Thế Vận Hội Bắc Kinh từ ngày 12 đến 15/02. Ngoài tổng thống Ba Lan, không một lãnh đạo nào khác của Liên Hiệp Châu Âu đến dự. Vì lý do y tế hoặc ngoại giao, nhiều nước châu Âu chỉ cử đại sứ đến dự. 

Dầu sao, theo Le Monde, từ tháng 01/2020 đến nay, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn chưa ra khỏi nước và từ tháng 03/2020, vẫn không tiếp một lãnh đạo ngoại quốc nào. Thế Vận Hội Bắc Kinh là dịp để ông phá vỡ sự cô lập đó. Trong khi vào năm 2008, một số lãnh đạo Trung Quốc vẫn nghĩ rằng nước họ bị thua phương Tây, thì Tập Cận Bình và những người thân cận của ông nay cho rằng nước họ đang qua mặt và mô hình Trung Quốc hơn hẳn mô hình phương Tây. 

Le Figaro: Phô trương hình ảnh Trung Quốc 

Tờ Le Figaro cũng nhận định là ông Tập Cận Bình muốn dùng Thế Vận Hội mùa đông để phô trương hình ảnh của một quốc gia đang hồi sinh.  

Tờ báo viết: “Không gì có thể làm xáo trộn sự dàn cảnh của nền kinh tế thứ hai thế giới, theo hình ảnh của một năm con Cọp mang tính chất quyết định đối với tương lai chính trị của lãnh đạo chuyên quyền nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, rất mê thể thao, đánh cược lớn vào Thế Vận Hội “của ông”, trong lúc biến thể Omicron đang đe dọa chiến lược “zero Covid”, và chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ Đại hội Đảng mà trên nguyên tắc sẽ bầu ông Tập Cận Bình nhiệm kỳ ba.”  

Theo Le Figaro, là nhà vô địch của lòng ái quốc, được rèn luyện trong môi trường Cách mạng Văn hóa, ông Tập Cận Bình xem Thế Vận Hội là dịp để khẳng định với thế giới, cũng như với người dân nước ông, tính ưu việt của mô hình Trung Quốc, trước mối đe dọa dịch bệnh, cũng như trước thái độ thù địch của phương Tây. Tờ báo trích lời nhà phân tích độc lập Lôi Cường (Wu Qiang): “Sự kiện này có tầm quan trọng cả về mặt quốc tế lẫn chính trị nội bộ. Thế Vận Hội là dịp để huy động tinh thần dân tộc phục vụ cho Đảng và thể hiện quyền lực tuyệt đối của lãnh đạo họ Tập, chứng tỏ ông có đủ khả năng lèo lái đất nước trong bối cảnh bất lợi, bất chấp các thách thức dịch bệnh và quốc tế”.  

Libération: Thế Vận Hội theo kiểu độc đoán  

Dưới hàng tựa “Thế Vận Hội Bắc Kinh theo kiểu độc đoán”, tờ Libération ghi nhận là sự trở lại của Thế Vận Hội ở thủ đô Trung Quốc, 14 năm sau Thế Vận Hội mùa hè, gây nhiều chỉ trích và tẩy chay ngoại giao. Nguyên nhân là việc siết chặt an ninh và tình hình nhân quyền ở Trung Quốc, nhất là quyền của người Duy Ngô Nhĩ. 

Libération ghi nhận, cũng giống như Thế Vận Hội Tokyo mùa hè vừa qua, Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh diễn ra trong một “bong bóng y tế”, trong đó các vận động viên và thành viên các phái đoàn không có bất cứ một tiếp xúc nào với người dân thủ đô Trung Quốc. Sau khi thành công trong việc khống chế dịch Covid-19, chính quyền Bắc Kinh vẫn không ngớt cáo buộc những yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như hàng đông lạnh nhập khẩu, đã gây ra đợt dịch mới, bất chấp thái độ hoài nghi của giới khoa học. Thậm chí họ khẳng định biến thể Omicron đã du nhập vào Trung Quốc trên một thùng hàng từ Canada gởi về. 

Libération trích lời ông Chi Chunhuei, giám đốc Trung tâm về y tế quốc tế của đại học bang Oregon, Mỹ: “Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn chối bỏ nguồn gốc của virus khi đưa ra một cách giải thích khác. Việc bịa ra chuyện khó tin về lây nhiễm qua thùng hàng từ Canada cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngần ngại đổ vấy cho người khác.” 

Libération cho rằng việc tổ chức Thế Vận Hội theo chu trình khép kín phản ánh sự cô lập ngày càng lớn của Trung Quốc trên trường quốc tế và thế bá quyền ngày càng mạnh của nước này. Từ gần 20 năm nay, các biên giới của Trung Quốc đóng rất kín, visa nhập cảnh được cấp nhỏ giọt và các tuyến hàng không đến nước này bị cắt giảm gần hết. Bên trong thì các lãnh đạo ngành y tế thề sống thề chết với chiến lược “zero Covid”, mặc dù những nước khác từng chủ trương như vậy đã từ bỏ. Trung Quốc vẫn kiên quyết đi theo con đường này và muốn thông qua Thế Vận Hội để chứng tỏ với thế giới là họ có lý. 

Les Echos: Tình hình khác hẳn 2008 

Nhật báo Les Echos cũng dành một bài phân tích về Thế Vận Hội Bắc Kinh, ghi nhận Bắc Kinh là thành phố đầu tiên trên thế giới đón tiếp cả hai Thế Vận Hội mùa hè và mùa đông. Nhưng Trung Quốc đã thay đổi kể từ năm 2008: Dưới sự kiểm soát của Tập Cận Bình, đảng Cộng sản tăng cường quyền lực độc đoán của ông, Trung Quốc không còn trấn an những ai chỉ trích họ, mà thách thức những người đó. 

Theo Les Echos, bầu không khí hôm nay khác hẳn năm 2008, không phải chỉ là do tình hình dịch Covid-19 hay do Thế Vận Hội mùa đông không hấp dẫn bằng Thế Vận Hội mùa hè. Ngoài tổng thống Nga Vladimir Putin, không một lãnh đạo nào của các cường quốc hàng đầu thế giới đến dự lễ khai mạc Thế Vận Hội Bắc Kinh tối nay. Hoa Kỳ, Anh Quốc, Úc thậm chí thông báo sẽ không gởi bất cứ quan chức nào đến Bắc Kinh. Một sự tẩy chay chính trị phản ánh sự đổi chiều ngoạn mục trong quan hệ giữa phương Tây và Bắc Kinh. 

Les Echos cho rằng, Trung Quốc nay không cần Thế Vận Hội để thể hiện vị thế của họ trên trường quốc tế. Tổng sản phẩm nội địa GDP của nước này đã tăng gấp 3 từ năm 2008 và thu nhập của các hộ gia đình đã tăng gấp 7. Trung Quốc cũng đã trở thành cường quốc không gian qua việc phóng một robot lên Sao Hỏa và đang xây dựng một trạm không gian. Bắc Kinh cũng đang mở rộng sức mạnh quân sự ở vùng Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. 

Theo tờ nhật báo kinh tế, vào năm 2008 nhiều người lập luận rằng, hoặc hy vọng rằng, với việc cả thế giới nhìn vào Bắc Kinh, tình hình nhân quyền ở Trung Quốc sẽ được cải thiện. Đến năm 2022, chẳng còn ai có ảo tưởng như thế. Đảng Cộng sản Trung Quốc không nhân nhượng bất cứ điều gì. Bắc Kinh đã dọa sẽ trả đũa những nước nào có ý định tẩy chay Thế Vận Hội và đã thẳng thừng bác bỏ những cáo buộc về đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. 

Les Echos kết luận: “Chính quyền Trung Quốc rõ ràng là muốn dùng Thế Vận Hội để tô điểm lại hình ảnh của họ trên trường quốc tế. Nhưng nhiệm vụ này không hề dễ dàng và thái độ tự phụ quá đáng của họ có thể khiến Trung Quốc bị cô lập trong thời gian dài.” 

Bài Liên Quan