Bất ổn ở Ukraine sẽ còn tiếp diễn và Việt Nam nên rút ra bài học gì?

Bất ổn ở Ukraine sẽ còn tiếp diễn và Việt Nam nên rút ra bài học gì?

2 giờ trước

Xe tăng Ukraine tập trận - hình minh họa
Chụp lại hình ảnh,Xe tăng Ukraine tập trận – hình minh họa

Giữa tuần này, tình hình căng thẳng ở Ukraine có vẻ hạ nhiệt phần nào khi Nga tuyên bố đã rút một số đơn vị quân đội từ biên giới với Ukraine về nước, nhưng ngày 16/2 Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng “vẫn còn khả năng Nga xâm lược Ukraine”.

Đưa ra nhận định như vậy, ông Biden nói thông tin Nga rút bớt quân chưa được kiểm chứng và rằng Mỹ sẵn sàng đáp trả cương quyết nếu Nga tiến hành xâm lược.

Tình hình Ukraine sắp tới ra sao?

Các khách mời là nhà báo từ hải ngoại tham gia chương trình Chuyên đề thời sự về Nga-Ukraine của BBC News Tiếng Việt hôm 17/02 thảo luận về viễn cảnh cho quốc gia Đông Âu Ukraine và bài học trong ứng xử với nước lớn của Việt Nam từ căng thẳng Nga-Ukraine.

Trong chương trình, nhà báo Mạc Việt Hồng – chủ biên trang báo Đàn Chim Việt Online – ở Warsaw, Ba Lan nhận định rằng: “Tình hình Ukraine dù có một cuộc xâm lược xảy ra hay không có một cuộc xâm lược xảy ra thì nó sẽ còn bất ổn dài lâu.”

Giải thích cho nhận định của mình, bà Hồng nói:

“Bởi vì Nga là một quốc gia lớn ở châu Âu và Ukraine từng nằm trong Liên Xô và Nga không bao giờ muốn đánh mất một quốc gia như Ukraine cả.

“Việc Ba Lan mất vào tay Nato chẳng hạn, đã là điều tôi nghĩ Putin đã rất cay cú rồi, cho nên Putin sẽ bằng đủ mọi cách để làm cho tình hình ở Ukraine bất ổn, và nếu như có thể thì tôi nghĩ rằng ông ấy luôn luôn muốn xây dựng một chính thể thân Nga ở Ukraine, ông ấy muốn loại bỏ chính phủ thân phương Tây… và luôn luôn muốn đất nước đó nghèo khó để dễ bề cai trị.”

Nhà báo Phạm Cao Phong (trái) và nhà báo Mạc Việt Hồng (phải)
Chụp lại hình ảnh,Nhà báo Phạm Cao Phong (trái) và nhà báo Mạc Việt Hồng (phải) trong chương trình Chuyên đề thời sự về Nga-Ukraine của BBC News Tiếng Việt

Người Việt hải ngoại có quan tâm đến Nga và Ukraine?

Từ quan sát cá nhân và tiếp xúc với nhiều người Việt đang sống và làm việc tại Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng cho rằng người Việt ở Ba Lan “cũng ít nhiều quan tâm” và chỉ “quan tâm ở một mức độ nhất định nào đấy” đến khủng hoảng Nga-Ukraine.

“Theo tôi, họ không quan tâm như người Ba Lan đâu bởi vì do rào cản về ngôn ngữ không phải ai cũng có thể theo dõi hàng ngày tin tức,” bà Hồng nói.

Đặc biệt, nữ nhà báo nhấn mạnh đến tình đồng hương giữa những người Việt xa quê hương, dù là quốc tịch nào thì cũng khiến họ quan tâm đến tình hình của nhau.

“Nhưng họ quan tâm ở chỗ là người Việt ở bên này với người Việt ở Ukraine cũng có rất nhiều mối quan hệ với nhau. Mối quan hệ ở đây là mối quan hệ đồng hương, mối quan hệ gia đình,” bà Hồng cho biết thêm.

Một thực tế là, theo quan sát cá nhân của nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan, khi căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng trong những năm gần đây, đã có nhiều người Việt từ Ukraine di cư sang Ba Lan.

“Trong những năm qua khi tình hình bất ổn ở Ukraine xảy ra thì nhiều người Việt có quốc tịch Ukraine họ cũng sang đây [Ba Lan], đưa cả gia đình sang bên này để làm ăn tốt hơn và sống yên ổn hơn,” bà Hồng nhận định.

Hiện nay, tâm lý “sùng bái cá nhân” với Tổng thống Nga Vladimir Putin hay tâm lý hoài niệm Liên Xô cũ vẫn hiện hữu ở nhiều người Việt cả trong nước lẫn hải ngoại.

Cùng tham gia chương trình thảo luận, nhà báo tự do Phạm Cao Phong từ Paris cho biết ngay tại đất nước Pháp, nơi ông đang sinh sống và làm việc cũng có nhiều người Việt vẫn giữ “tư duy của những năm 60, 70” về nước Nga.

“Nó không giống tư duy của chúng tôi như bây giờ, dù cùng là Việt Nam cùng có quá khứ giống nhau,” ông Phong nhận xét.

“Cái mà họ tiếp nhận nó hơi quá khích, vẫn chưa nhìn ra bộ mặt của nước Nga bây giờ như thế nào và vai trò của Putin như thế nào. Nên nhiều khi có sự va chạm rất lớn”, ông nói thêm.

Giải thích cho điều này, nhà báo Phạm Cao Phong cho rằng vì xã hội Pháp “cởi mở”, cho phép nhiều kênh truyền thông nước ngoài được phổ biến trong nước Pháp. Và do đó, một kênh tin tức phổ biến của Nga là Sputnik vẫn đến được với nhiều người Việt sinh sống ở Pháp.

“Ngay ở Pháp, kênh Sputnik đã xâm nhập vào đời sống của người Việt Nam rất là nhiều,” nhà báo này nhận định.

Một nguyên nhân khác dẫn đến tâm lý trên, theo ông Phong là: “Việt Nam với Nga có quá khứ rất tốt. Liên Xô mà đại diện là Nga bây giờ đã sát cánh với Việt Nam và giúp đỡ VN rất nhiều.”

Children at the centre
Chụp lại hình ảnh,Các em nhỏ Ukraine trong một trung tâm đón người tỵ nạn hồi năm 2015 ở Ba Lan – hinh từ phóng sự của Adam Easton, BBC News từ Stawiguda, vùng Đông Ba Lan

Chia sẻ ý kiến cá nhân, nhà báo này nói thêm:

“Tôi có những người bạn Nga, bạn Ukraine và Ba Lan thì khi trao đổi với họ tôi thấy người Việt Nam mình vẫn giữ lập trường tư tưởng của những năm trước mà không nhìn thấy được sự đổi mới của nước Nga hoặc có sự ngoan cố của ông Vladimir Putin thì không chấp nhận sự cởi mở.”

“Nước Pháp là nước cởi mở trong khi đó nếu cộng đồng Việt Nam (số rất ít) không đuổi kịp theo những giá trị nhân đạo của nước Pháp thì tôi nghĩ đó là điều đáng tiếc,” nhà báo Phạm Cao Phong kết luận.

Việt Nam ‘không nên ngả theo nước lớn nào’

Khi so sánh quan hệ Ukraine với Nga, nhiều nhà nghiên cứu, phân tích liên hệ đến quan hệ Việt Nam-Trung Quốc. Đó là sự tương đồng giữa một nước nhỏ nằm sát nước lớn, từng có mối quan hệ gần gũi về văn hóa trong quá khứ, và đặc biệt hai nước lớn này đều “hống hách trong quan hệ ngoại giao và họ độc tài”, theo quan điểm cá nhân của nhà báo Mạc Việt Hồng trong chương trình thảo luận chuyên đề.

Đánh giá về phản ứng của chính phủ Việt Nam với xung đột Nga-Ukraine, nữ nhà báo nhận xét:

“Tôi nghĩ lần này chính phủ Việt Nam họ cũng có vẻ phản ứng khôn ngoan. Họ không ra mặt ủng hộ Nga vì nếu họ ủng hộ Nga thì sau này Việt Nam nếu có điều gì với Trung Quốc thì sẽ ở vào thế rất là kẹt.”

Dẫn chứng từ căng thẳng Nga-Ukraine hiện nay, và từ sự tương đồng trong quan hệ với TQ, nhà báo Mạc Việt Hồng cho rằng Việt Nam có thể rút ra bài học cho mình trong quan hệ với nước lớn: “Đó là làm sao cân bằng trong mối quan hệ giữa các quốc gia lớn.”

“Rất nhiều người muốn Việt Nam ngả hoàn toàn theo Mỹ nhưng tôi nghĩ điều này cũng là khó. Bởi vì Trung Quốc ở ngay bên cạnh và ảnh hưởng như vậy thì làm sao có thể ngả hoàn toàn được.

“Cho nên một nước nhỏ mà nằm ở vị trí địa chính trị đặc biệt như vậy thì theo tôi nghĩ điều quan trọng là phải biết cân bằng trong mối quan hệ ngoại giao và thậm chí phải biết ứng xử trong từng hoàn cảnh cụ thể, từng gia đoạn cụ thể làm sao cho nó uyển chuyển,” bà Hồng nêu quan điểm cá nhân.

Lấy dẫn chứng từ các tuyên bố trước đây của chính quyền Việt Nam về cái mà họ gọi là “nước lạ” hay “nước ngoài”, nữ nhà báo nhận xét chính quyền Ukraine cũng có cách “cư xử nhũn nhặn” như vậy.

“Hôm qua, tôi có nghe bài phát biểu của tổng thống Ukraine thì tôi nghĩ ông ấy cũng hiểu tình thế của đất nước và trong những ngày qua chính quyền Ukraine cư xử rất mềm mỏng.

“Và bài phát biểu của tổng thống Ukraine, ông ấy chỉ nói là quân xâm lược nước ngoài mà ông ấy không có nói, không chỉ mặt vạch tên nước Nga đâu,” nhà báo Mạc Việt Hồng bình luận.

Cùng quan điểm, nhà báo Phạm Cao Phong cũng cho rằng Việt Nam không nên “ngả theo ai” và phải “uyển chuyển” trong quan hệ với nước lớn. Do đó, theo quan điểm cá nhân của ông Phong, Việt Nam “cần phải giữ tính trung lập”.

Nhà báo Phạm Cao Phong cũng đưa ra đề xuất với Việt Nam:

“Chẳng hạn như bây giờ [Việt Nam] cứ chấp nhận thỉnh thoảng mời mấy tàu chiến của Mỹ vào, để mấy cô thủy thủ Mỹ trên bến Tiên Sa nhảy hát bài ‘Nối vòng tay lớn’, hoặc là gửi các cô Việt Nam qua Mỹ để mà hát bài ‘Cô gái vót chông’ thi đua với cả hoa hậu của Mỹ thì tôi nghĩ kiểu ngoại giao đó uyển chuyển hơn.

“Thật sự ra thì Trung Quốc nếu đứng trong điều kiện đó thì cũng phải ve vãn Việt Nam chứ không thể nào Việt Nam bắt ngả theo Trung Quốc hoặc ngả theo Mỹ được.”

Video từ cuộc nói chuyện với ông Phạm Cao Phong và bà Mạc Việt Hồng về Ukraine sẽ đăng tới đây trên trang YouTube của BBC News Tiếng Việt.

Bài Liên Quan