Giải ảo Điều 5 NATO: Nói hay, thực thi mới khó?

Giải ảo Điều 5 NATO: Nói hay, thực thi mới khó?

một giờ trước

Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg
Chụp lại hình ảnh,Tổng Thư ký Nato Jens Stoltenberg

Tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm 25/2, trong lúc Nga bắt đầu tấn công Ukraine, tuyên bố: “Hoa Kỳ sẽ bảo vệ từng tấc lãnh thổ của NATO. Cam kết của chúng tôi đối với Điều 5 là chắc chắn.”

Nhưng trên thực tế, nhiều chuyên gia lâu nay đã chỉ ra sự phức tạp của Điều 5, không đơn giản, như nhiều người nghĩ, là một thành viên NATO bị tấn công thì NATO sẽ đánh trả.

Điều 5 là gì?

Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ghi như sau:

“Các Bên đồng ý rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại một hoặc nhiều nước trong số họ ở Châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tấn công chống lại tất cả và do đó các bên đồng ý rằng, nếu một cuộc tấn công vũ trang như vậy xảy ra, mỗi thành viên trong số họ sẽ thực hiện quyền tự vệ cá nhân hoặc tập thể được Điều 51 của Hiến chương Liên hợp quốc công nhận, để sẽ hỗ trợ một Bên hoặc các Bên bị tấn công bằng cách thực hiện ngay lập tức, theo cách cá nhân và phối hợp với các Bên khác, hành động mà họ cho là cần thiết, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang, để khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương.

Tổng thống Joe Biden (phải) nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan
Chụp lại hình ảnh,Tổng thống Joe Biden (phải) nói chuyện với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan

“Bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào như vậy và tất cả các biện pháp được thực hiện do kết quả của nó sẽ ngay lập tức được báo cáo cho Hội đồng Bảo an. Các biện pháp đó sẽ được chấm dứt khi Hội đồng Bảo an đã thực hiện các biện pháp cần thiết để khôi phục và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.”

Giúp kiểu gì?

Trong một bài giải thích năm 2018, Stephen M. Walt, Giáo sư quan hệ quốc tế ở Harvard Kennedy School, cho hay:

“Điều 5 không cam kết bất kỳ bên nào trong số các bên sử dụng vũ lực, mặc dù việc sử dụng vũ lực rõ ràng là một lựa chọn. Thay vào đó, nó kêu gọi tất cả các bên “hỗ trợ” các thành viên bị tấn công, nhưng nó không chỉ rõ hình thức chính xác mà sự hỗ trợ đó sẽ thực hiện.”

“Chắc chắn, trong nhiều trường hợp, việc sử dụng vũ lực sẽ là phù hợp, như khi Hoa Kỳ viện dẫn Điều 5 sau vụ tấn công 11/9 và các đồng minh NATO đã gửi quân đội của họ đến Afghanistan và áp dụng các biện pháp khác để chống lại al Qaeda. Tuy nhiên, NATO đã từ chối sử dụng vũ lực để giúp các quốc gia thành viên trong quá khứ và việc có làm như vậy trong tương lai hay không sẽ phụ thuộc vào kịch bản cụ thể liên quan, các lựa chọn có sẵn và lợi ích của các thành viên tại thời điểm đó. Đó là lý do tại sao Điều 5 đã được viết như vậy.”

Xe tăng Nga gần biên giới Ukraine
Chụp lại hình ảnh,Xe tăng Nga gần biên giới Ukraine

Trang web chính thức của NATO cũng nói rõ nếu kích hoạt Điều 5, mỗi thành viên NATO tự quyết định họ sẽ giúp theo hình thức gì.

“Với việc viện dẫn Điều 5, Đồng minh có thể cung cấp bất kỳ hình thức hỗ trợ nào mà họ cho là cần thiết để ứng phó với một tình huống. Đây là nghĩa vụ cá nhân đối với mỗi Đồng minh và mỗi Đồng minh có trách nhiệm xác định những gì họ cho là cần thiết trong các trường hợp cụ thể.”

“Sự hỗ trợ này được thực hiện cùng với các Đồng minh khác. Nó không nhất thiết phải là quân sự và phụ thuộc vào nguồn lực vật chất của mỗi quốc gia. Do đó, việc xác định mức độ đóng góp của từng quốc gia thành viên là tùy thuộc vào sự đánh giá của từng quốc gia thành viên. Mỗi quốc gia sẽ tham khảo ý kiến của các thành viên khác, lưu ý rằng mục đích cuối cùng là “khôi phục và duy trì an ninh của khu vực Bắc Đại Tây Dương”.”

Trang web NATO cũng cho hay chính Hoa Kỳ đã bắt đưa sự mơ hồ này vào, khi soạn thảo.

“Tại quá trình soạn thảo Điều 5 vào cuối những năm 1940, đã có sự nhất trí về nguyên tắc tương trợ, nhưng không thống nhất được cơ bản về phương thức thực hiện cam kết này. Các bên tham gia châu Âu muốn đảm bảo rằng Hoa Kỳ sẽ tự động hỗ trợ họ nếu một trong các bên ký kết bị tấn công; Hoa Kỳ không muốn đưa ra cam kết như vậy và cho rằng điều này được phản ánh trong cách diễn đạt của Điều 5.”

Điều 5 mới thực hiện một lần

Nhiều người có thể ngạc nhiên khi biết rằng tới giờ này, duy nhất một lần Điều 5 được NATO kích hoạt: Sau vụ khủng bố tấn công Mỹ ngày 11/9/2001.

Quyết định phải đồng thuận

Một chi tiết quan trọng khác là mọi quyết định của NATO chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của toàn bộ các thành viên, hiện có tới 30 nước.

NATO giải thích nguyên tắc đồng thuận:

“Ra quyết định đồng thuận là một nguyên tắc cơ bản đã được chấp nhận làm cơ sở duy nhất để ra quyết định ở NATO kể từ khi Liên minh được thành lập vào năm 1949.

“Việc ra quyết định đồng thuận có nghĩa là NATO không bỏ phiếu. Tham vấn diễn ra cho đến khi đạt được quyết định có thể chấp nhận được. Đôi khi các nước thành viên đồng ý bất đồng về một vấn đề. Nhìn chung, quá trình đàm phán này diễn ra nhanh chóng vì các thành viên tham khảo ý kiến của nhau một cách thường xuyên và do đó thường biết và hiểu trước vị trí của nhau.”

Để minh họa, ta hãy xem một ví dụ giả tưởng theo một bài trên The Economist năm 2015.

Giả dụ Nga khuấy động sự phẫn nộ của “người Nga” ở Estonia và Latvia, gây bất ổn.

Estonia và Latvia yêu cầu NATO tuyên bố rằng một sự kiện viện dẫn Điều 5 đang được tiến hành và do đó yêu cầu tất cả các thành viên của liên minh sẽ bảo vệ họ.

Nhưng giả dụ Đức và nhiều nước nhấn mạnh rằng tất cả các biện pháp chính trị xoa dịu cuộc khủng hoảng phải được thực hiện trước khi chọn khả năng chiến tranh.

Như thế sẽ không đạt được yêu cầu đồng thuận của NATO để kích hoạt Điều 5.

Ví dụ giả tưởng ở trên minh họa rằng Điều 5 chỉ có thể kích hoạt khi toàn bộ các thành viên NATO đồng ý.

Như vậy Điều 5 thực chất mang tính chất phòng ngừa, răn đe trước những đe dọa tiềm năng cho các thành viên NATO.

Nếu có cáo buộc tấn công của Nga, quốc gia có vũ khí hạt nhân, gần như chắc chắn nhiều thành viên NATO sẽ ngần ngại kích hoạt Điều 5 vì rủi ro đối đầu vũ trang với Nga.

Dĩ nhiên, trên thực tế, Hoa Kỳ, với tư cách siêu cường hàng đầu, có thể thuyết phục hay gây sức ép kích hoạt Điều 5. Hoặc NATO sẽ có những cách hỗ trợ thành viên mà không dùng Điều 5.

Nhưng như đã thấy, Điều 5 đến nay chỉ duy nhất một lần kích hoạt vì vụ khủng bố 2001 tại Mỹ, chứng tỏ để NATO sử dụng Điều 5 trên thực tế sẽ đòi hỏi rất nhiều cân nhắc.

Bài Liên Quan