Chiến tranh Ukraina: Điện Kremlin siết thông tin, truyền thông độc lập lách kiềm tỏa

Đăng ngày: 26/03/2022

Trọng Thành

Chính quyền Nga tổ chức mít tinh rầm rộ nhân kỷ niệm 8 năm ngày sáp nhập Crimée đúng vào lúc quân đội Nga sa lầy trong cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina. Một trong ba người bị truy nã đầu tiên theo luật mới của chính quyền Nga – trừng phạt tội đưa tin trái với chính thống về chiến tranh tại Ukraina – là một nữ doanh nhân Nga thành đạt, định cư tại Pháp, có gần một triệu người theo dõi trên mạng Instagram.

Ba nhật báo Bắc Âu ra ấn bản tiếng Nga về chiến tranh Ukraina, giúp dân Nga tiếp cận thông tin ngoài những gì truyền thông nhà nước Nga muốn áp đặt. Một nhóm tranh đấu ở Litva tổ chức chương trình « #CallRussia » (« Gọi cho người Nga ») qua kho danh bạ 40 triệu số điện thoại. Tờ báo đối lập hàng đầu tại Nga Novaia Gazeta, của giải Nobel Hòa bình Dmitri Muratov, khẳng định tuân thủ luật mới của chính quyền siết chặt thông tin về cuộc chiến tại Ukraina, nhưng không từ bỏ truyền thông độc lập. Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Thế giới Đó đây tuần này.

*** 

Sân vận động Lujniki: Putin cổ vũ chiến tranh, ca khúc rock ca ngợi Liên Xô

Trong lúc quân đội Nga sa lầy trong « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina, trưa ngày 18/03 tổng thống Nga Vladimir Putin xuất hiện tại sân vận động Lujniki, thủ đô Matxcơva (*). Buổi tập hợp trong không khí văn nghệ tưng bừng, về mặt chính thức là để kỉ niệm 8 năm ngày Nga cưỡng chiếm bán đảo Crimée của Ukraina, nhưng mục tiêu chủ yếu là để khẳng định trước công chúng Nga, về tính chính đáng của cuộc can thiệp quân sự đẫm máu của quân đội Nga tại Ukraina, hiện đang bị cộng đồng quốc tế lên án dữ dội.

Gần 100.000 người có mặt trong sân vận động, và cũng khoảng từng ấy bên ngoài, theo số liệu của cảnh sát Nga. Trên sân khấu, tổng thống Putin ca ngợi tinh thần « anh dũng » của các đơn vị Nga chiến đấu tại Ukraina, những chiến binh đang sát cánh bên nhau, và « nếu cần sẵn sàng lấy thân che đạn kẻ thù bắn vào bạn mình ». Ông Putin dẫn một trích đoạn Kinh Thánh: « Không có tình yêu nào lớn hơn là hy sinh thân mình vì bạn hữu ». Tổng thống Nga hào hứng : « đã lâu rồi chúng ta mới có cơ hội tập hợp trong bầu không khí đoàn kết như thế này ».

Hàng chục nghìn người giương cao quốc kỳ Nga, và các băng rôn với hình chữ « Z », được coi là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, tinh thần quyết thắng. Chữ « Z » là biểu tượng có mặt trên hầu hết các phương tiện quân sự Nga đang được triển khai trong chiến dịch tấn công Ukraina. Ca sĩ Oleg Gazmanov trình diễn ca khúc nhạc rock nổi tiếng tại Nga, « Sản xuất tại Liên Xô » (Сделан в СССР) (ra đời cách nay hơn mười năm). 

« Sản xuất tại Liên Xô » cổ vũ cho một không gian Nga với lãnh thổ vượt ra ngoài ranh giới địa lý chính thức hiện nay, một nước Nga hoài niệm về thời Liên Xô của Lênin, Stalin, thời các Sa Hoàng, thời của vương triều Ryurik thế kỷ thứ 9, bao gồm cả các vùng đất « Ukraina và Crimée, Belarus và Moldova », như lời của bài hát. « Sản xuất tại Liên Xô » là một bài hát tuyên truyền rõ ràng cho quan điểm đầy tham vọng của chính quyền Putin về một nước Đại Nga bao trùm cả lãnh thổ Ukraina.

Chính quyền chiếm lĩnh truyền thông,  đông đảo dân tin Putin

Cho dù bị chính quyền Nga bị thế giới lên án mạnh mẽ, phương Tây siết chặt trừng phạt, nhưng tại nước Nga, khá đông đảo người dân vẫn tin tưởng vào việc cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina là cần thiết để chống lại nguy cơ từ phương Tây. Trả lời RFI, ông Andrei Savine, 55 tuổi, một cựu quân nhân thời Liên Xô, cho biết các trừng phạt có gây trở ngại, nhưng không ảnh hưởng đến việc ông ủng hộ chính quyền :

« Tất nhiên là tôi có gặp một số trở ngại nhỏ. Phần mềm Google Play không vận hành nữa. Trước đây tôi có thể qua điện thoại mua được mọi thứ một cách dễ dàng. Nhưng nếu căn cứ vào các mục tiêu của chiến dịch này, thì các trừng phạt không quan trọng. Nếu cần, tôi sẽ làm tối đa để giúp đỡ những người lính trẻ của chúng tôi… Trong những thời điểm khó khăn, đất nước chúng tôi đã có được vũ khí hạt nhân và điều đó giúp cho chúng tôi có được một vị trí quan trọng hơn. Trong tất cả giai đoạn này, người Ukraina và chúng tôi đã có thể ngủ ngon. Theo tôi, người ta không có quyền đến sát biên giới của nước khác, xây dựng các căn cứ quân sự, tổ chức các kế hoạch chống Nga, đó là điều không thể chấp nhận được ».

Viên cựu quân nhân nói trên tin tưởng hoàn toàn với lập trường chính thức của nhà nước Nga. Trên thực tế, đông đảo người dân tại Nga không có khả năng tiếp cận được với các nguồn thông tin khác về những gì đang thực sự diễn ra tại Ukraina, do kiểm duyệt thông tin ngày càng chặt chẽ của chính quyền. Anh Alexei, một người Nga 26 tuổi, có mặt ở Nga đúng vào ngày 24/02, ngày chính quyền Putin khởi sự cuộc tấn công Ukraina, vừa trở về Paris, Pháp, tiếp tục theo học đại học.

Trả lời RFI, sinh viên người Nga này cho biết về giới trẻ ở Nga và cuộc chiến tranh tại Ukraina:

« Thanh niên tại Nga không hiểu về những gì diễn ra thực sự tại Ukraina, các phương tiện truyền thông độc lập không được phép lên tiếng về chủ đề này. Họ có nguy cơ bị phạt tới 15 năm tù, nếu bị kết tội bóp méo thông tin. Các nguồn thông tin chính thức đều truyền bá cho quan điểm biện minh cho cuộc chiến tranh, đang chiếm lĩnh toàn bộ không gian truyền thông ».

Luật đàn áp thông tin về chiến tranh Ukraina : Nạn nhân đầu tiên

Chính quyền Putin vừa sử dụng bộ máy truyền thông nhà nước để phổ biến rộng khắp quan điểm cho rằng cuộc can thiệp quân sự tại Ukraina nhằm để bảo vệ an ninh của người Nga, tiêu diệt các thế lực phát xít tại Ukraina, vừa trấn áp người dân trong nước dám đưa tin, hay bày tỏ quan điểm khác với nhà nước. Báo Anh The Guardian cho biết doanh nhân Nga Veronika Belotserkovskaya, sống tại Pháp, là một trong ba người đầu tiên bị chính quyền Nga truy nã về tội bóp méo thông tin, liên quan đến « chiến dịch quân sự đặc biệt » tại Ukraina.

Cô Veronika Belotserkovskaya, 51 tuổi, công dân Nga là một doanh nhân thành đạt sống tại miền nam nước Pháp, nơi cô tổ chức dạy nghề nấu ăn. Kể từ khi chiến tranh tại Ukraina bùng nổ, Veronika Belotserkovskaya đưa lên Instagram nhiều bài viết chống chiến tranh, lên án Putin « biến các thanh niên 18, 20 tuổi, thành phương tiện thực hiện tham vọng đế quốc ». 

Nữ doanh nhân cho biết cô « không phải là một người làm chính trị, tôi đang lên tiếng với tư cách là mẹ của ba đứa con trai. Trẻ em Ukraina đang chết dần chết mòn, tôi không thể yên lặng được… Nhiều người bạn của tôi ở Nga đồng ý với tôi, nhưng sợ hãi không dám nói gì. Tôi hoàn toàn hiểu điều đó ».

Veronika Belotserkovskaya – sinh ra tại Odessa (thành phố miền nam Ukraina) – là một người khá nổi tiếng trong giới thượng lưu ở Matxcơva, trong số các bạn cô có Ksenia Sobchak, con gái của Anatoly Sobchak, cố thị trưởng Saint Petersbourg (1937 – 2000), nguyên thủ trưởng của Putin. Việc tư pháp Nga chọn doanh nhân Belotserkovskaya như một đích ngắm đầu tiên cho thấy điện Kremlin chủ trương tấn công vào giới tinh hoa trong lĩnh vực kinh doanh và văn hóa, những người dám bày tỏ sự phản đối, dù chỉ ở mức độ nhỏ đối với các nỗ lực chiến tranh của Putin.

Nhà báo Andrei Kolesnikov, một thành viên của cơ quan tư vấn Carnegie Endowment, làm việc cho nhật báo thương mại Nga Vedomosti, nhấn mạnh đến một thay đổi lớn trong chính sách siết chặt truyền thông của chính quyền Putin với bài diễn văn ngày 16/03, khi tổng thống Nga gọi một số người dân Nga là « kẻ phản bội quốc gia », tương tự như thời Liên Xô trước đây, « với mục tiêu làm mất uy tín của bất cứ ai phản đối Putin ». Mục tiêu của chính quyền, theo nhà báo Kolesnikov, là gieo rắc bầu không khí sợ hãi trong toàn xã hội, để ai cũng lo ngại mình có thể sẽ là « nạn nhân tiếp theo ».

Ba báo Bắc Âu dịch bài vở sang tiếng Nga

Cuộc chiến tranh tại Ukraina là cuộc chiến tranh thông tin. Báo chí Bắc Âu vào cuộc tích cực. Ngày 10/03, ba nhật báo Bắc Âu bắt đầu dịch các bài viết về chiến tranh tại Ukraina sang tiếng Nga để bạn đọc Nga có thể tiếp cận được với các thông tin ngoài những gì mà truyền thông nhà nước Nga muốn áp đặt như các thông tin duy nhất được phép tại Nga.

Tổng biên tập ba tờ báo Bắc Âu (Politiken của Đan Mạch, Dagens Nyheter của Thụy Điển và Helsingi Sanomat của Phần Lan) nhấn mạnh : « Các bà mẹ Nga phải được biết rằng con trai họ bị gửi đến một mảnh đất xa lạ, nơi những thường dân vô tội bị sát hại, làm bị thương, nơi 2 triệu người dân Ukraina buộc phải rời đất nước, nơi hàng triệu trẻ em không còn tuổi thơ ». Thông tín viên Frédéric Faux tường trình từ Stockholm :

« ‘‘Ở đó, trên trang nhất trang mạng của chúng tôi, bạn có tin tức bằng tiếng Nga, với các phóng sự được thực hiện tại Ukraina’’, tại trụ sở của nhật báo Dagens Nyheter, ở Stockholm, nhà báo Martin Jönsson phụ trách các bài bằng tiếng Nga này cho biết như trên. Công việc tương tự cũng được thực hiện bởi các đồng nghiệp của ông ở Phần Lan và Đan Mạch, những người cung cấp cho trang web hàng ngày từ ba đến năm bài báo mới. Đây luôn là những phóng sự, bài báo về thực tế, chứ không phải là các bài xã luận.

Khi điện Kremlin đóng cửa các phương tiện truyền thông độc lập và hàng trăm nhà báo trốn khỏi nước Nga, Martin Jönsson tin tưởng rằng việc cung cấp nguồn thông tin thay thế này là điều cần thiết. Không những đối với công chúng người Nga, mà còn đối với cả nghề báo. Đó là để bảo vệ quyền tự do báo chí, để đảm bảo rằng, nếu các vị bịt miệng một nhà báo ở một quốc gia, thì các đồng nghiệp của người đó ở nơi khác trên thế giới sẽ tiếp quản công việc này. Như vậy, thông tin sẽ không thể bị gián đoạn.

Trong tuần lễ đầu tiên, đã có 250.000 lượt người đọc từ Nga. Con số này có lẽ thấp hơn nhiều so với thực tế, vì đã không tính đến việc có nhiều người Nga có thể lên mạng thông qua các phần mềm VPN hoặc các thủ thuật vượt kiểm duyệt khác. Nhưng điều đáng nói nhất, đối với nhà báo Thụy Điển Martin Jönsson, đó là nhận xét: ‘‘Bạn có thể thấy rõ tác động, với nhiều phản ứng từ người Nga, nhiều người đã cảm ơn chúng tôi’’.

Ba tờ báo Bắc Âu này cũng hỗ trợ các nhà báo Ukraina bằng cách gửi cho họ hai xe chở mũ bảo hiểm, áo chống đạn và thiết bị nghe nhìn ».

« Gọi điện cho người Nga » : Chương trình 40 triệu số điện thoại  

Cuộc chiến xâm lăng Ukraina, gây chấn động, đã dẫn đến nhiều sáng kiến bất ngờ về truyền thông. Ngày 03/03, một tuần sau khi ông Putin mở màn chiến dịch, anh Paulius Senuta, người Vilnius (Litva) được một người bạn cho biết đã tải được nhiều danh bạ điện thoại của người Nga. Trả lời đài Pháp France 24, Paulius giải thích anh và các cộng sự đã liên lạc ngay với hàng chục chuyên gia về công nghệ, về truyền thông, cũng như các nhà tâm lý học, để xây dựng một chiến dịch thông tin mang tên #CallRussia – Gọi điện cho người Nga.

Chiến dịch cung cấp thông tin về cuộc chiến tại Ukraina cho người Nga được chính thức khởi động từ ngày 08/03, cho phép những tình nguyện viên nói tiếng Nga trên toàn thế giới có thể liên lạc với 40 triệu người Nga, nhờ các số điện thoại được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu.

Theo tổ chức này, khoảng 25 nghìn tình nguyện viên thuộc 116 quốc gia đã tham gia vào phong trào. Chỉ trong vòng hơn hai tuần lễ, gần 100.000 cuộc gọi đã được thực hiện. Bản thân người sáng lập chương trình « Gọi điện cho người Nga » đã gọi khoảng 150 lượt. Các trải nghiệm của cá nhân anh Paulius cùng cộng sự cho thấy, thoạt tiên đa số người nhận được điện thoại tỏ ra giận dữ và phản ứng dữ dội. Một số khác tỏ ra lịch sự, nhưng chỉ lắng nghe. Số người dám lên tiếng là rất ít. Trong vòng ba tuần lễ, chiến dịch thông tin mang tên #CallRussia đã nhận được nhiều chỉ trích, lời lẽ thù hận, đe dọa, trang mạng bị tấn công.

Với thời gian, đối thoại giữa người gọi và người nhận điện thoại trở nên dễ dàng hơn. Người nhận điện thoại bày tỏ quan điểm thoải mái hơn, đối thoại cũng diễn ra lâu hơn. Cho dù điều này không cho thấy là quan điểm của công chúng tại Nga về chiến tranh đã ngay lập tức thay đổi, nhưng rõ ràng đây là một dấu hiệu tích cực, theo Paulius.

Do thông tin về « chiến dịch » quân sự Nga tại Ukraina bị kiểm duyệt chặt chẽ, không thể biết được chính xác bao nhiêu phần trăm dân chúng ủng hộ, bao nhiêu phản đối. Một số người ước tính có đến 70% dân Nga ủng hộ Putin (và cho rằng xã hội Nga « đang phát xít hóa »), người thì nói khoảng 50%. Phong trào « Gọi điện cho người Nga » không đặt quá nhiều hy vọng. Người sáng lập #CallRussia nhấn mạnh : « Chúng tôi hiểu rằng không thể thuyết phục những người ủng hộ chiến tranh nhiệt thành nhất thay đổi quan điểm, nhưng chúng tôi có thể góp phần vào việc vô hiệu hóa các lập luận hùng biện của họ, và những người phản đối chiến dịch quân sự sẽ cảm thấy tự tin hơn, họ có thể xuống đường (phản đối cuộc chiến tranh này) ».

Trên trang mạng của phong trào « Gọi điện cho người Nga », có dòng chữ : « Putin chỉ sợ nhất một điều : quyền lực của chính người dân Nga. Chỉ duy nhất có người dân Nga mới chống lại được Putin ».

Vở « Hồ Thiên Nga » trên nền đám mây hạt nhân: Novaya Gazeta lách kiểm duyệt

Nếu như từ bên ngoài vẫn còn có thể gọi điện cho người Nga trong nước, thông tin báo chí bằng tiếng Nga viết từ nước ngoài về nguyên tắc không bị kiểm duyệt, thì việc tiếp tục hoạt động truyền thông độc lập tại nước Nga là một thách thức rất lớn. Đa số phương tiện truyền thông độc lập ít ỏi cuối cùng như Đài Tiếng vọng Matxcơva hay kênh truyền hình Dodj, đã phải quyết định đóng cửa, sau khi chính quyền đe dọa trừng phạt nặng.

Ít phút sau khi tổng thống Nga phát động chiến tranh, tổng biên tập, giải thưởng Nobel Hòa bình Dmitry Muratov, đã triệu tập một cuộc họp khẩn toàn bộ nhân viên tại trụ sở của tòa báo ở Matxcơva. Ông nói: « Đất nước của chúng ta, theo lệnh của ông Putin, đã tấn công Ukraina. Đã không ai có thể ngăn chặn chiến tranh. Chúng tôi cảm thấy đau buồn và hổ thẹn ». Novaya Gazeta đã biến nỗi đau thành thách thức.

Vào lúc chưa bị kiểm duyệt, tờ báo chạy thẳng hàng tựa trang nhất « Nga đang ném bom Ukraina ». Số ra đầu tiên về cuộc chiến tranh in bằng hai tiếng, Nga và Ukraina. Tổng biên tập Dmitry Muratov nhấn mạnh: « Chúng tôi không coi Ukraina là kẻ thù, tiếng Ukraina không phải là ngôn ngữ của kẻ thùKhông bao giờ ».

Sau khi chính quyền Nga siết chặt kiểm duyệt, tổng biên tập Muratov trưng cầu ý kiến của 7.800 độc giả trung thành. 96% ủng hộ báo tiếp tục hoạt động. Lãnh đạo Novaya Gazeta quyết định tiếp tục. Tờ báo ấn hành ba lần một tuần này, một mặt chấp nhận tuân thủ các quy định nghiệt ngã của kiểm duyệt về cuộc chiến Ukraina, mới ban hành, nhưng mặt khác tìm nhiều cách để lách luật.

Ấn bản đầu tiên ra mắt trong điều kiện kiểm duyệt mới đặt hàng tựa trang nhất: « Ấn bản này của Novaya tuân theo tất cả các điều luật sửa đổi của bộ luật Hình sự Nga », dòng chữ đăng trên nền hình ảnh bốn diễn viên múa ba lê vở « Hồ Thiên Nga », bên trên là một đám mây hình nấm khổng lồ.

Thông điệp thật rõ ràng. Với tất cả những ai biết rõ lịch sử đương đại Nga, vở vũ ba lê kinh điển « Hồ Thiên Nga » của Tchaikovsky được truyền hình Nhà nước Nga công chiếu vào thời điểm cuộc đảo chính năm 1991, mưu đồ lật đổ tổng thống Gorbachev. Tại Nga, vở vũ ba lê này trở thành một dấu hiệu ngầm cho thấy chính quyền đang che giấu một cuộc khủng hoảng lớn. Còn đám mây hình nấm khổng lồ, tượng trưng cho vụ nổ hạt nhân, nhắc đến mối đe dọa mà tổng thống Nga đang giương ra với Ukraina, với thế giới.

Trong một cuộc trả lời báo Mỹ Fox News, phó tổng biên tập Novaya Gazeta, bà Nadezhda Prusenkova, nhận định : bà tin rằng có đến 50% người Nga phản đối chiến tranh (ngược lại với quan điểm của điện Kremlin, là chỉ có một phần nhỏ). Theo phó tổng biên tập Novaya Gazeta, vụ nữ phóng viên Nga Marina Ovsiannikova bất ngờ xuất hiện trong một chương trình truyền hình (của đài Nhà nước Nga Pervy Kanal, ngày 14/03), giương biểu ngữ chống chiến tranh, có thể tạo « một bước ngoặt ». Việc nhiều người Nga ủng hộ chiến tranh chủ yếu là do thông tin bị chính quyền khống chế, nhưng với thời gian, nhận thức sẽ thay đổi, cho dù quá trình này sẽ chậm. Novaya Gazeta tiếp tục hành động góp phần cho thay đổi này.

Ghi chú

(*) Cuộc ra mắt của ông Putin trong không khí lễ hội sôi động tại sân vận động Lujniki diễn ra hai ngày sau khi tổng thống Nga có bài phát biểu rất cứng rắn trước các thống đốc vùng và nội các, đe dọa trừng phạt nghiêm khắc « những kẻ phản bội dân tộc », kêu gọi xã hội Nga tự « thanh lọc », tách « những người yêu nước thực sự » khỏi những kẻ nô lệ cho ngoại bang nhằm phá hoại nước Nga.

Bài Liên Quan