Emmanuel Macron : Nhà hòa giải quốc tế, tham vọng bất thành ?

Đăng ngày: 07/04/2022

Minh Anh

Ngày 10/04/2022, cử tri Pháp được mời gọi tham gia cuộc bỏ phiếu vòng một bầu chọn tổng thống mới, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn hoành hành và cuộc chiến Ukraina do Nga tiến hành đang diễn ra khốc liệt. Đây cũng là dịp để nhìn lại đường lối đối ngoại của tổng thống sắp mãn nhiệm. Trong cái nhìn tương đối khắt khe, kênh truyền hình quốc tế France 24 đánh giá, trong suốt 5 năm nhiệm kỳ, nguyên thủ Pháp nỗ lực hành động như một nhà hòa giải, nhưng đa phần thất bại.

Hâm nóng quan hệ với Nga : « Công dã tràng » ?

Cho đến cuối nhiệm kỳ, Emmanuel Macron đã cố gắng thể hiện vai trò mà ông tự gán cho mình ngay từ năm 2017 : Nhà trung gian hòa giải hàng đầu. Bằng chứng mới nhất là cố gắng sử dụng hết mọi phương tiện ngoại giao để tránh việc Nga xâm lược Ukraina. Từ thường xuyên gọi điện thoại cho đến việc đích thân đến Matxcơva (07/02/2022) gặp gỡ tổng thống Nga Vladimir Putin, nhằm kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng.

Mục tiêu đó của ông Macron có lúc tưởng chừng đã đạt được khi thông báo một cuộc gặp có thể giữa chủ nhân điện Kremlin và chủ nhân Nhà Trắng, Joe Biden. Nhưng rủi thay, chưa đầy hai tuần sau đó, Vldimir Putin tuyên bố công nhận hai nước Cộng hòa ly khai vùng Donbass, trước khi ra lệnh mở « chiến dịch quân sự đặc biệt » xâm chiếm Ukraina ngày 24/02/2022.

Thất bại ngoại giao này là đòn thứ hai liên tiếp của Emmanuel Macron, khi trước đó vài hôm, ông gặp phải một thất vọng khác : Thông báo ngày 17/02 cho triệt thoái quân Pháp khỏi Mali, khu vực mà Pháp dấn thân từ 9 năm qua trong cuộc chiến chống thánh chiến trong toàn vùng Sahel.

Hai vố đau này chưa thể đại diện cho mọi hành động ngoại giao mà tổng thống Pháp tiến hành từ 5 năm qua, nhưng chúng biểu tượng cho sự bất lực của nước Pháp trên trường quốc tế. Emmanuel Macron, mỗi khi có cơ hội, đều tìm cách nắm lấy để mang lại cho nước Pháp một vai trò, một tiếng nói có trọng lượng hơn.  

Nỗ lực này đã được ông thể hiện rõ ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ trong mối quan hệ với Nga. Ngày 29/05/2017, chỉ hai tuần sau khi đặt chân vào điện Elysée, nguyên thủ Pháp đã long trọng đón tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin tại cung điện Versailles, để rồi hai năm sau đó, một cuộc gặp khác tại Brégançon vào tháng 8/2019, trong một bầu không khí thân mật hơn.

Đối với một số truyền thông Pháp, cuộc xâm lăng Ukraina do Nga tiến hành là một thất bại hoàn toàn cho « mối quan hệ đặc biệt » với Nga của ông Macron. Đâu là nguyên nhân ? Về điểm này, nhà báo Isabelle Lasserre1, trợ lý tổng biên tập ban Quốc tế, nhật báo Le Figaro điểm ra hai sai lầm của tổng thống Pháp.

« Sai lầm đầu tiên trong chính sách với Nga là đã hành động một mình. Ông ấy đã không đến gặp tất cả các nước Đông – Trung Âu để nói với họ rằng “chúng tôi cần sưởi ấm lại quan hệ với Nga, nhưng không phải để chống lại quý vị”. Bởi vì rõ ràng Emmanuel Macron không có lấy một chính sách nào mềm yếu hơn như của bà Angela Merkel. Ông ấy luôn ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Sai lầm thứ hai của Macron là đã xem thường lập trường của Quai d’Orsay (tức bộ Ngoại Giao) và các nhà ngoại giao. Những người này đã cảnh báo ông rằng “hâm nóng quan hệ với Vladimir Putin, chúng ta đã thử làm từ 20 năm qua. Mỗi lần như thế, chúng ta đều đi vào ngõ cụt. Đó không phải là cách để xử lý vấn đề”. » (France Culture ngày 11/03/2022)

Emmanuel Macron : « Đệ tử » của chủ nghĩa đa phương ?

Cách tiếp cận này cũng được chủ nhân điện Elysée áp dụng cùng một kiểu trong mối quan hệ với cựu tổng thống Mỹ. Donald Trump cùng Đệ Nhất phu nhân là khách mời danh dự cho lễ diễu binh mừng quốc khánh Pháp 14/7/2017 và bữa dạ tiệc sang trọng trên tháp Eiffel. Đáp trả thịnh tình, cựu chủ nhân Nhà Trắng tiếp đón Macron cùng phu nhân ở Washington tháng 4/2018. Nhưng tất cả những điều đó cũng không ngăn cản được chính quyền Trump rút nước Mỹ ra khỏi thỏa thuận khí hậu Paris và hạt nhân Iran.

Theo France 24, Emmanuel Macron ý thức được rằng nước Pháp đang thụt lùi trên trường quốc tế nên cũng muốn tận dụng ngay từ ngày đầu nhiệm kỳ sự mờ nhạt của Vương Quốc Anh, quá bận rộn với cuộc Brexit, và chính sách co cụm của đồng minh Mỹ, để thể hiện vai trò đi đầu trong chủ nghĩa đa phương. Ông liên tục có những bài phát biểu « hoa mỹ » như « Make Our Planet Great Again » vào tháng 6/2017 tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc, tháng 12/2017 tại One Planet Summit ở Paris hay như thượng đỉnh G7 tại Biarritz tháng 8/2019.

Liệu người ta có thể khẳng định nhiệm kỳ của ông Macron được đánh dấu với chủ nghĩa đa phương ? Ông Michel Duclos, cựu đại sứ Pháp ở Syria, cố vấn đặc biệt cho Viện Montaigne không chắc rằng đây là một thành công.

« Tôi nghĩ là ở đây có một sự hiểu nhầm giữa ông Macron với người dân Pháp, bởi vì, đúng là ông ấy có mang lại cho chủ nghĩa đa phương một phong cách mới gắn kết các quỹ lớn, các đại tập đoàn, các tác nhân thuộc Nhà nước với những lý lẽ lớn như nạn phá rừng ở châu Phi, ở Brazil hoặc như các quy định về Internet. Nhưng đó là những điều khó làm cho công luận hiểu và nhất là ông Macron lại không trang bị cho mình những công cụ để giải thích hành động này với đồng bào. Đây là điều đáng tiếc vì lẽ ra chúng có thể sẽ là một điểm tích cực cho hành động của ông. » (IRIS ngày 01/12/2021)

Điều nghịch lý là một mặt tổng thống Pháp kêu gọi một sự hợp tác đa phương, nhưng mặt khác đôi lúc ông hành động đơn độc, không thông báo hay tham vấn với các đối tác châu Âu, một hình thức « chủ nghĩa đơn phương » theo kiểu Pháp như đánh giá của ông Pascal Boniface, giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS). Khi tuyên bố « NATO chết não », nguyên thủ Pháp cũng không ngần ngại có những phát biểu gây sốc cho các đối tác, đồng minh truyền thống.

Đối với nhà cựu ngoại giao Pháp, Michel Duclos, đây là điểm yếu đáng chú ý của nguyên thủ Pháp. Cách thức tiếp cận này đã hạn chế tham vọng lớn nhất của Emmanuel Macron : Xây dựng một chiến lược tự chủ cho Liên Hiệp Châu Âu với một ngân sách chung cho toàn khu vực đồng euro, đồng nhất thuế khóa và chính sách xã hội, và nhất là một nền quốc phòng chung.

Ông giải thích : « Tổng thống Macron đương nhiên là một người có tầm nhìn châu Âu rộng lớn. Ông muốn có một châu Âu hùng mạnh, một châu Âu đoàn kết nhưng cùng lúc ông lại hành động đơn phương gần như là có hệ thống về các hồ sơ như Libya, Syria, thậm chí là cả hồ sơ Iran, Liban… Ông ấy liên tục có những sáng kiến mà không tham vấn ai như về Nga và NATO. Cảm giác của tôi là điều đó đã làm suy yếu thông điệp của ông về một châu Âu đoàn kết, trong chừng mực nào đó điều này đã gia tăng mối hoài nghi ở các đối tác đối với Pháp. » (IRIS ngày 01/12/2021)

AUKUS : Chênh lệch về tầm nhìn mối họa Trung Quốc ?

Cuối cùng, một hồ sơ khác không kém phần quan trọng góp phần làm lu mờ đường hướng ngoại giao của tổng thống Macron : Sự ra đời liên minh quân sự AUKUS – Anh, Mỹ và Úc, khiến Pháp bị vuột mất hợp đồng bán tầu ngầm cho Canberra, trị giá hàng tỷ đô la. Một cú tát như trời giáng, một đòn « sỉ nhục » mà Mỹ giành cho Pháp, theo như nhận định từ nhiều nhà quan sát. Tổng thống Pháp cũng bị chỉ trích mạnh mẽ là đã có thái độ không mấy gì cứng rắn trước hành động này của đồng nhiệm Biden cũng như là sự « phản bội » của Mỹ đối với đồng minh Pháp.

Ông Alain Richard, cựu bộ trưởng Quốc Phòng và là thượng nghị sĩ Pháp, trước hết nhắc lại đường hướng đối ngoại của Pháp đối với Mỹ trước sau như một, vẫn luôn tuân thủ cách tiếp cận theo tinh thần của tướng De Gaulle và cố tổng thống Mitterand. Điểm cốt lõi trong cuộc tranh chấp này là sự chênh lệch lớn về cách diễn giải mối đe dọa Trung Quốc trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.

« Theo cách tiếp cận này, nước Pháp, đồng minh của Mỹ, hội nhập hoàn toàn trong phe phương Tây khi có các cuộc xung đột nhưng đồng thời cũng quan tâm đến việc tự chủ chiến lược và đối thoại với các thế lực địa chính trị khác. Tôi cho rằng không có lý do gì chúng ta phải thay đổi bởi vì vấn đề là cuộc tranh cãi có liên quan đến AUKUS lại là một cuộc tranh cãi về cách đánh giá tình hình khu vực.

Ở đây tôi xin lưu ý là thuật ngữ Ấn Độ – Thái Bình Dương được sáng tạo đơn giản chỉ vì có mối nguy hiểm Trung Quốc, đây là một cách nói bóng bẩy thông thường trên phương diện địa chính trị, để nói rằng có một vấn đề mới nảy sinh đang bao phủ toàn bộ vùng địa lý mà người ta chưa rõ về vị thế chiến lược của Trung Quốc. Đó là mức độ đe dọa mà Trung Quốc có thể gây ra. Chính ở điểm này mà có một sự xung khắc giữa tầm nhìn Pháp, một tầm nhìn của cách đây nhiều năm và tầm nhìn của Mỹ. » (IRIS 24/11/2021)

Emmannuel Macron : Quai d’Orsay, cỗ máy ngoại giao già cỗi ?

Khi điểm lại những thất bại đã qua, người ta tự hỏi phải chăng tuổi đời còn trẻ, không xuất thân từ tầng lớp chính trị gia, có là những yếu tố hạn chế tầm nhìn của nguyên thủ Pháp dẫn đến những thất bại nêu trên ? Trái với những người tiền nhiệm, Emmanuel Macron có phương cách hành động theo cái cách mà ông Michel Duclos gọi là « Đoạn tuyệt thực tế », nghĩa là « cùng lúc tính đến yếu tố thực tế nhưng đồng thời thay đổi chúng, cần phải phá vỡ thực tế đó khi dựa vào các thực tiễn. » Một cách tiếp cận mà nhà cựu ngoại giao Pháp không ngần ngại chỉ trích là có nguy cơ bị phản đòn mà hồ sơ Nga hay Aukus là một ví dụ điển hình.

Chính từ cách nhìn này mà nguyên thủ Pháp đã bỏ ngoài tai tiếng nói của giới ngoại giao, đi ngược cách thức vận hành so với Quai d’Orsay, bị đánh giá quá chậm chạp, chỉ đưa ra kết quả sau một quá trình tìm kiếm đồng thuận dài hơi đôi khi không mấy gì phù hợp. Trong một thế giới ngày càng xuất hiện nhiều nhà độc tài mang nặng tư tưởng chủ nghĩa xét lại, ông Macron cho rằng cần phải có khả năng hành động nhanh hơn chống lại những mối đe dọa nhắm vào các giá trị của châu Âu, nhưng thực tế đôi khi lại không theo ý ông muốn.

Dù vậy, bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Trung Quốc, Anh và Nga, đưa ra một cái nhìn khoan dung hơn về đường lối đối ngoại của ông Macron trong suốt nhiệm kỳ qua.

« Nhìn chung, Emmanuel Macron là một trong số hiếm hoi các nguyên thủ Pháp gần đây có một tầm nhìn địa chính trị trên thế giới. Ông ấy biết rõ là ông muốn đi đến đâu. Quả thực là ông Macron muốn có một châu Âu hùng mạnh để có thể đối phó với những tính toàn từ Trung Quốc, thậm chí là Mỹ và Nga tại châu lục (…) Liên quan đến Nga, Emmanuel Macron đã có lý khi muốn thiết lập mối quan hệ này và hiện nay, ông là một trong số hiếm hoi các đối tác cuối cùng được ông Putin chấp nhận. » (France Culture 11/03/2022)

Bài Liên Quan