Mỹ có phương án đối phó với sự ‘phát triển phi thường’ của hải quân Trung Quốc

Đăng ngày: 29/04/2022

Tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ, đô đốc Michael Gilday phát biểu tại Nhà Trắng, Washington DC, Hoa Kỳ ngày 01/04/2020. AP – Alex Brandon

Thu Hằng

Trung Quốc là một đối thủ quân sự đáng gờm, luôn đạt được các mục tiêu đề ra trước thời hạn nhiều năm khiến hải quân Mỹ bị áp lực để đáp trả một cách hiệu quả. Ngày 28/04/2022, đô đốc Michael Gilday, tham mưu trưởng hải quân Hoa Kỳ, đánh giá cao « khả năng học hỏi và tiến bộ » của hải quân Trung Quốc, đồng thời trình bày nhiều chương trình phát triển để đối phó với « sự phát triển phi thường » đó.

Theo báo mạng Hồng Kông South China Morning Post, trong cuộc thảo luận về tương lai của Hải Quân Mỹ do Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức, đô đốc Michael Gilday thẳng thắn nhận định các mục tiêu của Trung Quốc được chủ tịch Tập Cận Bình đề ra là trở thành một cường quốc quân sự trong vùng đến năm 2035, tiếp theo cấp thế giới vào năm 2050, đạt được kết quả sớm hơn thời hạn. Từ nay đến năm 2027, Trung Quốc có thể trở thành cường quốc quân sự cấp vùng.

Để đối phó với bất kỳ cuộc đối đầu nào giữa Mỹ và Trung Quốc, đô đốc Michael Gilday cho rằng hải quân Mỹ cần thực hiện một số cải cách trong bối cảnh ngân sách hạn chế : từ bỏ chương trình sản xuất tầu chiến lạc hậu và tập trung vào nguồn lực « sẵn sàng chiến đấu », phối hợp với các hoạt động quân sự còn lại của bộ Quốc Phòng, như không quân, lục quân, thủy quân lục chiến, lực lượng không gian và vũ trụ. Trước đó, Mỹ đã dành 782 tỉ đô la cho ngân sách quốc phòng năm 2022, tăng 5,6% so với năm trước. Còn đối với năm 2023, Lầu Năm Góc yêu cầu 813 tỉ đô la.

Tham mưu trưởng hải quân Mỹ khẳng định « vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương là tâm điểm » trong chiến lược quân sự của Washington. Vào tháng Ba, báo cáo về chiến lược quốc phòng của Lầu Năm Góc nhấn mạnh Trung Quốc là « đối thủ cạnh tranh chiến lược lớn nhất và là thách thức cho bộ Quốc Phòng », trước cả Nga.

Trong chuyến công du châu Á sắp tới, tổng thống Joe Biden sẽ đến Nhật Bản và Hàn Quốc để nhấn mạnh đến cam kết của Washington về « một vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Nguyên thủ Mỹ cũng sẽ làm việc với các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ-QUAD (gồm Úc, Nhật Bản, Ấn Độ).

Bài Liên Quan