Nga-Ukraine: Lý lẽ của giới ủng hộ Putin và luận điểm ‘Còn Mỹ thì sao?’

4 giờ trước

Ukraine

So sánh những cuộc chiến tranh khác để cho rằng Mỹ đạo đức giả, không có quyền lên án cuộc xâm lược Ukraine là lập luận chủ đạo mà giới ủng hộ Nga xâm lược Ukraine đang sử dụng.

Các luận điểm chủ yếu như tại sao không ủng hộ Iraq, Afghanistan, Libya khi Mỹ xâm lược mà lại ủng hộ Ukraine.

Tại Việt Nam, một số người thậm chí so sánh việc Mỹ ném bom ở Hà Nội và Nga bắn tên lửa ở thành phố Kharkiv của Ukraine để nói rằng Phương Tây với Mỹ là cường quốc dẫn đầu là đạo đức giả và có tiêu chuẩn kép.

Công cụ tuyên truyền của Liên Xô

“Whataboutism” là một từ khác cho cụm từ Latin “tu quoque” (“you also” – bạn cũng như vậy] mà trong đó một cáo buộc sẽ bị vấp phải một cáo buộc chống lại nhằm chuyển hướng lời chỉ trích ban đầu.

Whataboutism là chiến thuật được giới tuyên truyền của Liên Xô sử dụng trong và sau Chiến tranh Lạnh.

Cụ thể là bất kỳ chỉ trích nào xuất hiện về Liên Xô như chiến tranh Afghanistan, thiết quân luật ở Ba Lan, bỏ tù các nhân vật bất đồng chính kiến, vấn đề kiểm duyệt thì chuyện Mỹ treo cổ người nô lệ, chế độ Apartheid ở Nam Phi… được đưa ra.

Trong loạt bài viết nổi tiếng từ năm 2007-2008 thì biên tập viên cấp cao của The Economist, Edward Lucas đề cập đến “whataboutism” cụ thể, đó là “những kẻ ngu ngốc của Điện Kremlin” tìm cách “làm cho mọi tội ác của Liên Xô phù hợp với một tội ác có thật hoặc tưởng tượng của Phương Tây.”

Năm 2017, Tổng thống Putin được cho đã sử dụng Whataboutism trong một phỏng vấn trên NBC. Khi được hỏi về thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, thì ông Putin đã chuyển sang chủ đề Mỹ can thiệp bầu cử ở nước ngoài.

Cụ thể Putin đã nói: “Hãy đặt ngón tay của bạn ở bất kỳ nơi nào trên bản đồ thế giới, và mọi nơi bạn sẽ nghe những lời khiếu nại về việc giới chức Mỹ đang can thiệp vào quy trình bầu cử nội bộ.”

Whataboutism xuất hiện tại nhiều quốc gia. Một phân tích trên tạp chí Fulcrum thuộc Viện nghiên cứu ISEAS – Yusof Ishak chỉ ra rằng tại Malaysia, “whataboutism” cũng được sử dụng khi so sánh các cuộc chiến tranh trước đây của Mỹ và Nato ở Trung Đông và Afghanistan với việc Nga xâm lược Ukraine.

‘Không cần phải đúng’

Biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine

“Việc so sánh như vậy là sai. Tuy nhiên dạng thông tin sai sự thật này và whataboutism không cần phải đúng hoặc mang tính thuyết phục.” Gregory B. Poling, nhà nghiên cứu cấp cao, từ CSIS nói với BBC News Tiếng Việt.

“Whataboutism là nhằm mục đích củng cố trước những lập luận của những người đang tìm cách biện minh cho sự ủng hộ Nga và phản đối Phương Tây. Và vì lý do này, mục đích là không thay đổi nhiều suy nghĩa trong nội bộ Việt Nam, nơi mà các ý kiến quần chúng và giới cấp cao bị chia rẽ giữa bên ủng hộ Nga và Ukraine.”

Vũ Xuân Khang, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ ngành An ninh quốc tế tại Đại học Boston (Boston College) cho rằng “Việc có một bộ phận người Việt Nam lên án Mỹ là đạo đức giả và không có quyền lên án Nga và Putin trong cuộc chiến Ukraine là hoàn toàn bình thường.”

Theo Nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự xuất hiện tâm lý này khi không chỉ ở Việt Nam mà ở ngay tại Mỹ, nhiều người cũng chỉ trích Mỹ là đạo đức giả khi nước này hàng ngày vẫn ném bom ở Trung Đông nhưng không bị chỉ trích như Nga.

“Thứ nhất, mặc dù quan hệ Việt-Mỹ đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, nhưng đối với nhiều người, việc Mỹ đã ném bom diện rộng ở Việt Nam và xâm lược miền Nam là một sự thật lịch sử không thể chối cãi. Không khó hiểu khi nhiều người Việt nhìn nhận các cuộc thảm sát của quân đội Mỹ và đồng minh tại Việt Nam không khác các cuộc thảm sát của quân Nga tại Ukraine.”

“Thứ hai, nhìn rộng ra ở các trường hợp khác, việc quân đội tàn sát dân thường trong chiến tranh là điều không thể tránh khỏi. Việc Mỹ lên án Nga tại Ukraine trong khi chính Mỹ cũng vi phạm tội ác chiến tranh ở những nước khác, đơn cử là cuộc chiến tranh Iraq, là hoàn toàn không có tính chính danh. Mỹ không thể phủ nhận chính các tội ác mà mình đã gây ra.”

“Phải nói rõ là việc Mỹ không có quyền lên án Nga không tương tự với việc Nga không vi phạm luật chiến tranh. Tóm lại như lời học giả quan hệ quốc tế Hans Morgenthau từng nói, trong chính trị quốc tế, các giá trị đạo đức là vô nghĩa khi các nước chỉ quan tâm đến quyền lực và sẵn sàng chà đạp lên các giá trị đó khi quyền lợi quốc gia bị đe doạ.”

“Luật quốc tế hay các giá trị dân chủ nhân quyền cũng chỉ là tấm bình phong cho các toan tính quyền lực chính trị ở đằng sau”, Nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang nhận định với BBC.

‘Sẽ không còn chỗ đứng’

Biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine tại New York (Mỹ)
Chụp lại hình ảnh,Biểu tình phản đối chiến tranh Ukraine tại New York (Mỹ)

Nhà nghiên cứu Gregory B. Poling cho rằng những lập luận ủng hộ Nga tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, “đang được lan truyền trong một mạng lưới khép kín của những người có cùng tư tưởng và tin vào điều này, khiến cho những người đứng giữa bị rối không biết theo phe nào.”

“Thế nhưng khi ngày càng xuất hiện thêm thông tin về tội ác chiến tranh của Nga tại Ukraine và bản chất thật sự của cuộc xâm lược tại thì tôi cho rằng sẽ ngày càng khó khăn để các lập luận ủng hộ Nga như vậy tìm được chỗ đứng.”

Về vấn đề chiến tranh chính nghĩa hay phi nghĩa, đến nay vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi.

Nghiên cứu sinh Vũ Xuân Khang cho rằng ‘một cuộc chiến phi lý hay không phụ thuộc vào kết quả, chứ không phải là các giá trị cao đẹp mà nước tham gia cuộc chiến đó tuyên bố bảo vệ’.

Ông Khang lý giải:

“Đơn cử như hai cuộc chiến tranh Việt Nam và Triều Tiên. Hoàn cảnh hai cuộc chiến này về bản chất là giống nhau nhưng Mỹ thua ở Việt Nam và hoà ở Triều Tiên. Điều này dẫn tới nhiều người nhìn nhận cuộc chiến Việt Nam là phi lý trong khi chiến tranh Triều Tiên là hợp lý vì Mỹ đã thành công bảo vệ Hàn Quốc và giúp nước này phát triển trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất Châu Á.”

“Gần đây cuộc chiến tranh Afghanistan đang dần bị coi là phi lý khi Mỹ đã phải rút quân khỏi nước này và để cho Taliban nắm quyền. Hay cuộc chiến ở Iraq cũng là phi lý khi Mỹ không thể xây dựng một nền dân chủ ở nước này và bình ổn chính trị khu vực Trung Đông.”

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác lại cho rằng mọi cuộc chiến đều là phi nghĩa.

Bài báo trên The Atlantic viết: “Lấy ví dụ như Bắc Hàn. Có nguyên nhân nào đáng để giết hàng nghìn – hàng triệu – thường dân Bắc và Nam Hàn không? Viện dẫn “an ninh quốc gia” là không đủ để gây ra một cuộc chiến tranh. Vũ khí hạt nhân của Kim Jong-un là mối đe dọa rõ ràng đối với Hàn Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ. Nhưng chỉ điều đó thôi không làm cho chiến tranh trở thành một lựa chọn có thể chấp nhận được, trong bối cảnh các sinh mạng bị đe dọa…”

Bài Liên Quan