MINH ANH / RFI –
Đánh bắt cá ở Biển Đông : Trò chơi hai mặt của Bắc Kinh
.
Trước áp lực bảo đảm an ninh nguồn cung cấp trong nước và với tham vọng phát triển ngành xuất khẩu thủy sản, Bắc Kinh không ngần ngại chơi trò hai mặt với các nước láng giềng trong vùng Biển Đông. Trên đây là những nhận định chung của chuyên gia Sébastien Colin, nhà địa lý học và giảng viên Viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Phương Đông (Inalco), trên kênh truyền hình France 24.
Biển Đông những năm gần đây đã thật sự thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và giới chuyên gia, do những căng thẳng vì các tranh chấp chủ quyền lãnh hải. Trung Quốc đã chiếm nhiều bãi đá ngầm tại hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa mà một số nước như Việt Nam, Philippines đều tuyên bố có chủ quyền.
Đối với giới chuyên gia Pháp, Biển Đông còn được ví như là Địa Trung Hải châu Á. Bởi vì, trong quá khứ, ngay từ thế kỷ XV, XVI, khu vực này đã là một không gian giao thương nhộn nhịp quan trọng. Để rồi chính tại đây, các quốc gia mới trỗi dậy một khi thời kỳ thực dân chấm dứt cũng bắt đầu để ý đến các giới hạn chủ quyền lãnh thổ, giới hạn chính trị… Và trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, vùng không gian này vẫn luôn mang tính thời sự hơn bao giờ hết.
Bởi vì giờ đây, Biển Đông, không gian trao đổi, nay cũng là không gian căng thẳng, không chỉ về mặt quân sự vì những yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các bãi đá ngầm, các đảo nhỏ, mà cả về môi trường. Tình trạng đánh bắt thủy hải sản quá mức đã đặt khu vực này dưới nhiều áp lực, trong khi mà các chương trình hợp tác đa phương giữa các nước có liên quan hầu như vắng bóng, theo như quan sát của ông Sébastien Colin:
« Ở đây, người ta đưa ra các chiến lược, những quan điểm khác nhau của các chính phủ : nhiều chương trình hợp tác được đề xuất giữa một số nước này, nhưng lại thiếu hợp tác với những nước khác. Quả thật, bất kể việc các nước hiện đều có chung một thách thức, nhưng các áp lực môi trường đã không thúc đẩy được một sự hợp tác sâu rộng như mong đợi ».
Trung Quốc: Người khổng lồ “háu đói” thủy sản
Căng thẳng này dường như còn gia tăng thêm một mức khi Trung Quốc gần đây thông báo từ đây đến năm 2050, kinh tế hàng hải (gồm các hoạt động cảng biển, vận chuyển hàng hải, du lịch…) phải chiếm đến 30% tổng sản phẩm quốc nội. Và nhất là khi tập trung quan sát ngành ngư nghiệp, người ta nhận thấy rõ là « Bắc Kinh có một lập trường gây căng thẳng nhiều hơn là hợp tác », theo như phân tích của ông Colin.
Hiện tại, Trung Quốc đã đứng đầu thế giới về nuôi trồng thủy hải sản (chiếm 61% tổng sản lượng thủy hải sản) và đánh bắt (khoảng 27%). Ông Colin lưu ý : « Năm 2015, sản lượng đánh bắt xa bờ của Trung Quốc là 17,6 triệu tấn. Quốc gia đứng hàng thứ hai trên thế giới là Indonesia, với 6,5 triệu tấn. »
Bảo đảm an ninh lương thực là một thách thức lớn đối với Trung Quốc. Nhu cầu tiêu thụ thủy hải sản trong nước đã tăng mạnh ngay từ những năm 1980, 1990, 2000. Nhu cầu này vẫn sẽ tiếp tục gia tăng trong những thời gian sắp tới, bởi vì mức tiêu thụ cá mỗi năm tính theo đầu người tại Trung Quốc không ngừng tăng lên.
Điều nghịch lý là Bắc Kinh không chỉ hài lòng với việc bảo đảm nguồn cung cho thị trường nội địa khổng lồ, mà còn muốn đẩy mạnh xuất khẩu thủy hải sản ra thị trường thế giới. Với ông Colin, đây quả là một đòi hỏi đầy tham vọng : « Trung Quốc xuất khẩu một phần sản lượng của mình, 10% sản lượng nuôi trồng được xuất khẩu ra thị trường thế giới. Do vậy, nước này có một chính sách gia tăng xuất khẩu đơn giản chỉ vì lý do kinh tế và đương nhiên điều đó khiến cho nhu cầu về thủy hải sản của Trung Quốc ngày càng trở nên lớn ».
Cơ chế song phương hơn là đa phương
Hệ quả đương nhiên của một chính sách ngư nghiệp « tham vọng » này là Trung Quốc phải đối mặt với nhiều vấn đề như ô nhiễm bờ biển, nguồn dự trữ thủy hải sản bị suy kiệt. Trung Quốc buộc phải mở rộng phạm vi đánh bắt, đi đến những vùng biển xa hơn ở Biển Đông, hay Nam Thái Bình Dương. Và đây cũng chính là điểm phát sinh các căng thẳng trong khu vực.
Về điểm này, chuyên gia Sébastien Colin trở lại nguyên nhân sâu xa giải thích vì sao Trung Quốc ngày nay luôn nằm trong thế kẹt giữa ý muốn « hợp lý hóa » một phần các nguồn thủy sản ở các vùng duyên hải và chính sách phát triển đánh bắt xa bờ.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện đang khai thác quá mức các nguồn thủy hải sản gần bờ. Trong suốt những năm 1980, 1990, Bắc Kinh đã phát triển mạnh ngành nuôi trồng thủy hải sản nhằm cung cấp cho thị trường nội địa, đồng thời Trung Quốc cũng tìm cách giảm bớt đội ngư thuyền nhằm bảo tồn các nguồn thủy hải sản gần bờ.
Thế nhưng, mô hình đó giờ đang tỏ ra hụt hơi. Ngành nuôi trồng thủy hải sản không có nhiều triển vọng phát triển tại Trung Quốc. Các nguồn thủy hải sản ven bờ thì đang dần suy kiệt. Các loài cá ven bờ là những loài cá nhỏ, chỉ có thể dùng để làm thức ăn cho cá nuôi.
Câu hỏi đặt ra : Đâu là chiến lược hành động của Bắc Kinh trong lĩnh vực này ? Hợp tác đa phương hay là song phương ? Về điểm này, chuyên gia Colin khẳng định Bắc Kinh không có thiện chí hợp tác « đa phương » và chỉ giải quyết các căng thẳng trong lĩnh vực ngư nghiệp thông qua các thỏa thuận song phương. Ông giải thích rằng :
« Bởi vì các chính sách đa phương đòi hỏi Bắc Kinh phải tuân thủ một số tiêu chí được quy định trong Công ước Quốc tế về Quản lý ngư nghiệp và chống đánh bắt trái phép. Và Trung Quốc luôn phản đối văn bản này, cũng như là không tham gia ký kết và phê chuẩn. Do vậy, Trung Quốc chỉ giải quyết vấn đề đánh bắt bằng hợp tác song phương thông qua một loạt các thỏa thuận được phép tiếp cận các vùng đặc quyền kinh tế của một nước nào đó. »
Đương nhiên những thỏa thuận này không thể nào ngăn chận những va chạm, xung khắc xảy ra. Ngư dân địa phương phản đối mạnh mẽ trước việc ngư dân Trung Quốc được phép đến đánh bắt tại những ngư trường truyền thống của họ. Và một hệ quả khác cũng đáng chú ý là những nguồn cá do các ngư thuyền của Trung Quốc đánh bắt được chưa hẳn được dành cho các ngư thuyền địa phương. Đây chính là một trong những vấn đề thường gặp nhất trong các kiểu thỏa thuận này và dĩ nhiên Trung Quốc chưa hẳn là tác nhân duy nhất.
Nguồn: RFI