Khủng hoảng chi phí sinh hoạt do chiến tranh Ukraine, Covid, biến đổi khí hậu

7 giờ trước

Bunchuay Somsuk in a rice field in Suphanburi, Thailand
Chụp lại hình ảnh,Bunchuay Somsuk tại một cánh đồng lúa ở Suphanburi, Thái Lan

Hàng triệu người trên thế giới đang phải đối mặt với những quyết định khó khăn khi giá thực phẩm và năng lượng tăng cao.

Nhiệt độ gia tăng liên quan đến biến đổi khí hậu dẫn đến thu hoạch kém. Đại dịch Covid dẫn đến tình trạng thiếu hàng hóa và nhân công.

Ngoài ra, Ngân hàng Thế giới cũng cảnh báo rằng việc Nga xâm lược Ukraine có thể gây ra suy thoái kinh tế toàn cầu do nguồn cung khí đốt bị cắt giảm và chi phí phân bón tăng cao.

Người dân từ 5 quốc gia chia sẻ với các phóng viên của BBC câu chuyện của họ về tác động của cuộc khủng hoảng giá cả sinh hoạt.

Thái Lan: Giá phân bón đe dọa xuất khẩu gạo

Jonathan Head, phóng viên BBC khu vực Đông Nam Á

Trên những cánh đồng lấp lánh dưới những cơn mưa do đợt gió mùa mang tới, Bunchuay Somsuk và những người hàng xóm của bà đang rải phân bón cho lúa để đảm bảo năng suất tốt. Gạo Thái Lan nổi tiếng về chất lượng, và phần lớn vụ mùa ở Suphanburi, phía bắc Bangkok, được xuất khẩu, chủ yếu sang Trung Đông và Châu Phi.

Farmer throwing fertiliser on rice field in Thailand

Bunchuay có một cuốn sổ ghi lại các khoản nợ của mình. Bà vẫn còn nợ số tiền tương đương 400 bảng Anh (khoảng 12 triệu VNĐ) từ năm ngoái. Với giá gạo toàn cầu thấp và chi phí phân bón tăng cao, bà ít có khả năng trang trải chi phí sau vụ thu hoạch năm nay.

Tháng 4 năm ngoái, phân bón có giá 550 baht (khoảng 350.000 VNĐ), nhưng năm nay giá cao gấp ba lần. Thái Lan nhập khẩu hơn 90% nguyên liệu làm phân bón.

Chính phủ Thái đã áp dụng mức giá trần để giữ chi phí thấp hơn mức toàn cầu, nhưng các nhà sản xuất nói rằng điều này là không bền vững vì họ đang thua lỗ.

Nông dân trồng lúa Thái Lan cần một lượng lớn phân bón để sản xuất lượng gạo dư thừa có thể xuất khẩu đi khắp thế giới. Như vậy, hoặc giá phân bón phải giảm, hoặc giá lúa phải tăng. Một viễn cảnh đáng lo ngại đối với nhiều quốc gia phụ thuộc vào mặt hàng chủ lực này.

Brazil: Các cánh đồng đã đầy, nhưng tủ lạnh lại trống rỗng

Katy Watson, phóng viên BBC tại Brazil

Đối với Rosiane Inácio Bulhões de Oliveira, ngay cả việc mua những thứ cơ bản cũng khó. Bà mẹ bốn con sống ở Araraquara, São Paulo, hiện phụ thuộc vào các cửa hàng bán lẻ và hàng tạp hóa giảm giá. Bà mở tủ lạnh của mình – nó trống trơn, ngoài một nồi thức ăn thừa.

Rosiane Inácio Bulhões de Oliveira making soap in her family home
Chụp lại hình ảnh,Rosiane Inácio Bulhões de Oliveira làm xà phòng tại nhà

“Ông chủ của tôi đã định đổ bỏ nồi đậu và thịt xông khói này, nhưng tôi đã giải cứu cái nồi đúng lúc”, bà nói.

Trong năm qua, Brazil đã chứng kiến lạm phát ở mức hai con số đối với hàng hóa và dịch vụ cơ bản. Cứ bốn người thì có một người không có đủ lương thực, mặc dù Brazil là một cường quốc nông nghiệp. Giá lương thực đang tăng trong nước, nhưng tiền lương không theo kịp.

Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do hậu quả của đại dịch, cùng với biến đổi khí hậu và chi phí phân bón tăng cao, đang đẩy chi phí sản xuất của người nông dân lên cao – điều này đang tác động mạnh đến người tiêu dùng.

Bên trong nhà của Rosiane có mùi hôi – đó kết quả của việc giữ cho nơi này sạch sẽ là rất tốn kém. Với việc giá dầu ăn tăng cao, Rosiane và cha của cô là Irandi đã nghĩ ra một sáng kiến: biến dầu đã qua sử dụng thành xà phòng.

New Zealand: Nhiều người phải chuyển đến Úc

Shaimaa Khalil, phóng viên BBC tại Australia

Thủ đô Wellington của New Zealand được xếp hạng là một trong những thành phố khó có thể mua bất động sản nhất trên thế giới. Bức tranh cũng ảm đạm cho những người cho thuê nhà, với mức tăng giá 12% trong năm qua. Điều đó, cùng với sự gia tăng giá xăng dầu và thực phẩm, đã khiến nhiều người cân nhắc việc chuyển đến Úc gần đó – nơi họ có quyền sinh sống và làm việc.

Harmony standing in her garden in Australia
Chụp lại hình ảnh,Harmony nói với BBC rằng bà chuyển từ New Zealand sang Úc do giá cả tăng

Chris, một thợ xây dựng, vợ ông là Harmony và bốn cô con gái của họ gần đây đã rời Wellington để bắt đầu cuộc sống mới ở thành phố Brisbane của Úc. Mặc dù sở hữu nhà riêng và kiếm được mức lương hợp lý, họ vẫn gặp khó khăn.

Chris cho biết: “Chúng tôi có 4 đứa con, vì vậy chi phí rất đắt đỏ. Chúng tôi nhận thấy ở Úc người ta đang than chi phí sinh hoạt tăng lên – nhưng đó là chi phí cách đây 5 năm ở New Zealand”.

Rời New Zealand và họ hàng là một quyết định khó khăn đối với Harmony. Nhưng bà nói rằng động thái này là cần thiết cho bọn trẻ.

“Bạn không thể kiếm sống ở New Zealand. Bạn không có lựa chọn nếu bạn muốn sống, bạn phải chuyển đi, hoặc New Zealand phải thay đổi. Tôi muốn một tương lai cho các con tôi và chúng tôi không có tương lai ở New Zealand,” bà nói.

Chính phủ New Zealand đã cố gắng tăng một số biện pháp ngắn hạn như trợ cấp nhiên liệu và giảm một nửa chi phí giao thông công cộng – nhưng đối với nhiều người, điều đó là chưa đủ.

Ý: Thắt lưng buộc bụng khi chi phí năng lượng tăng gấp đôi

Jessica Parker, phóng viên BBC phụ trách các vấn đề châu Âu

Ở Brescia, Ý, thép là mặt hàng sống còn của cộng đồng ở đây. Trong 15 năm qua, ngành công nghiệp này đã phải chịu đựng sự sụp đổ tài chính và đại dịch Covid-19. Giờ đây, với cuộc chiến ở Ukraine và phong tỏa do Covid ở Trung Quốc, thương mại đang bị gián đoạn hơn nữa.

Mirella and Lucas at a cast iron foundry in Brescia
Chụp lại hình ảnh,Mirella và Lucas tại một xưởng đúc gang ở Brescia

Mirella và Lucas gặp nhau tại một xưởng đúc gang ở Brescia. Mức lương ổn định của cả hai người không chống đỡ được chi phí thực phẩm, xăng dầu và năng lượng tăng.

Mirella cho biết: “Về điện, gần đây chúng tôi cũng phải chịu đựng như bao người khác. Hóa đơn của chúng tôi đã tăng gấp đôi – mặc dù chúng tôi không bao giờ ở nhà”. Lucas nói: “Chúng tôi đang thắt lưng buộc bụng. Thay vì tiết kiệm nhiều, bạn sẽ tiết kiệm ít hơn”.

Đơn đặt hàng tại xưởng đúc gang này vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, một nguồn nguyên liệu quan trọng từ thành phố Mariupol, miền đông nam Ukraine hiện đang bị thiếu hụt, sau khi quân đội Nga chiếm đóng khu vực này.

Ghana: Nước uống ăn vào ngân sách hàng tuần

Nomsa Maseko, phóng viên BBC tại Tây Phi

Mark Impraim sở hữu một công ty kinh doanh dịch vụ ăn uống ở Ghana – một trong những quốc gia có chi phí sinh sống đắt đỏ nhất ở châu Phi. Anh mua nguyên liệu cho một trong những món ăn phổ biến nhất của mình – cơm trộn – tại một khu chợ địa phương. Nhưng giá đã tăng gấp đôi trong những tháng gần đây.

Market vendor and Mark Impraim
Chụp lại hình ảnh,Mark Impraim (phải) mua rau tại một chợ địa phương ở Accra

Mark nhìn vào một thùng cà chua, thất thần trước bảng giá. “[Hộp cà chua này] từng là 20 cedis khoảng 60.000 VNĐ]. Bây giờ nó có giá 40” anh nói. “Tôi nên tăng gấp đôi giá đồ ăn mình phục vụ, nhưng điều đó sẽ khiến khách hàng sợ hãi. Tôi cố gắng tìm cách khắc phục bằng cách giảm lượng đồ ăn.”

Trong số các chi phí gia tăng khác ăn vào ngân sách hàng tuần của Mark, có chi phí nước uống. Các thùng nước đã tăng giá hai lần trong bốn tháng do đồng cedi mất giá. Các nhà cung cấp nước cho biết việc tăng phí đối với khách hàng là điều khó tránh khỏi.

Bài Liên Quan