Phe ‘thức tỉnh’ đang phát điên với Elon Musk

Phe 'thức tỉnh' đang phát điên với Elon Musk

Giám đốc điều hành của Tesla Elon Musk phát biểu tại buổi khai trương “Cyber ​​Rodeo” của Tesla Giga Texas vào ngày 07/04/2022 ở Austin, Texas. Tesla đã chào đón đông đảo những người yêu thích ô tô điện đến Texas vào ngày 07/04 để dự một bữa tiệc khổng lồ khai trương một “gigafactory” (siêu nhà máy) có diện tích bằng 100 sân bóng chuyên nghiệp. (Ảnh: SUZANNE CORDEIRO / AFP qua Getty Images)

Phe ‘thức tỉnh’ đang phát điên với Elon Musk

 Bình luậnBảo Nguyên •  03/06/22

Phe thức tỉnh đang thực sự phát điên với Elon Musk. Mới đây, công ty xe điện Tesla của ông trùm sản xuất xe đã bị loại khỏi danh sách S&P 500 ESG Index (đánh giá về môi trường là một tiêu chí quan trọng trong danh sách này). Ông Musk đã gây phật ý giới thức tỉnh độc tài, và không biết cuộc chiến của phe thức tỉnh chống lại người giàu nhất thế giới sẽ đi xa tới đâu.

Phe thức tỉnh đưa Elon Musk lên thập tự giá

Đã có nhiều lời chỉ trích nhắm tới Elon Musk – rằng ông thuộc giới tinh hoa, rằng Tesla đã hưởng lợi từ các khoản hỗ trợ và miễn trừ của chính quyền, rằng công ty Neuralink theo hướng siêu nhân học (dùng công nghệ để giúp con người vượt qua các giới hạn bản thân) của ông đang thực hiện khai thác dữ liệu từ não bộ. Tuy nhiên, chính kế hoạch mua Twitter của ông Musk, sự ủng hộ tuyệt đối với tự do ngôn luận và việc ông từ bỏ Đảng Dân chủ diễn ra sau đó – ông gọi đảng này là “đảng của sự thù hận” – đã khiến phe thức tỉnh đưa ông lên cây thập tự giá. 

Những bình luận cay độc trên Twitter, sự bới móc về tiểu sử trên New York Times – Financial Times, một loạt các bài định hướng dư luận thiên lệch và các thông tin gây hoang mang trên các phương tiện truyền thông dòng chính, và các cáo buộc quấy rối tình dục là những thứ đã đeo bám ông trùm ô tô điện kể từ khi ông muốn thâu tóm Twitter. Đáp lại, ông Musk đã tuyên bố trên Twitter rằng ông đang tập hợp một nhóm pháp lý để kiện những người nói xấu và bảo vệ Tesla (có thể là cả chính ông) trước các vụ kiện.

Loại Tesla khỏi danh sách ESG – một động thái lố bịch

Nhưng dấu hiệu rõ nhất cho thấy phe thức tỉnh đang thực sự tức giận đến phát điên là việc họ loại Tesla khỏi danh sách S&P 500 ESG Index (ESG là chỉ Môi trường, Xã hội và Quản trị – đây là danh sách các công ty hoạt động theo tiêu chí ESG của S&P 500). Động thái này đã chứng minh rằng “ESG là một trò lừa đảo”.

Tôi đã từng chỉ ra rằng ESG là một phương tiện để lọc ra các doanh nghiệp thức tỉnh nhằm tạo nên một nhóm thức tỉnh độc quyền, nhưng động thái loại trừ Tesla lại đạo đức giả và lố bịch một cách đặc biệt. Tesla đã sản xuất nhiều xe điện hơn bất kỳ nhà sản xuất nào khác. Trong khí đó, Exxon Mobil và JP Morgan Chase vẫn được xếp hạng nằm trong số những công ty ESG hàng đầu của S&P 500, sau sự điều chỉnh gần đây. JP Morgan là nhà đầu tư lớn nhất của thế giới vào lĩnh vực sản xuất dầu trong khi ExxonMobil là nhà sản xuất dầu hàng đầu.

Lý do Tesla bị loại khỏi danh sách ESG

Những lý do được đưa ra để loại Tesla khỏi danh sách trên cũng chứng minh rằng việc đánh giá chỉ số ESG mang tính chính trị từ cốt lõi. Bà Margaret Dorn của Blog Indexology đã viết:

“Một số yếu tố ảnh hưởng đến Điểm số S&P DJI ESG [S&P Dow Jones Indices] năm 2021 [của Tesla] là sự sụt giảm điểm số tiêu chuẩn liên quan đến chiến lược giảm carbon và quy tắc ứng xử kinh doanh của Tesla. Ngoài ra, theo Phân tích truyền thông và các bên liên quan, một quy trình nhằm xác định mức độ rủi ro hiện tại và tiềm tàng của công ty bắt nguồn từ các vụ việc gây tranh cãi, đã chỉ ra hai vấn đề khác nhau liên quan tới các cáo buộc phân biệt chủng tộc và điều kiện làm việc tồi tệ tại nhà máy Fremont của Tesla, cũng như những phản ứng trước cuộc điều tra của NHTSA (Cơ quan An toàn Giao thông Cao tốc Quốc gia của Mỹ) sau khi nhiều người chết và bị thương liên quan đến các phương tiện lái tự động của công ty này. Cả hai điều này đều có tác động tiêu cực đến Điểm số S&P DJI ESG tiêu chuẩn của công ty, cũng như điểm số tổng thể của công ty. Mặc dù Tesla có thể đang góp phần loại bỏ những chiếc xe chạy bằng nhiên liệu, nhưng công ty này đang bị tụt lại phía sau các công ty khác khi được xem xét qua một lăng kính ESG rộng lớn hơn”.

Những gì chúng ta được thấy qua “lăng kính ESG rộng lớn hơn” này là vấn đề chính trị. ESG, như Bloomberg lưu ý, là thước đo quan hệ công chúng, chứ không phải về tác động đến môi trường. Tesla đã bị báo chí bôi nhọ với các cáo buộc kỳ thị chủng tộc, và nguồn gốc Nam Phi của ông Musk được sử dụng để củng cố cho những cáo buộc như vậy. Vào năm 2018, Business Insider tuyên bố rằng ông Musk là người được hưởng lợi từ mỏ ngọc lục bảo thuộc sở hữu của cha ông, Errol. Mỏ này được cho là một cơ sở phân biệt chủng tộc, có những người Nam Phi da đen làm việc. Đám đông trên Twitter và các phương tiện truyền thông khác đã tiếp tục lặp lại các lời cáo buộc, bất chấp sự bác bỏ thuyết phục từ phía ông Musk.

Tesla và ông Musk đang gặp vấn đề với chữ S trong ESG – vấn đề “xã hội” hoặc “công bằng xã hội”. “Đa dạng, công bằng và hòa nhập” có nghĩa là loại trừ sự không đúng đắn về chính trị. Điều này áp dụng cho các công ty cũng như cho các cá nhân. Ông Musk bị coi là một kẻ đáng bị chỉ trích, và do đó công ty của ông không vượt qua được tiêu chí “công bằng xã hội”.

Như vậy, sự việc về ông Musk đã vạch trần những mâu thuẫn trong bộ máy đánh giá của phe thức tỉnh. Khi không làm vừa lòng những quan tòa thức tỉnh, bất cứ thứ gì có thể được sử dụng để chống lại một công ty hoặc chủ sở hữu của nó, sẽ được sử dụng. Đó là bởi vì ESG là một thước đo định tính, dựa trên các ấn tượng tạo ra, khiến các công ty phải chiều theo những ý thích bất chợt của nền độc tài thức tỉnh.

Phe thức tỉnh sẽ đi xa tới đâu trong cuộc chiến với Elon Musk?

Tôi không có ý ám chỉ rằng ông Musk là một anh hùng ủng hộ thị trường tự do hay một người theo chủ nghĩa tự do bình thường. Nhưng rõ ràng là ông ấy đang trở thành kẻ thù số một của phe thức tỉnh, thế lực vốn được nhà nước hậu thuẫn. Cuộc chiến đang hình thành giữa ông Musk và phe thức tỉnh sẽ là một cuộc chiến đặc biệt quan trọng, vì quyền lực của phe thức tỉnh đang được thử thách trước một nhà sản xuất nổi tiếng và uy tín của “người giàu nhất thế giới”. Chúng ta sẽ được thấy sức mạnh của phe thức tỉnh và liệu nó sẽ đi xa tới đâu trong việc vi phạm quyền sở hữu và xóa bỏ những tiêu chí thị trường hợp pháp (dựa trên người tiêu dùng) còn sót lại, bằng tất cả sự đạo đức giả và hận thù của nó.

Trong nền kinh tế chính trị ngày nay, việc làm hài lòng các cổ đông và khách hàng trở nên ít quan trọng hơn so với việc làm hài lòng phe thức tỉnh cũng như hệ thống chính quyền đang ủng hộ cho nó. Việc các tập đoàn tuân theo văn hóa thức tỉnh, các mệnh lệnh của nhà nước và các tuyên truyền của nhà nước có thể được giải thích dưới góc độ một nền kinh tế đã được chính trị hóa hoàn toàn. Các tập đoàn tìm cách giành sự ủng hộ của phe phái nắm quyền, và do đó, họ đã trở thành một cơ quan của Đảng Dân chủ của chính quyền liên bang, vốn đang được kiểm soát bởi đảng này.

Các phong trào xã hội của phe Dân chủ hay văn hóa thức tỉnh đang phát triển tới mức độ khiến gần như không thể tạo ra lợi nhuận kinh doanh nếu không có sự đồng thuận về mặt chính trị. Thật không may, Elon Musk sẽ học được nhiều điều hơn nữa về chủ nghĩa tư bản chính trị thức tỉnh (chỉ sự liên kết giữa giới chính trị và giới doanh nhân trong trào lưu thức tỉnh) trong một tương lai không xa.

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Tác giả Michael Rectenwald là tiến sĩ và là cựu giáo sư tại Đại học New York. Ông là tác giả của 11 cuốn sách, bao gồm Vượt ra ngoài thức tỉnh (Beyond Woke), Quần đảo Google (The Google Archipelago) và Mùa xuân của những bông tuyết (Springtime for Snowflakes).

Bảo Nguyên

Bài Liên Quan