Hạt nhân Iran: Tổng thống Mỹ Biden bị dồn vào chân tường ?

Đăng ngày: 10/06/2022

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi phát biểu với công chúng nhân chuyến đi thị sát tỉnh Shar-e Kord, miền Trung Iran, ngày 09/06/2022. Ảnh do phủ tổng thống Iran cung cấp. AP

Minh Anh

Ngày 09/06/2022, Hoa Kỳ và các nước phương Tây có tham gia đàm phán hạt nhân Iran đã thông qua nghị quyết chỉ trích Iran thiếu hợp tác trong hồ sơ hạt nhân. Teheran ngay lập tức đáp trả khi thông báo với Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) quyết định ngắt kết nối 27 camera giám sát. Theo giới quan sát, căng thẳng bùng lên đặt chính quyền Biden trong thế « tiến thoái lưỡng nan »

Jonathan Piron, chuyên gia về Iran, Trung tâm Etopia, trên đài RFI trước hết nhận định : Teheran đã chọn chơi trò « cân bằng tương quan lực lượng » trong đàm phán khi đưa ra nhiều tín hiệu khác nhau, cụ thể lần này là ngắt kết nối các camera giám sát.  

Nhưng hành động này của Teheran lại đặt chính quyền Biden trước một chọn lựa khó khăn. Nếu nhượng bộ, Joe Biden có nguy cơ bị đảng đối lập Cộng Hòa lên án là mềm yếu trước một trong những kẻ thù tệ nhất của Mỹ khi chỉ còn có vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử giữa kỳ (Mid-Term) tháng 11/2022. Còn nếu tuyên bố thất bại ngoại giao, một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng tại Trung Đông rất có thể bùng phát vào lúc cuộc chiến Nga – Ukraina đang diễn ra gay gắt. 

Nếu như việc đôi bên đều kiên định trong chiến lược « đi đến cùng » đang gây khó khăn cho cuộc đàm phán theo như quan sát của ông Jonathan Piron, trên thực tế, ông Biden cũng bị cản trở do nội bộ chính trường Mỹ bị chia rẽ.

AFP cho biết, tại Washington, phe ủng hộ thỏa thuận hạt nhân 2015 (còn được biết dưới tên viết tắt là JCPOA) cho rằng văn bản này là phương tiện duy nhất để ngăn cản Iran sở hữu bom hạt nhân, và việc Biden nên có vài nhượng bộ để cứu vãn thỏa thuận này là cũng đáng giá. 

Ngược lại, phe chống, chủ yếu thuộc đảng Cộng Hòa, lại xem đấy như là một bằng chứng rằng Iran đã không hợp tác đầy đủ với AIEA. Giới nghiên cứu chủ trương cứng rắn còn đi xa hơn, khi hối thúc Biden trở lại với chính sách « áp lực tối đa » thời Donald Trump.

Ông Ali Vaez, thuộc International Crisis Group, tổ chức chuyên cảnh báo các cuộc xung đột, nhận định bế tắc này dường như là kết quả của một chiến lược mà chính quyền Biden ngầm theo đuổi từ nhiều tháng qua : « Không có thỏa thuận, Không có khủng hoảng ». 

Và việc duy trì một nguyên trạng, một vùng xám này khiến nhà nghiên cứu Randa Slim, trung tâm cố vấn Middle East Institute, nghi ngờ rằng « các cuộc thương thuyết ở Vienna đã thất bại, nhưng không một ai muốn nói ra ».  

Đây chính là thế tiến thoái lưỡng nan đối với chính quyền Biden. Nhà nghiên cứu về Trung Đông giải thích tiếp : Nếu Biden tuyên bố đàm phán đã kết thúc, theo ý kiến nhiều chuyên gia, Teheran đang tiến gần hơn bao giờ hết đến vị thế quốc gia hạt nhân. Theo bà, « Hoa Kỳ buộc phải chuyển sang hành động », hoặc phải « chấp nhận một cuộc can thiệp quân sự từ Israel » nhắm vào các điểm khai thác hạt nhân của Iran. Đây cũng chính là điều được phe diều hâu hậu thuẫn mạnh mẽ. 

Từ những quan sát trên, ông Ali Vaez, International Crisis Group, cho rằng căng thẳng với AIEA đã cho cả hai phe thấy rằng chiến lược giữ nguyên trạng này « thật sự khó thể duy trì », bởi vì Joe Biden và chính quyền của ông cùng lúc phải « lội ngược hai dòng » với nhiều áp lực. Thứ nhất là về kỹ thuật đang đưa Cộng Hòa Hồi Giáo tiến gần đến việc sở hữu vũ khí hạt nhân, và điều này sẽ thúc đẩy Quốc Hội Mỹ đi đến việc yêu cầu tổng thống có hành động kiên quyết hơn. Thứ hai là vế chính trị, vào lúc cuộc bầu cử giữa kỳ đang đến gần.  

Trong bối cảnh này, ông Ali Vaez dự báo có hai khả năng giải quyết : Hoặc những căng thẳng trên có thể thúc đẩy các nhà lãnh đạo ở Teheran và Washington đưa ra một đồng thuận hiện đang được đặt trên bàn đàm phán. Hoặc ngược lại, chúng có thể dẫn đến một chu kỳ leo thang khác và chỉ sẽ làm cho tình hình thêm tồi tệ.

Bài Liên Quan