Chiến tranh Ukraina: Đâu là những bất đồng giữa Paris và Kiev?

Đăng ngày: 16/06/2022

Tổng thống Ukraina, Volodymyr Zelensky (T) trao đổi với tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại phủ tổng thống, Kiev, Ukraina, ngày 16/06/2022. AP – Ludovic Marin

Trọng Nghĩa

Với chuyến thăm Ukraina hôm nay, 16/06/2022, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã rút ra được một cái gai trong quan hệ giữa Paris và Kiev, gần 4 tháng sau khi Nga khởi động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina

Thế nhưng, ngoài nỗi bất bình trước việc nguyên thủ Pháp, trong tư cách chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, chậm đích thân đến Kiev để ủng hộ đồng minh, trong thời gian qua, Ukraina còn phê phán Pháp trên nhiều điểm khác, từ việc bị cho là gây khó khăn cho Kiev trong việc gia nhập Liên Âu, cho đến cách đối phó với Nga, đặc biệt là cách xử sự với tổng thống Vladimir Putin…

Các cuộc gọi liên tục đến Vladimir Putin gây khó chịu

Ngay từ khi cuộc chiến bùng lên, Ukraina, và cụ thể là tổng thống Volodymyr Zelensky, đã không che giấu thái độ bất bình trước các cuộc điện đàm liên tục giữa tổng thống Pháp với đồng nhiệm Nga.

Trong một cuộc phỏng vấn dành cho kênh truyền hình Ý Rai 1 ngày 12/05, tổng thống Ukraina không ngần ngại cho là: “Macron không cần phải nhượng bộ ngoại giao. Không nên tìm một lối thoát cho Nga, và Macron đang làm điều đó một cách vô ích. (…) Tôi biết ông ấy muốn đạt được kết quả trong việc hòa giải giữa Nga và Ukraina, nhưng ông  ấy đã không nhận được gì.”

Bất đồng về đề nghị tránh “làm nhục” Nga

Vốn dĩ không hài lòng trước thái độ của Paris bị họ đánh giá là nhu nhược đối với Nga, Ukraina đã nổi cơn thịnh nộ khi tổng thống Pháp công khai cho rằng không nên “làm nhục” Nga.

Hôm 09/05, trong diễn văn đọc trước Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, ông Macron đã kêu gọi mọi người là “đừng bao giờ để mình bị ý muốn sỉ nhục hay trả thù đối phương cám dỗ”, ý muốn nói là không nên “cạn tàu ráo máng” với Nga. Qua hôm 03/06, trong một cuộc phỏng vấn dành cho các tờ báo địa phương, tổng thống Pháp Macron đã nhắc lại suy nghĩ trên một cách rõ ràng hơn: “Chúng ta không nên làm bẽ mặt Nga để khi chiến tranh chấm dứt, chúng ta có thể xây dựng một lối thoát thông qua các con đường ngoại giao”.

Ngay sau tuyên bố trên của tổng thống Pháp, ngoại trưởng Ukraina Dmytro Kuleba đã viết trên mạng Twitter: “Những lời kêu gọi tránh làm nhục Nga chỉ có thể làm bẽ mặt Pháp hoặc bất kỳ quốc gia nào khác. Lý do là vì nước Nga đang tự làm nhục chính mình. Tốt hơn hết chúng ta nên tập trung vào việc làm cho Nga biết thế nào là lễ độ. Điều đó sẽ mang lại hòa bình và cứu sống nhiều người”.

Trả lời kênh truyền thông Pháp Franceinfo, Alexander Query, một nhà báo Pháp làm việc tại Kiev, và thuộc ban biên tập của tờ báo Ukraina Kviv Independent đã cho rằng phát biểu của ông Macron “hoàn toàn không lọt được vào tai người Ukraina hiện nay”. Theo nhà báo này, “căn cứ vào các hành vi tàn bạo và khủng khiếp mà binh lính Nga đang gây ra đối với người Ukraina hiện nay, không làm nhục nước Nga là lập luận mà người Ukraina hoàn toàn không thể hiểu được”.

Không muốn dùng từ diệt chủng đối với Nga

Ngay từ tháng Tư, chính ông Macron đã khiến Ukraina tức giận khi ông từ chối sử dụng từ “diệt chủng” để mô tả cuộc xâm lược của Nga, như tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm trước đó.

Trước các phản ứng bất bình từ phía Kiev, mà Paris cho là xuất phát từ một sự hiểu lầm, tổng thống Macron và chính quyền Pháp thường xuyên lên tiếng nhắc lại lập trường hoàn toàn ủng hộ Ukraina trong cuộc chiến chống lại Nga. Vào hôm qua, 15/06, ngay tại Rumani, và 24 tiếng đồng hồ trước khi đến Kiev, ông Macron một lần nữa phủ nhận cáo buộc là Paris “dễ dãi” với Matxcơva, đồng thời tái khẳng định: “Ngay từ ngày đầu, Pháp đã nói rõ ràng rằng Nga là kẻ xâm lược, tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraina và người dân Ukraina, và không tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ cũng như chủ quyền của Ukraina. Chúng tôi đã lên án mạnh mẽ Nga ở tất cả các định chế quốc tế”.

Bài Liên Quan