Khi tình báo Trung Quốc bị tố cáo xen vào bầu cử Mỹ

Đăng ngày: 11/07/2022

Tổng giám đốc MI5 Ken McCallum (T) và giám đốc FBI Christopher Wray trong một cuộc họp báo chung tại trụ sở cơ quan phản gián Anh MI5, ở trung tâm Luân Đôn (Anh Quốc), ngày 06/07/2022. AP – Dominic Lipinski

Trọng Nghĩa

Trong một tuyên bố chung chưa từng thấy, giám đốc hai cơ quan an ninh FBI của Mỹ và MI5 của Anh ngày 06/07/2022, đã cảnh báo về hiểm họa gián điệp thiên hình vạn trạng đến từ Trung Quốc. Hai nhân vật này còn đặc biệt nêu lên một chiến dịch thô bạo của Bắc Kinh nhằm ngăn chặn không cho một nhà ly khai người Mỹ gốc Hoa ra tranh cử một ghế dân biểu trong Hạ Viện Hoa Kỳ. 

Đối với các nhà quan sát, sự kiện giám đốc FBI Christopher Wray từ Mỹ bay qua Anh để cùng với lãnh đạo cơ quan phản gián Anh MI5 Ken McCallum báo động về các hoạt động gián điệp của Trung Quốc, cho thấy là Washington và Luân Đôn nói riêng, và cả phương Tây nói chung, đều hết sức lo ngại trước mối đe dọa. 

Đài truyền hình Pháp France24 hôm 08/07 đã trích lời ông Zeno Leoni, một chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Trung Quốc và quan hệ Trung Quốc-Phương Tây tại King’s College ở Luân Đôn ghi nhận rằng việc hai lãnh đạo FBI và MI5 đồng lên tiếng cảnh báo về Trung Quốc không phải là sáng kiến riêng của những người đứng đầu cơ quan tình báo, mà là “một quyết định chính trị từ cấp cao nhất trong ngành hành pháp của cả hai quốc gia, mang lại cho các tuyên bố của họ một trọng lượng đáng kể”.  

Theo chuyên gia Leoni, rất có thể là phía Mỹ đang muốn tranh thủ hiệu ứng đến từ chiến tranh ở Ukraina để hình thành “một mặt trận thống nhất của phương Tây chống lại Trung Quốc”. Chuyên gia này giải thích: “So với Washington, các nước lục địa châu Âu luôn tỏ ra ít cứng rắn hơn với Bắc Kinh, và Hoa Kỳ hy vọng rằng cuộc chiến Ukraina sẽ cho châu Âu thấy rằng các chế độ độc tài – như ở Trung Quốc và Nga – đều là những đe dọa nghiêm trọng hơn là những gì họ nghĩ.” 

1.001 ví dụ về hoạt động gián điệp “made in China” 

Để minh họa cho những nhận định của mình về nguy cơ đến từ Trung Quốc, hai lãnh đạo FBI và MI5 không ngần ngại nêu ra những ví dụ cụ thể về các hoạt động gián điệp của Bắc Kinh nhằm đánh cắp các bí mật của phương Tây mà các cơ quan tình báo Anh-Mỹ đã phá được. 

Theo France24, tuyên bố chung của hai ông McCallum và Wray chẳng khác gì một danh mục về 1.001 cách mà gián điệp Trung Quốc đã sử dụng để cướp bóc kiến thức và công nghệ phương tây và đẩy các nền dân chủ vào vòng nguy khốn. 

Ông McCallum chẳng hạn đã nêu bật một số phương thức hành động, từ cử gián điệp đi trực tiếp trộm cắp, lợi dụng chuyển giao công nghệ, cho đến gài người vào các định chế nghiên cứu phương Tây dưới vỏ bọc hợp tác, nghiên cứu khoa học, hay lừa đảo, mua chuộc để tuyển mộ những chuyên gia nhẹ dạ.  

Một ví dụ được Tổng giám đốc MI5 nêu lên là trường hợp một sĩ quan tình báo Trung Quốc tên Shu Yenjoon, đã bị kết án tại Mỹ với tội danh gián điệp kinh tế và đánh cắp bí mật thương mại trong lĩnh vực hàng không Hoa Kỳ, nhưng cũng từng hoạt động ở châu Âu. 

Một ví dụ khác là vụ công ty Anh Smith’s Harlow trong ngành cơ khí chính xác. Vào năm 2017, Smith’s Harlow đã ký một thỏa thuận hợp tác với Futures Aerospace một công ty Trung Quốc, trong đó bao hàm cả việc chuyển giao công nghệ. Thế nhưng sau khi đã lấy được công nghệ, Futures đã hủy bỏ thỏa thuận và Smith’s Harlow bị phá sản vào năm 2020. Chủ tịch công ty Anh khi ấy đã phải ngậm ngùi công nhận: “Trung Quốc đã lấy được những gì họ muốn nên không cần lớp vỏ của Smith’s Harlow nữa”. 

Ông Christopher Wray, giám đốc FBI cũng nói đến tình trạng gián điệp Trung Quốc “len lỏi vào các hang cùng ngõ hẻm trên đất Mỹ để đào bới và đánh cắp các thành quả mà bản thân Trung Quốc sẽ phải mất nhiều năm để phát triển”. 

Theo Antoine Bondaz, chuyên gia về Trung Quốc tại Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp FRS: “Các cáo buộc gián điệp kinh tế và công nghiệp nhắm vào Bắc Kinh không phải là mới lạ, nhưng giờ đây, mối quan tâm của Mỹ và Anh là cố cho thấy rằng Trung Quốc, nước ngày càng có thêm nhiều phương tiện kinh tế và tự tin hơn trên trường quốc tế, đã hoành hành dữ dội hơn trong lãnh vực gián điệp”. 

Một nhà đấu tranh Thiên An Môn bị nhắm tới 

Điều mới mẻ trong các cáo buộc là sự tập trung vào mối đe dọa mà gián điệp Trung Quốc gây ra cho các nền dân chủ phương Tây. Giám đốc FBI Christopher Wray đã nêu bật ví dụ về cả một chiến dịch do Bắc Kinh tiến hành nhằm ngăn chặn bằng mọi cách việc một ứng cử viên mà họ không thích, ra tranh cử chức dân biểu trong cuộc bầu cử giữa kỳ tại Hoa Kỳ vào tháng 11 tới đây. 

Ông chủ FBI không đề cập đến tên của người bị Bắc Kinh nhắm tới, chỉ nói rằng đây là một người Hoa đã nhập tịch Mỹ, đã từng tham gia vào các cuộc biểu tình ở Quảng Trường Thiên An Môn (Bắc Kinh) năm 1989. 

Thực ra, người được đề cập đến là ông Hùng Diễm (Yan Xiong), nhân chứng mà cảnh ngộ đã được mô tả cặn kẽ trong cuộc điều tra liên bang dẫn đến quyết định của Tư Pháp Mỹ vào tháng 03/2022, truy tố một số công dân Trung Quốc về tội “sách nhiễu và đe dọa”. 

Hùng Diễm nằm trong danh sách những nhà bất đồng chính kiến ​​Trung Quốc bị Bắc Kinh truy nã gắt gao nhất, với cáo buộc là đã đóng một vai trò hàng đầu trong việc tổ chức phong trào sinh viên năm 1989. Sau cuộc trấn áp biểu tình ở Thiên An Môn, nhân vật này đã trốn sang Hoa Kỳ vào năm 1992, nơi ông được nhập tịch và sau đó đã phục vụ tám năm trong Quân Đội Mỹ. 

Một cuộc sống mới đã không ngăn cản ông tiếp tục vận động chống lại chế độ Trung Quốc. Ông thậm chí đã đến Hồng Kông năm 2009 để thể hiện hậu thuẫn cho phong trào ủng hộ dân chủ. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc ông ra ứng cử nhân cuộc bầu cử lập pháp tháng 11/2022 tại bang New York đã làm mất lòng chính quyền  Trung Quốc. 

Phương pháp hành động thô thiển 

Để ngăn không cho đối tượng bị nhắm tới của mình ra tranh cử, Trung Quốc đã sử dụng mọi thủ đoạn để bôi nhọ, đặc biệt là thuê thám tử tư ngay tại Mỹ để giúp họ đạt mục tiêu.  

Theo bản cáo trạng của công tố viên New York, cơ quan tình báo Trung Quốc đã thuê thám tử tư với nhiệm vụ đào bới quá khứ của ứng cử viên Hùng Diễm để tìm ra những yếu tố có thể phá vỡ uy tín của nhân vật này.

Họ thậm chí sẵn sàng ngụy tạo bằng chứng nếu không tìm ra điều gì. Bản cáo trạng ghi nhận là điệp viên Trung Quốc đã ra lệnh cho thám tử tư: “Hãy kiếm một cô gái, có thể anh ta sẽ bị cám dỗ”. Theo tờ New York Times, tình báo Trung Quốc cũng xem xét việc giả mạo tờ khai thuế để biến Hùng Diễm thành một kẻ lừa đảo.  

Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những điều này không thành công? Việc sử dụng bạo lực dường như không bị loại trừ. Một số đoạn băng được các nhà điều tra tịch thu cho thấy một số khả năng được nêu lên: “đánh cho đến khi nạn nhân không thể đi lại được nữa”, thậm chí gây nên một tai nạn xe hơi.. 

Hùng Diễm đã thoát khỏi số phận đáng buồn này trong gang tấc. Người thám tử tư được thuê thích khai mọi chuyện với nhà chức trách Mỹ hơn là thực hiện các kế hoạch của khách hàng Trung Quốc!

Ý đồ hù họa mọi người Trung Quốc ở hải ngoại

Theo chuyên gia Antoine Bondaz, vụ “Hùng Diễm” là một “ví dụ tuyệt vời nếu chúng ta muốn truyền tải thông điệp theo đó Trung Quốc đại diện cho một mối nguy hiểm thực sự”.  

Tuy nhiên, các chuyên gia được France24 phỏng vấn cũng cho rằng vụ đó không nhất thiết đại diện cho mô thức hành động của Trung Quốc.

Ông Zeno Leoni khẳng định: “Đó không phải là một cách làm quá tinh vi và rốt cuộc không mấy hiệu quả”. Antoine Bondaz cũng nhấn mạnh: “Sự can thiệp của Trung Quốc vào nội tình chính trị nước khác thường diễn ra nhiều hơn thông qua việc tài trợ cho các chiến dịch tranh cử, như ở Úc”. 

Đối với Zeno Leoni, vụ Hùng Diễm là một chiến lược của Trung Quốc nhằm đe dọa cộng đồng người Hoa ở nước ngoài hơn là một cuộc tấn công toàn diện vào các thể chế dân chủ của Mỹ: “Đó là một cách để nói với những người Trung Quốc muốn chỉ trích chế độ từ nước ngoài rằng sự lưu vong sẽ không bảo vệ họ khỏi cánh tay báo thù của Bắc Kinh”. 

Bài Liên Quan