Ukraina: OSCE báo động về các trại “thanh lọc” của Nga

Đăng ngày: 15/07/2022

Dòng người chen chúc lên tàu đến lánh nạn ở Dnipro và Lviv, rời khỏi vùng Donetsk, miền đông Ukraina, ngày 18/06/2022. REUTERS – GLEB GARANICH

Thanh Phương

Trong một báo cáo được công bố hôm qua, 14/07/2022, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bày tỏ “quan ngại nghiêm trọng” về các trại “thanh lọc” của Nga, được xây dựng để xác định những thường dân Ukraina nào bị nghi có liên hệ với chính quyền Kiev

Theo bản báo cáo dày 115 trang mà hãng tin AFP có được, những thường dân Ukraina được di tản từ những thành phố bị quân Nga bao vây, như Mariupol, cũng như từ những vùng lãnh thổ bị Nga chiếm đóng, đều bị chuyển đến các trại thanh lọc này. Tại đây, người di tản Ukraina bị lấy dấu vân tay. Giấy tờ căn cước của họ được sao chép lại và các dữ liệu cá nhân của được ghi lại.

Theo lời kể của các nhân chứng, trong quá trình thanh lọc, thường dân Ukraina bị tra khảo rất thô bạo và thân thể bị khám xét một cách rất nhục nhã. Mục tiêu của việc thanh lọc là phát hiện những người đã từng chiến đấu trong hành ngũ lực lượng Ukraina và hoặc có liên hệ với chính quyền Kiev. 

Theo các chuyên gia tác giả bản báo cáo của OSCE, trong đó có hai chuyên gia đã đến Ukraina để điều tra trong tháng Sáu, ngay sau khi bị phát hiện, những người này bị tách riêng ra và thường là mất dấu hoàn toàn. Một số người được chuyển đến các nước Cộng Hòa tự phong Luhansk và Donetsk, bị giam giữ, thậm chí bị giết ở những nơi đó. 

Cũng theo báo cáo của OSCE, những người qua được trại “thanh lọc”,  thường được đưa đến Nga, dù họ có đồng ý hay không. Khi đến nơi, họ được hứa cấp nhà ở miễn phí và sẽ có việc làm. Trên nguyên tắc, họ được tự do đi lại, nhưng thường không có thông tin, không tiền bạc, không điện thoại, để có thể tự mình rời khỏi nước Nga. 

Bản cáo của OSCE trích lời đại sứ Ukraina bên cạnh tổ chức này cho biết có khoảng 20 trại thanh lọc như vậy. 

Đây là báo cáo thứ hai của OSCE kể từ đầu cuộc chiến Ukraina trong khuôn khổ một cơ chế gọi là “cơ chế Matxcơva” nhưng Nga vẫn từ chối hợp tác. Báo cáo xác nhận phát hiện “các vụ vi phạm nhân quyền” có thể cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại.

Từ nhiều tuần qua, chính quyền Kiev vẫn tố cáo đã có hơn một triệu người Ukraina bị đày sang Nga, nhưng Matxcơva khẳng định mục đích của họ chỉ là “sơ tán” thường dân Ukraina khỏi các “vùng nguy hiểm”.

Bài Liên Quan