Lao động cưỡng bức: Hàn, Nhật thỏa thuận ‘‘sớm giải quyết’’ bất đồng

Đăng ngày: 19/07/2022

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin (T) và đồng nhiệm Nhật Bản Yoshimasa Hayashi trước cuộc hội đàm tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 18/07/2022. AP – Kim Kyung-Hoon

Trọng Thành

Bất đồng về hồ sơ cưỡng bức lao động người Triều Tiên dưới thời đế quốc Nhật vẫn là một trở ngại lớn trong quan hệ Hàn Quốc – Nhật Bản. Trong cuộc họp giữa ngoại trưởng hai nước, hôm qua, 18/07/2022, hai bên đã đạt thỏa thuận sớm tìm ra một ‘‘giải pháp phù hợp’’.  

Trong ngày đầu tiên của chuyến công du Nhật Bản trong ba ngày, hôm qua, ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin đã có buổi làm việc với người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tại Tokyo. Theo hãng tin Yonhap, sau cuộc họp nói trên, bộ Ngoại Giao Hàn Quốc ra thông báo cho biết : ‘‘Hai phía đã đạt được quan điểm chung là vấn đề này cần phải được giải quyết nhanh chóng’’.

Bất đồng chủ yếu liên quan đến việc bồi thường những người Triều Tiên bị cưỡng bức lao động trong các nhà máy và hầm mỏ của Nhật Bản trong thời kỳ Nhật đô hộ Triều Tiên (từ 1910 đến 1945). Theo hãng tin Yonhap, năm 2018, cơ quan tư pháp cao nhất tại Hàn Quốc đã ra phán quyết buộc hai công ty Nhật, Mitsubishi Heavy Industries Inc. và Nippon Steel Corp., bồi thường cho các nạn nhân, điều mà hai công ty từ chối.  

Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc ra lệnh thanh lý các tài sản của hai công ty, hiện đang bị phong tỏa, để lấy tiền thi hành án ngay từ tháng 8 tới. Quyết định của Tòa Án Tối Cao Hàn Quốc bị phía Nhật phản đối mạnh. Theo Tokyo, các vấn đề liên quan đến việc bồi thường đã được xử lý trong khuôn khổ một thỏa thuận năm 1965, nhằm hướng đến bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.  

Giải quyết khẩn trương bất đồng, trước khi phán quyết của Tòa Án Tối Cao được thực thi là thách thức với chính phủ Hàn Quốc. Hãng tin Bloomberg dẫn lại thông báo của bộ Ngoại Giao hai nước cho biết ngoại trưởng Hàn Quốc đã cam kết với đồng nhiệm Nhật Bản rằng Seoul sẽ tìm ra một giải pháp trước khi tòa án cho thanh lý tài sản của hai công ty Mitsubishi và Nippon. Trong số các giải pháp được giới quan sát nêu ra, có việc lập ra một quỹ dựa trên các đóng góp của các doanh nghiệp Hàn Quốc và Nhật Bản, hoặc chính phủ Hàn Quốc trực tiếp bồi thuờng cho các nạn nhân thay cho các doanh nghiệp Nhật Bản.  

Tuy nhiên, theo Bloomger, kế hoạch lập một quỹ chung hoặc chính phủ Hàn Quốc tự chi trả khó có khả năng thành hiện thực. Bởi hiện tại phe đối lập – đảng Dân Chủ của cựu tổng thống Moon Jae-in – nắm đa số tại Quốc Hội Hàn Quốc, và quan điểm của họ là phía Nhật Bản phải có ‘‘các đóng góp đủ mức’’. 

Đây là lần đầu tiên ngoại trưởng Park Jin công du Nhật Bản kể từ khi nhậm chức vào tháng 5, và lần đầu tiên ngoại trưởng hai nước họp lại kể từ tháng 11/2019. Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, lên cầm quyền vào tháng 5, đang nỗ lực tìm cách cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Theo Bloomberg, tân tổng thống Hàn Quốc, theo đường lối ‘‘bảo thủ’’, ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên, phù hợp với lập trường của Nhật Bản và chủ trương của Hoa Kỳ xây dựng một mặt trận các đồng minh và đối tác trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.  

Bài Liên Quan